- Cháu nhà tôi năm nay vào học lớp 1, đã được học chữ ở trường mẫu giáo. Nhưng cháu không hứng thú đối với việc học chữ, thường phải nhắc nhở mới làm bài tập, thường lảng tránh mỗi khi nhắc đến việc học. Xin tòa soạn cho tôi lời khuyên? (Nguyen Nhan Tang, 33 tuổi, Đà Nẵng)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Đối với trẻ em, khi bước vào lớp một, việc học chữ đối với trẻ thực sự chưa gây được hứng thú, việc phải làm những bài tập viết chữ ở nhà là một gánh nặng đối với trẻ, do vậy trẻ thường tìm cách lảng tránh. Do vậy điều quan trọng là cha mẹ, người lớn phải tìm cách động viên trẻ và không yêu cầu làm quá nhiều bài tập, xen kẽ là những trò chơi trẻ ưa thích, những hình thức vận động, sau một thời gian trẻ sẽ quen dần với nề nếp và sẽ hình thành tính tự giác.
Các phụ huynh không nên quá lo lắng về những trường hợp trẻ chưa hứng thú học tập khi bắt đầu vào học. Điều quan trọng là không làm trẻ chán học, sợ học bằng cách thường xuyên trò chuyện với trẻ về sự thú vị khi đến lớp, đến trường.
- Một chương trình giáo dục được giới thiệu gần đây cho trẻ em từ 3-8 tuổi giảng dạy tại Hà Nội và TP HCM là Fastrackids với mục tiêu bổ sung kiến thức và các kỹ năng cho các bé. Các chuyên gia có thể cho ý kiến về chương trình và sự cần thiết tham gia đối với các bé chuẩn bị vào lớp 1. (Lam, Hà Đông, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Hiện nay ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có nhiều các chương trình giáo dục bổ trợ nhằm tăng cường kiến thức xã hội ngoài nhà trường và đặc biệt giúp phát triển kỹ năng sống. Việc cho bé tham gia vào những chương trình như thế này thực sự là cần thiết nhất là đối với các bé chuẩn bị vào lớp một, nếu như sự tham gia đó tạo được nhiều hứng thú và cơ hội trải nghiệm cho bé.
Theo các chuyên gia tâm lý trẻ em, người lớn muốn biết các lớp học/khoá học bổ sung có phù hợp với khả năng của bé, có lợi như thế nào cho sự phát triển của mỗi bé, hãy để ý quan sát xem bé hứng thú như thế nào đối với các lớp học này. Bé kể, nói gì về các hoạt động diễn ra trong lớp học, bé có tích cực khám phá, bé có được trải nghiệm những tương tác tích cực với các bạn, bé có cảm nhận được những thành công...?
Nói khái quát hơn, các hoạt động học của bé có phù với sự chín muồi về mặt sinh học, đáp ứng như thế nào các nhu cầu và nhiệm vụ phát triển của bé. Lớp học thực sự phù hợp nếu bé thể hiện sự vui vẻ, mong muốn đến lớp, hay kể, hay nói về các hoạt động trong lớp, không cảm thấy lo sợ mỗi khi bước vào lớp học.
- Con trai tôi sắp vào lớp 1, bản chất thông minh, nhanh nhẹn. Khoảng một tháng nay, tôi có cho cháu học thêm tại nhà cô giáo lớp 1. Cô phản ánh cháu viết rất chậm và tư duy cũng rất chậm do không tập trung. Chúng tôi cũng nhận thấy cháu hay mất tập trung khi học và khi làm những việc cháu không thích. Nhưng khi học có sự kèm cặp của bố mẹ thì cháu học rất nhanh. Mong tiến sĩ hướng dẫn. (Đỗ Kiêm Hoàng, 33 tuổi, Bưu điện Bắc Kạn)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Có lẽ anh xem lại việc học thêm của cháu tại nhà cô giáo. Có thể cô giáo yêu cầu cao hơn so với mức độ phát triển hiện tại của cháu. Áp lực của nhiệm vụ và phương pháp ít hứng thú sẽ làm cho cháu không tập trung và không muốn thực hiện nhiệm vụ, cũng như không muốn tiếp nhận những lời người lời hay cô giáo đang dạy. Trước biểu hiện như vậy, thường người lớn sẽ hay có những nhận xét về khả năng tập trung hay là năng lực tư duy của con trẻ.
Để có được những nhận xét chính xác về sự phát triển của con trẻ cần phải thông qua rất nhiều bài trắc nghiệm chuyên môn cũng như thông qua quan sát hoạt động đa dạng của cháu. Như vậy theo những gì anh nói thì cháu chưa hẳn là như lời cô giáo nhận xét. Anh thử thay đổi phương pháp và thậm chí thay đổi người dạy với phương pháp khác để kiểm nghiệm lại khả năng của cháu.
- Bé thông minh, hiếu động trong các lãnh vực giải trí như chơi game, đồ chơi logo, giao tiếp sinh hoạt, học thể thao. Nhưng khi phải tập trung học văn hóa, thì bé luôn tìm cách né tránh, và hay quên bài học. Mặc dù gia đình rất ít khi cho bé chơi, mà để nhiều thời gian cho bé học văn hóa. Làm thế nào để bé tập trung vào việc học? (Tuyết Hạnh, 30 tuổi, Quận 3, TP HCM)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Dạy học là cả một nghệ thuật. Phương pháp dạy học tạo hứng thú cho con trẻ luôn là câu hỏi lớn đối với các nhà giáo dục. Nhiệm vụ học tập không giống như nhiệm vụ vui chơi, nó đòi hỏi sự nỗ lực, ý chí của con trẻ. Chính vì vậy, trẻ rất cần sự động viên khích lệ thường xuyên để củng cố các hành vi tích cực. Đặc biệt đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học, dùng phương pháp chơi trong buổi học hay nói cách khác chơi mà học là rất quan trọng. Anh, chị hãy cố gắng biến các nhiệm vụ học tập là những nhiệm vụ mang tính thử thách và có tính tranh tài để cháu cảm thấy hứng thú hơn. Khi cháu thực sự tìm thấy cái hay từ trong kiến thức cần phải học, thì lúc đó chúng ta không còn gặp khó khăn nữa. Vậy mấu chốt là hãy biến những kiến thức cần học thành nhu cầu thực sự của bé.
- Xin cho tôi hỏi hiện nay con tôi đang đi học mỗi tuần sáu ngày, để chuẩn bị vào lớp một. Học như vậy có tốt cho bé không ? (Thành Đạt, Vũng Tàu)
- PGS.TS. Nguyễn Công Khanh: Nhiều bậc phụ huynh luôn tin rằng: "bây giờ, phụ huynh nào cũng cho con đi học trước khi vào lớp 1, nếu con mình không đi học trước, sợ khi vào học lớp 1 con mình sẽ bị tụt hậu so với các bạn". Tuy nhiên niềm tin này không có cơ sở khoa học, thậm chí sẽ là sai lầm đáng tiếc nếu việc đi học trước đó, chỉ là ý muốn của cha mẹ, mà không xuất phát từ nhu cầu của chính đứa trẻ. Theo các nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý học đường, những trẻ em học trước chương trình lớp 1, luôn có nguy cơ làm thiệt hại đáng kể đến quá trình phát triển của trẻ, làm thui chột hứng thú học đường, vì những trẻ em học trước chương trình, biết đọc biết viết trước khi vào lớp một dễ chủ quan, không còn hứng thú với những bài học mình đã biết rồi.
Như vậy việc phụ huynh cho con học đi học trước khi vào lớp một là không cần thiết, việc học cả 6 ngày trong tuần dễ làm cho trẻ bị quá tải, dễ làm mất hứng thú học đường... nhất là chương trình học này tập trung vào việc học viết, luyện chữ... không chú ý nhiều đến việc rèn luyện phát triển các kỹ năng trí tuệ, phát triển khả năng quan sát, tập trung chú ý, phát triến các kỹ năng tương tác, kết bạn... thì việc học này là lợi bất cập hại.
- Có nhất thiết phải chọn trường chuẩn (theo dư luận) để gửi con đến học không? Có nên thuê thêm giáo viên về nhà (hoặc đưa con đến nhà giáo viên) để học thêm không? Có nên sắp xếp một thời gian biểu học thật nghiêm cho trẻ không, hay để trẻ tự học theo môi trường đào tạo ở lớp? (Duy Bẩy, 35 tuổi, Cục thuế tỉnh Điện Biên)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Không nhất thiết phải chọn trường chuẩn theo dư luận để gửi con theo học. Điều quan trọng cha mẹ cần xác định một số tiêu chuẩn chọn trường cho con, ví dụ, trường đó có thể gần nhà, điều này rất quan trọng vì trẻ không phải đi học xa, thứ đến xem đội ngũ giáo viên ở đó ngoài kinh nghiệm dạy học có kinh nghiệm tư vấn học đường hay không, có hiểu tâm lý trẻ hay không. Điểm nữa, là sự hài lòng của các phụ huynh có con học ở trường đó, sự hài lòng của những học sinh từng học ở trường đó. Mặt khác, xem trường đó có những mô hình giáo dục mới, có những chương trình giáo dục bổ trợ về giá trị sống, kỹ năng sống, các chương trình hoạt động ngoại khóa phong phú hay không.
Trẻ đến lớp được giáo viên dạy trên lớp đủ để trẻ theo học các chương trình chuẩn của Bộ giáo dục và Đào tạo. Do vậy, không cần thiết phải thuê thêm giáo viên về nhà dạy hoặc tham gia quá nhiều ở các lớp học thêm.
Đối với trẻ, tham gia các lớp học thêm về kỹ năng xã hội, về kỹ năng sống, về âm nhạc, hội họa, các câu lạc bộ thể dục, thể thao luôn tốt cho sự phát triển của trẻ. Đối với trẻ lớp 1, đây thực sự là bước ngoặt tạo nền tảng cho sự phát triển, hứng thú học đường. Do vậy điều quan trọng làm sao để trẻ hứng thú đến trường, tích cực tham gia vào các hoạt động tương tác cùng bạn bè. Cha mẹ cần giúp con xây dựng thời khóa biểu học tập và từng bước tạo thói quen hứng thú, tuân thủ những kế hoạch học tập đã được thảo luận cùng bố mẹ. Trẻ dần hình thành thói quen tự giác học tập.
- Con em 3 tuổi đang học mẫu giáo. Ở nhà cháu thích cầm bút vẽ nghệch ngoặc và hay cầm sách, truyện lên đọc lầm bầm dù chưa biết chữ. Xin hỏi em có thể dạy thêm cho cháu ở nhà cách cầm bút viết và dạy chữ cho cháu ở tuổi này được chưa? Ở bậc tiểu học có nên chọn trường quốc tế cho trẻ học không? (My Linh, 33 tuổi, Đà Lạt)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Bạn hoàn toàn có thể dạy con cách cầm bút và tập vẽ những nét chữ. Nhưng tùy theo sức khỏe của con để bạn có thể dành bao nhiêu phút cho mỗi lần để làm nhiệm vụ này. Hiện nay, việc học ngôn ngữ được thực hiện trên cả kênh hình và kênh tiếng, việc cho cháu tập viết những nét chữ cũng là việc tạo thêm kênh hình cho việc tiếp nhận ngôn ngữ.
Trường học dù là quốc tế hay trường công của nhà nước, chất lượng không phải nằm ở tên gọi này. Chị cần tìm hiểu thực sự, chương trình, đội ngũ quản lý và đội ngũ giáo viên của nhà trường. Tuy nhiên, cũng có sự khác biệt về cách tiếp cận trong dạy trẻ của một số trường quốc tế với trường công của chúng ta. Sự khác biệt này là do sự khác biệt về nền văn hóa, mức độ phát triển của kinh tế xã hội và sự đầu tư cơ sở vật chất... cho nên có sự khác biệt về phương pháp dạy trẻ. Tùy theo điều kiện của gia đình và thực sự chất lượng của trường học thì trẻ có thể cân nhắc để quyết định.
- Tôi xin đươc hỏi con tôi năm nay 5 tuổi sang năm cháu sẽ bước vào lớp 1 tôi rất băn khoăn không biết có nên cho cháu đi học chữ trước và đi học tiếng Anh không ạ ? Tôi có nên chọn 1 trường tốt hay không ? và tôi có nên cho cháu đi học thêm ngay từ bây giờ không ạ? (Ke Toan, Bắc Giang)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Các kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý học trẻ em cho thấy hầu hết trẻ tham gia các lớp mầm non, đặc biệt là mẫu giáo đã được làm quen với các chữ cái, thuộc bảng chữ cái, làm quen với các chữ số... đều có khả năng học thành công chương trình lớp một. Do vậy phụ huynh không cần phải cho con đi học chữ trước. Việc đi học tiếng Anh chỉ có hiệu quả với nhóm trẻ 6 tuổi khi bé có hứng thú với việc học tiếng Anh, không sợ mỗi khi có giờ học tiếng Anh và phương pháp dạy phải phù hợp với tâm lý lứa tuổi: học mà chơi – chơi mà học. Việc học không đặt nặng vấn đề viết đúng từ, nhớ nhiều mẫu câu... mà quan trọng là làm trẻ thích thú với cách khám phá thế giới đồ vật xung quanh bằng một thứ ngôn ngữ khác, thích thú với cách phát âm mới lạ, các trò chơi phát triển trí tuệ được thiết kế trong các giáo trình tiếng Anh.
Điều quan trọng là cha mẹ hãy chuẩn bị tâm thế cho trẻ sẵn sàng đi học. Và giúp trẻ biết cách cầm bút đúng, và để tâm nhiều hơn đến việc ngồi đúng tư thế, giữ khoảng cách phù hợp giữa vở và mắt...trẻ được tham gia nhiều các hoạt động đòi hỏi sự vận động tinh (sự phối hợp khéo léo của tay, chân, mắt...), các trò chơi khám phá đòi hỏi khả năng quan sát, khả năng suy nghĩ sáng tạo... Và quan trọng nhất là tìm mọi cách để nuôi dưỡng hứng thú học đường.
Để làm được điều này phụ huynh cần tham gia các khóa học làm cha mẹ thành công, để hiểu rõ đặc điểm tâm lý trẻ lớp 1, nắm được các các phương pháp dạy học tích cực, sử dụng đa giác quan, sự dụng hiệu quả các trò chơi học tập và các nguyên tắc dạy học kích hoạt não bộ, nuôi dưỡng hứng thú học đường để phối hợp cùng giáo viên giúp trẻ thành công học đường.
- Tôi có bé trai năm nay vào lớp 1. Tôi đã cho cháu đi học thêm trước khi vào lớp 1 nhưng mỗi khi tôi đưa cháu đi học, cháu đều có cảm giác lo lắng, sợ hãi vậy tôi có nên tiếp tục cho cháu đi học thêm? Với học lực của cháu không xuất sắc liệu tôi có nên cho cháu vào lớp chuyên? (Băng Lan, 32 tuổi, Vĩnh Phúc)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Chương trình học ở lớp mẫu giáo lớn trẻ đã được làm quen với chữ cái, với số, do vậy, trẻ đã được chuẩn bị để sẵn sàng vào học chữ ở lớp 1. Cha mẹ không nên cho con học trước chương trình lớp 1, đặc biệt là học viết chữ đẹp bởi vì viết chữ thường tạo ra sự nhàm chán gây stress cho trẻ. Khi vào lớp học, nhiệm vụ này thường được các giáo viên chia nhỏ để trẻ quen dần, cha mẹ không nên ép trẻ khi trẻ chưa sẵn sàng tham gia vào các lớp học thêm. Tốt nhất, nên chuẩn bị cho trẻ tâm lý thích đến trường, có kỹ năng giao tiếp với bạn, có kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng điều chỉnh nhận thức, hành vi... Đây là những kỹ năng giúp trẻ thành công học đường, những trẻ thiếu hụt kỹ năng này, đặc biệt là thiếu sự tự tin, khó hòa nhập có nguy cơ dễ gặp thất bại học đường.
Việc cho trẻ vào học các lớp chọn, trường chuyên phải dựa trên năng lực vượt trội của chính trẻ, điều này có thể quan sát qua các hành vi thông minh hằng ngày của trẻ như trẻ hay đặt những câu hỏi dí dỏm, trẻ hay có những câu trả lời sáng tạo, trẻ thích thú với việc đọc sách, kể chuyện, thích tương tác với các bạn, có trí nhớ tốt, thích chơi với những trẻ lớn tuổi hơn hay có những quyết định phù hợp trong những tình huống khó xử. Những trẻ này nếu thích thú với các lớp học năng khiếu, cha mẹ có thể đưa con đến trường để các bé được các chuyên gia, các nhà giáo kiểm tra phỏng vấn, nếu cháu đủ điều kiện có thể yên tâm gửi con vào học các trường này. Tuyệt đối không vì kỳ vọng của cha mẹ mà ép trẻ vào học trường chuyên lớp chọn khi trẻ không đủ năng lực theo học những chương trình này, vì điều đó có thể làm trẻ sợ học, chán nản vì mình không có những thành tích tốt như các bạn. Nếu cần, chị có thể gửi thư hoặc liên hệ: Trung tâm tư vấn học đường, Trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội, số điện thoại: 0936333963, chúng tôi sẽ có những bộ test chuẩn đánh giá năng lực của trẻ và có những lời tư vấn sát với trình độ của bé.
- Tôi năm nay có con bắt đầu đi học. Cháu thích học tính toán hơn học chữ viết, làm thế nào để giúp cháu học đều hơn? (Nguyen Manh Thanh, 30 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Mỗi đứa trẻ thường có những thiên hướng nhất định trong sự phát triển của mình và chúng cũng thường thích hoạt động nhiều hơn trong lĩnh vực mà chúng thấy mình thành công. Cháu tính toán tốt nhưng chắc là anh chị thực hiện những bài tính toán miệng và để kết hợp với phần chữ viết thì anh chị có thể bắt đầu những bài tính toán nhưng tính toán bằng hình thức viết. Cháu có thể viết và làm tính với những con số, sau đó có thể bằng những chữ viết về số. Dần dần cháu sẽ chuyển từ tính toán sang chữ viết.
Hơn nữa, do sự khéo léo của vận động đôi bàn tay của trẻ cũng rất khác nhau trong cùng một độ tuổi, có những cháu rất chóng mỏi tay khi viết, có thể do sự phát triển và cũng có thể do cháu cầm bút chưa đúng kỹ thuật. Sự mỏi mệt sẽ làm cho cháu chóng chán. Anh, chị có thể dùng cách tô màu chữ, biết các hình ảnh chữ thành các hình ảnh sinh động để giúp cháu có cảm hứng khi đưa từng nét bút và có sự động viên kịp thời ngay sau mỗi thành công rất nhỏ của cháu.
- Con em bắt đầu vào lớp 1, cháu rất lười học, không tự giác học khi không có sự giám sát của người lớn. Vậy phải làm sao? (Ha, 34 tuổi, 143 Tôn Đức Thắng)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Đối với hầu hết trẻ, khi kết thúc tuổi mẫu giáo trẻ vẫn quen với những trò chơi, do vậy, khi vào lớp 1, khó khăn lớn nhất với trẻ là tuân thủ nề nếp học tập, phải làm bài tập, phải thực hiện những yêu cầu trên lớp của cô giáo. Tuy nhiên, những biểu hiện này sau một thời gian thường là 4-6 tuần nếu có sự giúp đỡ, động viên của giáo viên và cha mẹ, trẻ sẽ quen dần và bắt đầu hình thành những thói quen tự giác học tập. Điều cha mẹ cần làm lúc này là tuyệt đối không chê bai trẻ, cố gắng khen trẻ mỗi khi trẻ hoàn thành một bài tập, trẻ có những phát hiện sáng tạo, không nên ép trẻ tập viết quá lâu vì đây là những bài tập dễ gây nhàm chán nhất, xen kẽ cha mẹ cần cho trẻ tham gia những trò chơi vận động, đố vui, những trò chơi phát triển trí tuệ. Điều này sẽ kích thích hứng thú học đường.
- Con gái tôi 6 tuổi, rất tình cảm, nhanh nhẹn, thông minh nhưng khi ra ngoài rất nhút nhát. Bé hay sợ những điều đơn giản như côn trùng, tiếng động mạnh, bóng tối, sợ dơ.... Bé rất hay cãi lý với cha mẹ, nhưng lại rất nghe lời người ngoài. Tính bé không kiên trì, làm gì cũng vụng về, ít tập trung nhưng lại hay tò mò và có trí nhớ rất tốt. Mong TS hướng dẫn tôi cách dạy con phù hợp. (Thanh Vi, 33 tuổi, TP HCM)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Biểu hiện tâm lý còn e dè, nhút nhát với người ngoài là một biểu hiện thường thấy ở trẻ nhỏ, thậm chí ở một số người lớn. Vậy để cho cháu mạnh dạn hơn trong giao tiếp thì chúng ta cần tạo môi trường giao tiếp an toàn. Trong môi trường ấy, trẻ không phải đề phòng hay lo lắng về sự an toàn của mình, khi ấy trẻ sẽ mạnh dạn hơn. Trong môi trường gia đình là môi trường thân thiết nhất, bé sẽ thể hiện đúng là bé nhất. Chính vì thế nên bé sẵn sàng có thể tranh luận lại, lý sự lại và thể hiện những quan điểm của mình. Người lớn chúng ta đừng coi đó là những hành vi cãi của trẻ, chỉ có điều chúng ta cần uốn nắn cách mà các con trao đổi với người lớn. Chúng tôi thấy cần khuyến khích hành vi phản biện lại của trẻ, chỉ có cách đó thì trẻ mới hình thành khả năng tư duy độc lập và sáng tạo.
Sự kiên trì cũng như sự tinh tế của hành vi sẽ phát triển dần theo năm tháng, dưới sự uốn nắn và chỉ bảo của người lớn. Tuy nhiên, điều này cũng khác nhau ở mỗi đứa trẻ, anh, chị hãy kiên trì giáo dục con.
- Bé trai nhà em năm nay vào lớp 1. Em muốn cho bé học trường quốc tế Việt Úc nhưng bố bé lại bảo là không tốt bằng trường công lập. Vấn đề này xin các chuyên gia tư vấn giúp em (Vũ Thị Thanh Nga, 31 tuổi)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Thật khó để xác định trường nào tốt nhất để cho bé vào học. Cha mẹ cần phải xác định một số tiêu chí thế nào là một trường học tốt, thích hợp nhất cho bé. Theo các chuyên gia giáo dục, tư vấn tâm lý học đường, một trường học có nhiều học sinh, phụ huynh thường xuyên nói về những chương trình học, đặc biệt là các chương trình giáo dục bổ trợ như giá trị sống, giáo dục kỹ năng sống, các chương trình học ngoại khóa, điền dã, các lớp học trải nghiệm có sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn học đường sẽ là những lựa chọn tốt cho phụ huynh.
Điểm nữa, đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, tiếp cận với các lý thuyết dạy học hiện đại như dạy học tương tác, dạy học trải nghiệm, dạy học kiến tạo, điều này được kiểm chứng bằng sự thích thú của học sinh trong giờ học. Giáo viên không giao nhiều bài tập về nhà, học sinh về nhà thường hay nói với cha mẹ thể hiện sự hứng thú học tập, yêu thích cô giáo, đó là những trường cha mẹ nên cho con vào học. Một trường học có những mô hình giáo dục tiên tiến, có những định hướng rõ ràng về chương trình học, về mục tiêu giáo dục, có hệ thống đánh giá đầu vào, đánh giá quá trình, đánh giá đầu ra (còn gọi là hệ thống đảm bảo chất lượng trong) sẽ là những trường có tiềm năng phát triển tốt nhất. Cha mẹ nên tìm hiểu kỹ về những trường này khi cho con học, dù đó là trường công hay trường tư.
Điểm nữa, cha mẹ cũng phải lưu ý đến chuyện tài chính và những mong muốn của mình, điều này cha mẹ có thể tư vấn qua các chuyên gia tâm lý học đường, các nhà giáo dục.
- Có một thực tế là các chuyên gia về giáo dục thường khuyên không cho trẻ học sớm nhưng khi đi học với khối lượng kiến thức như vậy trẻ không theo ngay được. Vậy thật sự chúng tôi có nên cho con học trước hay không? (Nguyen Dung, 31 tuổi, Kim Lien)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Học có thể bằng nhiều con đường, với những phương pháp và hình thức khác nhau. Các nhà giáo dục khi khuyên không nên cho trẻ học quá sớm có nghĩa là chúng ta không nên cho trẻ học những gì là quá sức và quá cao đối với năng lực thực tại của trẻ. Còn con người không lúc nào ngừng học tập. Chính vì vậy gia đình hãy hỗ trợ bằng những tri thức của cuộc sống gần gũi với trẻ để trên nền tảng tri thức ấy, các thầy cô trong nhà trường sẽ dễ hơn trong việc khái quát hóa thành những kiến thức khoa học. Với quan niệm này thì chúng ta sẽ không có khái niệm học trước hay học sau, dạy trước hay dạy sớm. Cho nên khi chưa biết chị đang dạy cho con cái gì thì cũng không thể nói được chị đã dạy con sớm hay như thế nào. Chị cũng có thể lấy sách của con, tìm hiểu nội dung chương trình xem những kiến thức nào từ cuộc sống cần hỗ trợ cho con có liên quan đến bài học và bằng phương pháp đơn giản, nhẹ nhàng, chị hãy dạy con về những điều đó. Chị không cần phải lấy chính bài học một cách trực tiếp từ trong chương trình để dạy con, bởi đến lớp nếu phải học lại con sẽ mất động lực.
- Con tôi chuẩn bị vào lớp 1 trường tiểu học Đặng Trần Côn B. Nhà trường thông báo tuyển sinh 2 lớp học theo kiểu mới : học trên bảng điện tử. Tôi muốn hỏi chương trình này đã được dạy phổ biến ở những trường học nào trên toàn quốc? Các cháu theo học chương trình này cần phải có trình độ nhận thức như thế nào? (Nguyen Dao, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội)
- TS Đinh Thị Kim Thoa: Bảng điện tử là một trong những sản phẩm của công nghệ hiện đại. Việc nhà trường thông báo có sử dụng bảng điện tử trong dạy học, điều dó có nghĩa là nhà trường khẳng định tính hiện đại trong phương tiện dạy học mà nhà trường đã đầu tư. Bảng điện tử rất tiện ích cho các hoạt động dạy học với nhiều phần mềm ứng dụng và tương tác thông minh với bảng. Với công nghệ cao này, hy vọng sẽ làm tăng động cơ học tập của học sinh. Hiện nay đã có một số trường sử dụng bảng này. Nhưng vì bảng này cũng khá đắt tiền và đòi hỏi giáo viên phải học sử dụng thì mới biết dùng nên chưa được trang bị đồng loạt. Tuy nhiên, vì chỉ là phương tiện dạy học nên việc cháu chuyển học từ trường sử dụng bảng điện tử sang trường không dụng bảng điện tử không ảnh hưởng gì đến việc học tập của cháu nếu các thầy cô giáo là những nhà sư phạm giỏi.
- Em được biết chương trình học lớp 1 năm nay bắt đầu học tiếng Anh. Vậy làm thế nào để việc học tiếng Anh của các cháu có hiệu quả cao ạ? (Đinh Thị Thúy Hằng, 37 tuổi, Gia Lâm Hà Nội)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Học ngoại ngữ tốt cần có một số yếu tố. Thứ nhất là yếu tố bẩm sinh: nếu vùng ngôn ngữ của con được kích hoạt sớm và tạo vùng sớm thì khả năng học ngôn ngữ sẽ nhanh và thuận lợi hơn. Thứ hai là yếu tố môi trường: một môi trường ngôn ngữ đa dạng mà đứa trẻ được tiếp xúc thường xuyên sẽ làm gia tăng những tương tác ngôn ngữ. Thứ ba là phương pháp dạy ngoại ngữ của các thầy cô có thu hút được và tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm nhiều hơn không. Và cuối cùng là sự tích cực của chính trẻ đối với hiện tượng ngôn ngữ. Nếu chị có thể tìm được càng nhiều điều kiện này thì việc học càng hiệu quả.
- Con gái tôi sinh tháng 12/2004, năm nay vào lớp 1. Cháu nhút nhát, nói ngọng nên không tự tin trong giao tiếp, vui chơi với bạn, mắt bị cận thị nên chữ viết cũng xấu. Tôi cũng đã động viên hay nói chuyện với cháu rất nhiều để tạo niềm tin cho cháu nhưng không đạt kết quả. Tôi cũng cho cháu đi học thêm và kèm cháu viết nhưng cháu hay bị mất tập trung trong học tập. Rất mong chuyên gia cho tôi lời khuyên. (Lê Kiều Dung, Sóc sơn, Hà Nội)
- TS. Đinh Thị Kim Thoa: Chào chị, con chị chuẩn bị học lớp 1, nhưng so với các bạn, con đi học sớm hơn vì con sinh cuối năm nên nhiều kỹ năng con có thể yếu hơn các bạn sinh đầu năm 2004. Con đã ý thức được về những điểm yếu và điểm mạnh của bản thân nên sẽ có những hành vi tương ứng với tự nhận thức về mình. Để làm cho con trở nên tự tin hơn, chị cần phải kiên trì, phối kết hợp với các thầy cô giáo ở trường để con có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn. Việc chị nói chuyện với cháu nhiều nhưng không thấy khả quan lắm bởi vì chị đã sử dụng phương pháp chưa hiệu quả. Sự tự tin không thể hình thành thông qua lời khuyên. Vậy chị nên làm gì ?
1. Vẫn tiếp tục chuẩn xác phát âm của con (yêu cầu con nói chậm, thường xuyên giúp điều chỉnh những từ/ âm con nói ngọng)
2. Luôn khuyến khích con, khen ngợi và thưởng với những cố gắng của con dù nhỏ nhất
3. Không nên nhắc nhiều về những điểm yếu của con.
4. Cùng con tham gia vào các hoạt động vui chơi tập thể
5. Hãy tìm xem con bạn có thế mạnh gì, hãy phát huy nó, làm cho con thành công trong lĩnh vực ấy. Con sẽ tự tin hơn. Khi cháu đã thành công thì sự chú ý cũng được cải thiện. Chúc chị áp dụng hiệu quả.
- Con tôi đi học được 3 tuần làm quen chữ tại trường cháu sắp vào học lớp 1. Cháu thuận tay trái nên 3 tuần đi học tuy viết tay phải nhưng cô nói chữ yếu lắm, do bố mẹ cho học muộn quá. Tối về tôi cũng kèm cháu tập viết nhiều nhưng cháu viết không thẳng hàng lối, chữ không tròn, thẳng. Tôi có nên cho cháu đi học lớp luyện chữ đẹp không. (Triệu Thanh Hương, 37 tuổi, 75 Trường Sơn-phường 2-Quận Tân Bình-TP.HCM)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Học làm quen chữ trước khi vào lớp 1 không phải lúc nào cũng giúp trẻ phát triển, nhất là những lớp học luyện chữ đẹp bởi vì đây là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với học sinh lớp 1.
Tất cả giáo viên, cha mẹ và người lớn cần hiểu rằng những lớp học chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 cần phải có nội dung thích hợp với lứa tuổi tiền học đường. Trẻ 6 tuổi đang chuyển giai đoạn từ hoạt động vui chơi là chủ đạo sang hoạt động học tập là chủ đạo, do vậy điều quan trọng là người lớn dần làm trẻ thích nghi với những nhiệm vụ, những yêu cầu học tập ở lớp 1 chứ không phải làm trẻ lo sợ, mất tự tin bằng sự chê bai những nhận xét tiêu cực. Tốt nhất, giáo viên và người lớn hãy tập cho trẻ cách ngồi học đúng tư thế, cách cầm bút đúng cách, những bài học kích hoạt các năng lực trí tuệ như tập tô, tập ghép chữ, những trò chơi vận động làm quen với các con số, chữ cái, lồng vào đó là những yêu cầu về sự tuân thủ nề nếp học tập rèn luyện khả năng quan sát, khả năng tập trung chú ý tốt hơn nhiều là những lớp học luyện chữ.
Những giờ học tập viết chữ kéo dài hằng giờ theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em khi trẻ mới 6 tuổi sẽ làm thương tổn đáng kể đến hứng thú học đường, làm giảm lòng tin của trẻ vào năng lực của chính mình, có thể tạo tâm lý bất an, lo sợ, không muốn đến trường, điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sự thành công của trẻ học lớp 1.
Đối với bé thuận tay trái, (thường chiếm khoảng 10%) nếu thực sự giáo viên cha mẹ tập cho trẻ viết bằng tay phải không thành công hoặc trẻ có sự tiến bộ chậm chạp thì tốt nhất chuyển cho trẻ sang tập viết bằng tay trái, nếu sự tiến bộ của trẻ tốt hơn nhiều thì cha mẹ và giáo viên hãy chấp nhận. Điều này để rõ hơn các phụ huynh có thể liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0936333963 để có những tư vấn chuyên sâu về vấn đề này.
Các giáo viên dạy tiểu học hết sức lưu ý mỗi khi đưa ra những lời nhận xét tiêu cực bởi vì điều này rất dễ làm thương tổn trẻ, khi cần nhận xét giáo viên có thể chỉ ra những điểm mạnh, những ưu điểm của trẻ để phụ huynh không bị "choáng" khi hằng ngày vẫn thấy trẻ thông minh, nhanh nhẹn bỗng nhiên khi vào học trẻ trở nên chậm chạp, khó tập trung chú ý. Giáo viên tiểu học rất cần tư vấn và trao đổi thường xuyên với phụ huynh để tìm ra cách giáo dục cá biệt, phù hợp nhất với cá tính của từng trẻ. Điều này rất quan trọng, sẽ giúp trẻ thành công học đường.
- Con gái tôi năm nay vào lớp 1, tư chất thông minh, nhanh nhẹn hoạt bát song hay hấp tấp, tôi e thói quen đó sẽ ảnh hưởng đễn quá trình học tập của cháu. Tôi nên làm gì để giúp cháu sửa được thói quen này? (Nguyễn Minh Huệ, 37 tuổi, Q. Ngô Quyền, Hải Phòng)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Những cháu có tư chất thông minh, nhanh nhẹn thì cũng thường hay làm cho mọi người có cảm nhận là các cháu hấp tấp, chưa chín chắn, thậm chí còn có thể nói là hậu đậu... Thực ra, biểu hiện hành vi này đúng là sự thể hiện của mâu thuẫn giữa nhu cầu và năng lực của trẻ. Trẻ rất muốn thể hiện rằng mình là một đứa trẻ rất hoạt bát nhưng vì sự phát triển vận động tinh, kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề thì chưa thực sự phát triển nên rất dễ dẫn đến kết quả của hành động không như mong muốn. Vậy để rèn cháu biết "chín chắn" hơn, thì có rất nhiều kỹ thuật: chị hãy cho cháu nói ra ngoài những ý định thực hiện nhiệm vụ, hành động, hành vi của cháu, cùng cháu thảo luận cách có thể giải quyết nhiệm vụ này. Trong quá trình thảo luận, người lớn cũng cần thể hiện sự điềm đạm, điềm tĩnh, thậm chí dành những giây phút để con tạm lắng và suy tư trước khi hành động. Nếu bài tập này được thực hiện nhiều lần với nhiều các tình huống khác nhau, dần dần con sẽ trở nên điềm tĩnh hơn.
- Con trai cháu chuẩn bị vào lớp 1, mỗi sáng đi học rất vất vả, cháu thường nghĩ ra rất nhiều lý do để không phải đi học, nếu không được ở nhà theo ý của mình thì cháu bắt bố mẹ phải hứa làm theo những yêu cầu của cháu như đi đón sớm, đi học về phải mua đồ chơi... làm thế nào để cháu cảm thấy thích và đến trường với tâm lý thoải mái nhất? (Nguyễn Thanh, 34 tuổi, Long Biên - Hà Nội)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Chị hãy thử đến trường quan sát xem các hoạt động của con ở trường như thế nào, cũng như trao đổi với cô giáo về thái độ, cảm xúc của con khi ở trường để tìm hiểu mối quan hệ của con với bạn bè... để rõ hơn lý do vì sao con không muốn đến trường.
Trong giai đoạn đầu này, khi trẻ chưa thực sự tìm thấy niềm vui trong mối quan hệ với bạn bè thì trẻ vẫn muốn ở bên cạnh những người thân. Chỉ cần vài tháng nữa thôi, khi trẻ quen với môi trường mới, quen với bạn bè thì thái độ đi học của trẻ sẽ thay đổi. Để giúp bé thích nghi nhanh hơn trong giai đoạn này, có lẽ anh, chị cũng có thể thỏa hiệp với con một số yêu cầu của con nhưng kèm theo với những điều kiện mà anh chị đặt ra. Bên cạnh đó, anh chị hãy xem con thích chơi với bạn nào nhất, sau đó hãy làm quen với gia đình bạn, gia tăng mối quan hệ giữa hai gia đình cho các con. Khi con biết đến trường sẽ được chơi với bạn thân của mình thì sự mè nheo của trẻ sẽ giảm do nhu cầu về bạn lớn dần.
- Tôi là một phụ huynh sắp có con vào lớp 1. Tôi thấy hiện nay chương trình học của các con rất nhiều mỗi buổi các con phải làm tới 2 bài toán và 4 trang viết như vậy các con sẽ theo như thế nào, bản thân tôi thấy rất lo lắng không biết mình sẽ hướng và giáo dục con như thế nào để con khỏi hẫng. Các bậc phụ huynh chúng tôi phải làm gì? (Thanh Loan)
-PGS. TS. Nguyễn Công Khanh: Trẻ đủ 6 tuổi rời lớp mẫu giáo vào lớp một là một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển tâm lý của trẻ. Đó là quá trình chuyển giai đoạn từ hoạt động chơi là chủ đạo ở lứa tuổi mẫu giáo (chơi mà học- tập trung vào quá trình chơi hơn là kết quả) sang hoạt động học là chủ đạo ở lứa tuổi tiểu học (hoạt động học có tính mục đích, đòi hòi tập trung nhiều hơn vào kết quả). Quá trình chuyển đổi hoạt động chủ đạo sẽ gây cho trẻ rất nhiều khó khăn, nhất là về mặt tâm lý. Khi vào lớp 1, các em sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện nội quy học tập, khả năng tập trung chú ý còn kém. Các em gặp nhiều khó khăn trong khi chuyển trạng thái từ hoạt động chơi sang học, trẻ chưa biết phân bố thời gian giữa các môn sao cho phù hợp. Đặc biệt, trẻ ở lứa tuổi này phải làm quen với phương pháp học tập mới, phải làm bài tập về nhà, phải học nhiều môn khác nhau, kể cả những môn các em không thích.
Việc tuân thủ các yêu cầu của học sinh lớp 1 luôn là khó khăn với bé. Các phương pháp chơi mà học của mẫu giáo đã được các chuyên gia tâm lý học đường khuyến cáo, giáo viên lớp 1 nên tiếp tục áp dụng để nuôi dưỡng hứng thú học tập của trẻ khi vào lớp một. Cái trẻ cần được cha mẹ chuẩn bị chính là tâm thế sẵn sàng đi học (gồm khả năng sử dụng ngôn ngữ, các khả năng về trí tuệ, khả năng thích ứng học đường, khả năng hiểu các biểu tượng về số, chữ cái, các kỹ năng sống, sự chủ động, độc lập, tự tin, hứng thú đến trường).
Như vậy cho trẻ tham gia các lớp học kể chuyện sáng tạo, các lớp học nhạc, học múa, học vẽ,... các lớp học phát triển các năng lực trí tuệ, khám phá thế giới cảm xúc, phát triển kỹ năng xã hội, hình thành tính chủ động, độc lập tự tin,... các lớp học dã ngoại khám phá ngoài lớp học, sẽ có lợi hơn rất nhiều cho sự phát triển của trẻ, không có nguy cơ làm thiệt hại đến sự phát triển, không làm giảm thiểu hứng thú học như là các lớp học viết chữ sớm, lớp học trước chương trình lớp một.
- Em chào thầy Khanh! So với 4 năm trước khi em gặp thày tại Công ty "Con đường mới" thầy vẫn trẻ trung phong độ như ngày nào. Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, em xin hỏi ý kiến thầy về lời khuyên chuẩn bị tâm lý cho trẻ tự kỷ nhưng đã bình phục tương đối tốt để bước vào lớp 1. Xin cảm ơn? (Hoàng Ngọc Khuyến, 27 tuổi, Ninh Bình)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Rất cảm ơn bạn. Chúng tôi đã rất thành công với mô hình giáo dục MASTER cho trẻ mầm non, chúng tôi đang tiếp tục đang tìm mô hình giáo dục mới, với những chương trình giáo dục bổ trợ tiên tiến dành cho học sinh tiểu học: Mô hình giáo dục tiểu học VISEMI- trường học ưu việt giáo dục đa trí thông minh. Với tư cách là chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, chúng tôi đang dành toàn bộ tâm huyết, trí tuệ của mình cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục trẻ em.
Đối với một số trẻ tự kỷ, khi đã bước ra khỏi những trạng thái tự kỷ hoàn toàn có thể theo học chương trình tiểu học, ở những lớp bình thường. Tuy nhiên, cha mẹ, giáo viên cần phải để tâm nhiều hơn đến những trẻ này bởi vì các em chưa đủ sự tự tin do thiếu vắng những thành công học đường, hơn nữa, những trẻ này cần nhiều nhất những lời động viên, những lời nhận xét tích cực mỗi khi trẻ có những hành vi tốt, giao tiếp thành công với người khác. Đó là cách tốt nhất để nuôi dưỡng lòng tự tin. Mặt khác, cha mẹ cũng cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn học đường, hãy tìm cách trao đổi thường xuyên với họ để có những lời khuyên, những hỗ trợ kịp thời giúp bé thành công học đường. Chúc anh chị có niềm tin vào bé, biết đâu trong tương lai bé sẽ trở thành những tài năng bởi vì đã từng có những vĩ nhân tuổi thơ bị đánh giá là trẻ tự kỷ nhưng rồi họ trở thành những tài năng xuất chúng. Điều quan trọng là mỗi cha mẹ luôn phải có niềm tin vào chính con của mình, không so sánh con mình với những trẻ khác để tạo ra những áp lực không cần thiết làm thương tổn đến chính mình và đến con trẻ.
- Con trai em bắt đầu bước vào lớp 1, em muốn cho cháu tham gia một khóa học đàn organ nữa thì có nên không, hay là chờ thêm một thời gian để con chuẩn bị vững vàng tâm lý bước vào lớp 1 đã? (Hoàng Thị Hương Thùy, 31 tuổi, 39 Hàng Chuối - Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Những lớp học đàn, múa, hội họa, võ, bơi, kỹ năng sống... nếu trẻ thực sự thích thú không bao giờ là muộn đối với trẻ em dù là tuổi mẫu giáo hay tiểu học. Vấn đề là bố mẹ phải cân nhắc, trước hết xem con mình có thực sự hứng thú với những lớp học này không, mặt khác không nên cùng một lúc cho con tham gia quá nhiều lớp học vì dễ tạo ra sự quá tải đối với trẻ. Một lớp học phù hợp nếu như sau một số buổi học khi đón trẻ về cha mẹ nhìn thấy gương mặt tươi vui của trẻ, những chia sẻ về các hoạt động trong lớp học, và trẻ tự giác, không muốn nghỉ học, trẻ có những tiến bộ có thể quan sát được như sự tự tin, sự nhanh nhẹn, sự sáng tạo, sự kiên trì... Đấy là những lớp học tốt, cần tiếp tục duy trì.
Ngược lại, sau một số buổi học, trẻ có biểu hiện sợ học, tìm cách trì hoãn, không muốn đến lớp, khi ra khỏi lớp không có biểu hiện thoải mái, ít nói chuyện về lớp học... thì tốt nhất cha mẹ hãy cho trẻ tạm nghỉ hoặc không tham gia vì điều đó đang tạo ra sức ép không cần thiết đối với chính trẻ.
- Con trai tôi chuẩn bị vào lớp 1, từ khi cháu đi học mẫu giáo và khi ở nhà chơi với các bạn, cháu không phải là trẻ hay bắt nạt và trêu chọc bạn bè, tuy nhiên khi đi học cô giáo phản ánh cháu hay trêu chọc bạn bè, như lấy bút chì chọc vào bạn. Tôi hỏi lại cháu, cháu khóc và nói không hề trêu bạn tuy nhiên bạn lại kể với cô giáo. Tôi nên xử lý thế nào? (Hai, 28 tuổi, Yen Bai)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Việc bắt nạt và trêu chọc là những hiện tượng gắn với học đường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất là do trẻ chưa có các kỹ năng tương tác với bạn cùng trang lứa. Người lớn đừng quá trầm trọng khi đánh giá hiện tượng này nhưng chúng ta cũng phải chỉ ra cho trẻ cần phải làm gì và làm như thế nào. Sự hướng dẫn chi tiết của người lớn là rất quan trọng để đứa trẻ biết phải làm gì.
Thí dụ, trẻ có nhu cầu muốn bạn quan tâm đến mình nhưng không biết làm cách nào ngoài cách lấy bút chọc vào bạn để bạn phải chú ý, phản ứng để biết sự tồn tại của mình. Vậy giáo viên và bố mẹ nên trao đổi với con để hỏi con vì sao con có hành vi như vậy (đôi lúc có thể không nhận được câu trả lời vì trẻ cũng không biết vì sao). Nhưng người lớn vẫn hỏi và sau đó, người lớn tự chỉ ra cách thức con nên làm thế nào: như bạn có thể nói "À, mẹ biết là con rất muốn chơi với bạn A đấy đúng không? Vậy con nghĩ là con có cách nào để con có thể kết bạn, con có thể hỏi thăm, hỏi bạn cần gì thậm chí con có thể mang một số thứ đến lớp để chia sẻ với bạn thay vì cầm bút chọc bạn"...
Vì sao cháu lại trả lời rằng cháu không trêu bạn bởi trêu bạn là cách mà người lớn đã áp cho trẻ mà chưa chắc trẻ đã nghĩ như vậy bởi hành vi bên ngoài của trẻ có thể không tương xứng với cách suy nghĩ của trẻ. Vậy chị hãy cố gắng hiểu con và dạy con cách cần ứng xử với bạn bằng những cách thức cụ thể.
- Con tôi sinh tháng 12 năm 2004, năm nay tôi có nên cho cháu vào lớp 1 không, hay nên để năm sau? (Nguyễn Khánh Duy, 34 tuổi, 42/31 đường số 4 phường 5 Gò Vấp Tp.HCM)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Một em bé đủ 6 tuổi (tính từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2004) đều có thể vào học lớp 1 ngay trong năm học 2010-2011 nếu những em bé này có một tâm lý sẵn sàng đi học. Cụ thể, về mặt ngôn ngữ, trẻ nói lưu loát, trẻ có thể kể được những câu chuyện ngắn, tỏ ra tự tin khi trò chuyện với người lớn, trẻ biết được những chữ cái, biết được một số âm, vần... Về mặt tư duy logic, trẻ nhận biết được các con số từ 1 đến 10, trẻ có thể nhận ra những quy luật nào đó trong một dãy số chẳng hạn, số lớn hơn, số bé hơn trong phạm vi 10...
Về mặt thích nghi/thích ứng học đường, trẻ thích thú đến trường, trẻ dễ hòa nhập, có chút tự tin... Nếu trẻ có những điều kiện trên đây thì tốt nhất phụ huynh nên cho bé đi học trong năm học này bởi vì nếu để năm sau sẽ làm thiệt hại đáng kể sự phát triển của trẻ vì trẻ háo hức đến trường, các bạn cùng tuổi được đến trường tiểu học trong khi bé vẫn phải ở lại mẫu giáo. Cha mẹ cũng lưu ý, nếu trẻ có những biểu hiện chậm phát triển trí tuệ, điều này cần phải được các chuyên gia tâm lý trẻ đánh giá bằng những bộ test chuẩn thì cha mẹ phải cân nhắc, có thể trẻ chưa sẵn sàng đi học lớp 1.
- Tôi có bé gái 6 tuổi năm nay học lớp 1, 2 vợ chồng tôi thường tranh luận nhau về việc có cho con học lớp chọn hay không, cháu thông minh, hay tò mò khám phá. Xin TS tư vấn cho chúng tôi cách kiểm tra năng khiếu của con để có được quyết định đúng đắn phù hợp với khả năng của cháu. (Do Tien, 38 tuổi, Hải Phòng)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Cha mẹ nào cũng muốn tìm môi trường học tốt nhất cho con mình và thường lớp chọn sẽ là lớp các cháu có đầu vào cao và giáo viên thì cũng được ưu tiên cho những lớp này. Tuy nhiên, con mình có phù hợp với những lớp này không thì phải xem thực lực của con, trong đó có cả năng lực, ý chí, tính cách... Ở Hải Phòng thì tôi không rõ nhưng ở Hà Nội cũng có nhiều trung tâm tư vấn đánh giá trẻ để xác định năng lực, thiên hướng của trẻ như ở trường tiểu học Ngôi sao thì cũng có trung tâm tư vấn và đánh giá này. Nếu sau đánh giá chuyên gia thấy con có thể đủ sức để học trong môi trường lớp chọn thì điều đó cũng rất tuyệt vời. Còn nếu ở trong môi trường bình thường mà con tìm được vị trí của mình thì còn tốt hơn.
- Tôi có hai con sinh đôi (1 trai, 1 gái). Nhà tôi đang đăng ký học cho các cháu vào lớp 1 nhưng chúng tôi vẫn chưa quyết định nên cho các cháu học chung một lớp hay học khác lớp vì chúng tôi không biết liệu học chung và riêng sẽ ảnh hưởng đến các cháu thế nào ? Vậy rất mong có được sự tư vấn của các tiến sĩ? (Đặng Ngọc Nghĩa, 37 tuổi, E5, Quỳnh Mai, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Đối với trẻ em sinh đôi, nếu chúng thực sự là "đôi bạn thân" đi đâu cũng có nhau, làm gì cũng gọi nhau, hành vi của trẻ này thường kích hoạt sự suy nghĩ, động não, thậm chí cả sự lo lắng của trẻ kia thì tốt nhất cha mẹ nên cho con vào học cùng lớp. Theo các chuyên gia tâm lý học đường, những trẻ sinh đôi luôn cần có nhau, nếu tách chúng ra học ở những lớp riêng, chúng luôn cảm thấy thiếu vắng một người bạn tâm lý luôn ủng hộ, hỗ trợ dù rằng có thể chúng sẽ có nhiều hơn cơ hội để kết bạn mới.
Nếu trẻ sinh đôi hay có những hoạt động độc lập và trong nhiều tình huống mỗi trẻ đều thích thể hiện sự độc lập không thực sự cần thiết phải có mặt của trẻ kia trẻ vẫn thực hiện tốt những nhiệm vụ, những yêu cầu nào đó thì việc cho trẻ học tách lớp cũng là điều tốt vì chúng có cơ hội để kết bạn mới, được làm quen với những phương pháp học khác nhau, được sống trong những môi trường tương tác khác nhau... để rồi khi về nhà chúng có nhiều chuyện để chia sẻ. Điều này thực sự là cơ hội để hình thành tính tự lập của mỗi trẻ và cũng tạo ra những "đường đua" hữu ích dẫn đến sự thành công học đường.
- Con tôi năm nay vào lớp 1. Xin hỏi tiến sỹ thời gian biểu ở nhà như thế nào là hợp lý khi cháu đi học trường về ? (Nguyen Hung, 36 tuổi, Cua Nam , Ha Noi)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Nếu anh cho con học trường bán trú thì có nghĩa là trẻ chỉ còn buổi chiều tối là ở gia đình. Trong trường hợp này khi cháu đi học về đây sẽ là thời gian nghỉ ngơi thư giãn của cháu, anh có thể cho cháu thêm một số hoạt động vận động trong thời gian này vì vận động rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Sau bữa cơm chiều, có thể cho cháu xem một chút tivi, không nên quá nửa tiếng, tiếp theo anh, chị nói chuyện với con về việc học tập ở trường, về nhiệm vụ còn phải hoàn thành nốt, chuẩn bị đồ dùng, sách vở cho ngày mai đi học.
Trước khi đi ngủ, cũng rất nên trao đổi với bé về kế hoạch ngày mai bé sẽ định làm gì ở trường. Lúc đầu có thể bé nói chưa được nhiều, nhưng dần dần sẽ tạo thói quen xây dựng kế hoạch cho một ngày hoạt động của bản thân. Trong một tuần, anh chị có thể xếp một số lịch cố định dành cho bé như: đi công viên hay bách thú, xem xiếc, xem phim..., một buổi tối cho bé được tự do làm điều bé muốn... Nhưng những điều này cũng cần phải theo một kế hoạch.
- Con tôi mới 5 tuổi sắp bước vào lớp 1. Tôi cho cháu dùng máy vi tính với các phần mềm giáo dục hiện nay liệu có ích cho trẻ không? Xin cho tôi một lời khuyên? (nguyen huu phuong, 35 tuổi, Bac Ninh)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Với sự phát triển của công nghệ thông tin, lĩnh vực giáo dục cũng được công nghệ hóa, rất nhiều các phần mềm thông minh và thực sự bổ ích cho sự phát triển trí tuệ của trẻ. Anh, chị hoàn toàn có thể nghiên cứu và tìm phần mềm phù hợp với tuổi của con mình để cho con tiếp cận và sử dụng. Tuy nhiên, cũng cần phải khống chế về mặt thời gian và không tước đi những khoảng thời gian tương tác xã hội, tương tác trong gia đình - một môi trường vô cùng quan trọng để trẻ thành người.
- Con trai em 5 tuổi nhưnng còn nói ngọng và rất nhút nhát, cô giáo ở trường mẫu giáo luôn nói là cháu rất nghịch ngợm. Em đã cho cháu làm quen với bảng chữ cái nhưng cháu không phát âm được 1 số từ như: p, ng, l. Liệu cháu có bình thường không? Em sợ cháu sẽ không theo học được. Em phải làm gì? (Do Minh Nguyet, 33 tuổi, An duong, Hai phong)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: 5 tuổi nhưng vẫn còn nói ngọng, nhút nhát cũng là bình thường đối với nhiều trẻ. Vấn đề là cha mẹ phải quan sát những hoạt động chơi của trẻ, tìm cách tham gia vào các hoạt động này, lựa chọn những tình huống tạo ra hứng thú để cùng trẻ sửa lỗi phát âm, điều chính lại những từ, những âm trẻ gặp khó khăn. Hầu hết trẻ nói ngọng hay nhút nhát đều là những trẻ bình thường về mặt phát triển trí tuệ, cha mẹ không nên quá lo lắng về những trường hợp này. Tuy nhiên, cần phải để tâm nhiều hơn đến những hoạt động vui chơi của trẻ, tạo nhiều cơ hội để được trò chuyện, chơi cùng trẻ và tìm mọi cách giúp trẻ nói chậm, nói rõ, sửa những âm vần bị ngọng... liên tục động viên trẻ mỗi khi trẻ có tiến bộ, tuyệt đối không cười đùa mỗi khi trẻ nói ngọng làm trẻ cảm nhận mắc cỡ. Nếu có điều kiện phụ huynh có thể tìm đến các trung tâm tư vấn học đường hoặc các chuyên gia tâm lý trẻ em để kiểm tra sự phát triển của trẻ.
Chúng tôi có thể giúp chị đánh giá sự phát triển của trẻ nếu chị có điều kiện đến Trung tâm tư vấn học đường của chúng tôi tại Trường tiểu học Ngôi Sao Hà Nội, số điện thoại: 0936333963 hoặc Trung tâm đào tạo tư vấn phát triển tài năng sớm tại 343 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, số điện thoại: 0437624877.
- Con trai tôi sắp vào lớp 1. Vì sợ theo không kịp các bạn tôi đã cho cháu học thêm chương trình lớp 1 đến nay cháu đã biết đánh vần là làm những phép tính đơn giản. Tôi muốn cho cháu học thêm âm nhạc và hội hoạ, võ thuật như vậy có quá tải cho cháu không? Vì công việc bận rộn tôi muốn cho con tôi học bán trú (sáng đi, tối về) nhưng thấy cháu không thích. Tôi nên làm thế nào? (Lam Trong Dung)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Anh là người bố tuyệt vời khi rất lo lắng cho con và hoá giải nỗi lo ấy bằng việc cho cháu đi học sớm trước chương trình. Thực ra anh đã quá lo lắng mà làm khổ đến con trẻ đấy. Việc cháu biết trước, đôi lúc lại làm mất đi động lực cho cháu đến lớp vì cô dạy gì cháu cũng biết rồi. Thế là tâm lý chủ quan bắt đầu hình thành, để rồi cái mới cô có dạy thì bé cũng có thể bỏ qua.
Tuy nhiên với các lớp nghệ thuật thì anh có thể cho con đi học. Các môn nghệ thuật rất bổ ích cho sự phát triển trí tuệ và thẩm mỹ của bé; thể thao thì cho sức khoẻ và phản xạ trí tuệ. Nhưng anh nên cân đối thời gian biểu hàng ngày của cháu để sắp xếp cho hợp lý các hoạt động khác nhau. Nghệ thuật đến với trẻ từ rất sớm, sự luân phiên hoạt động cũng là hình thức giảm căng thẳng hiệu quả, miễn là không làm cho bé bị áp lực và mệt mỏi.
Thực ra, trường bán trú cũng là để giải quyết vấn đề xã hội, khi cha mẹ đi làm cả ngày mà gia đình lại không có người chăm sóc. Nếu gia đình anh có điều kiện, thì việc cháu đi học một buổi và ở một buổi ở nhà thì vẫn tốt hơn. Nhưng một buổi ở nhà thì cũng phải có người chơi với cháu, dạy cháu, tổ chức cho cháu những hoạt động khác nhau thì mới tốt, chứ đùng nhốt cháu một mình ở nhà cùng người giúp việc. Hãy nói những điều tốt đẹp về nhà trường, về bạn bè. Hãy giao nhiệm vụ vừa sức để cháu có thể hoàn thành và vì thế nhận được lời khen, phần thưởng.
Đừng tạo áp lực quá lớn với bé và đừng bắt bé phải gánh những kỳ vọng của người lớn.
- Con tôi 5 tuổi, đang học mẫu giáo, nhà trường áp dụng hình thức cho các cháu tiếp cận với máy tính và dậy học qua màn hình ti vi như vậy có nên không? (Tran Thi Nhi, 34 tuổi, Cong ty cp xay dung LC)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Thực ra công nghệ có những ưu thế rất lớn trong việc cải tiến phương pháp dạy học. Những kỹ thuật của công nghệ đã giúp cho các bài giảng của giáo viên chất lượng hơn, hấp dẫn hơn. Nhưng hiệu quả đối với con trẻ còn phụ thuộc vào dung lượng thời gian sử dụng và cách sử dụng như thế nào. Công nghệ dù phát triển đến đâu thì cũng chỉ là phương tiện và hiệu quả của nó thì phụ thuộc vào người sử dụng. Vậy nếu chị lo lắng thì chị nên xem nhà trường đã sử dụng như thế nào, để có những quyết định của mình.
Trường mầm non có một nhiệm vụ rất quan trọng là chuẩn bị tâm lý cho trẻ vào lớp 1, gia đình nên tìm hiểu xem nhà trường đã chuẩn bị những gì cho con và cần hỗ trợ gì để nhà trường làm tốt công việc này. Bởi mỗi đứa trẻ sẽ có những sự chuẩn bị theo mức độ phát triển của chính mình.
- Con trai tôi 5 tuổi, xem nhiều phim hoạt hình, quảng cáo. Tự cháu mở vi tính và thành thạo các thao tác về internet, cháu thích xem gì là cháu vào google xem. Cháu đã biết đọc, cháu có thể đọc truyện đọc báo. Như vậy thì có tốt hay không tốt cho cháu và có nên cho cháu học bổ túc trước khi vào lớp một hay không? (Phạm Thắng, 37 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Đối với một số trẻ phát triển sớm, những kiểu thông minh khác nhau có thể xuất hiện những năng khiếu nào đó, ví dụ, toán học, tin học, hội họa... Con của anh mới 5 tuổi đã có những biểu hiện phát triển sớm như biết đọc, biết viết, biết sử dụng vi tính, vào mạng... nếu điều này là tự trẻ biết thì chứng tỏ trẻ có tư chất vượt trội. Cha mẹ cần tìm cách theo dõi, hỗ trợ.
Tuy nhiên, nếu trẻ xem quá nhiều phim hoạt hình, quảng cáo, thì điều này lại có hại cho chính trẻ bởi vì khi xem hoạt hình hay quảng cáo nhu cầu giao tiếp với người khác suy giảm, các hoạt động của mắt bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia, những trẻ em 5-6 tuổi mỗi khi xem hoạt hình thường bị giảm tới 50% tần suất chớp mắt, các hoạt động của cơ bắp, tim mạch dễ bị đình trệ. Điều này ảnh hưởng có nguy cơ dẫn đến sự quá tải của mắt, cận thị học đường.
Tốt nhất, anh chị nên lập một thời khóa biểu để giúp bé kiểm soát thời gian xem hoạt hình, thời gian sử dụng vi tính. Đối với con của anh chị hoàn toàn không cần thiết phải cho đi học thêm các lớp bổ túc trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, những lớp học về giáo dục kỹ năng sống, lớp học kể chuyện, bơi... lại rất cần thiết cho bé vì giúp bé mở rộng phạm vi quan tâm của mình và có nhiều cơ hội để trải nghiệm các tình huống giao tiếp, phát triển kỹ năng sống. Điều này rất cần khi trẻ vào lớp 1.
- Cháu đã được làm quen với bút chì qua các nét ở lớp lá. Gần đây, khi cháu viết chữ em để ý thấy tay cháu hay cong và gập ở cổ tay. Cháu viết rất chậm, em cũng cố gắng động viên và khống chế thời gian nhưng cháu không thể viết nhanh hơn. Em phải làm gì? (Vũ Thị Thanh Thúy, 30 tuổi, Vũng tàu)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Những bài học đầu tiên về cầm bút, tư thế ngồi là rất quan trọng để tạo thành thói quen sau này của trẻ. Chị nên nắn lại con càng sớm càng tốt về cách cầm bút và cách ngồi. Cách để vở trên bàn, cách cầm bút và tư thế ngồi cũng liên quan đến nhau. Chị hãy điều chỉnh mối quan hệ của 3 yếu tố này sao cho trẻ cảm thấy thoải mái nhất. Với việc cầm bút, thì chị có thể cầm tay trẻ lúc mới đầu để đặt đúng tư thế và tô các nét chữ, thậm chí là hãy hỏi trẻ xem cách cầm tay và tô như thế nào thì bé cảm thấy đỡ mỏi nhất và thấy thuận tiện nhất. Sau đó, chị nơi dần tay mình khỏi tay bé và giám sát động viên khi bé viết. Nếu bé ngồi viết đúng tư thế và thoải mái trong việc cầm bút thì tốc độ viết sẽ tăng dần.
- Con trai tôi có tính rất bướng bỉnh, lì lợm, hay làm theo cảm hứng. Đây là vấn đề làm cho gia đình tôi rất đau đầu muốn tìm cách giáo dục cháu. Anh chị vui lòng tư vấn giúp ! (Đinh Thị Thúy Hằng, 37 tuổi, Gia Lâm Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Chúng tôi không biết con chị mấy tuổi, nếu bé chưa đủ 6 tuổi vẫn đang ở lứa tuổi mẫu giáo thì điều này không có gì đáng lo lắng lắm. Trẻ em ở tuổi mẫu giáo thích hành động theo cảm tính, việc tuân thủ những yêu cầu của người lớn, đặc biệt là những yêu cầu của giáo viên ở trên lớp, trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Những trẻ này khi ở nhà với những người quen trẻ hay thể hiện cá tính bướng bỉnh, thích làm theo ý của mình...
Cha mẹ không nên mắng, đánh trẻ, cần quan sát xem trẻ hứng thú với những loại hoạt động nào, với những hành vi nào trẻ dễ tuân thủ, hành vi nào trẻ hay chống đối, trên cơ sở đó tạo ra những tình huống có thể cha mẹ và trẻ cùng đóng vai thể hiện sự vâng lời hoặc bướng bỉnh, lỳ lợm, bằng cách này trẻ sẽ nhận thấy những hành vi bướng bỉnh, lỳ lợm không phải là cách tốt nhất làm hài lòng người lớn. Mặt khác, hãy tạo ra những trò chơi mà ở đó, những quy tắc chơi đòi hỏi trẻ tuân thủ, có những hình phạt dí dỏm, hài hước với những trẻ bướng bỉnh, trẻ sẽ học được cách đánh giá hành vi, lâu dần trẻ sẽ nhận ra đâu là những hành vi người lớn mong muốn, đâu là những hành vi người lớn không thích để học cách tự điều chỉnh. .
- Cháu nhà tôi năm nay vào lớp 1. Cháu đã học chữ và toán (một chút của chương trình lớp 1) Cháu rất thích học nên nhiều khi tối đi học về vẫn lấy bài ra học thêm. Tôi chỉ sợ bây giờ cháu hứng thú nhiều thì khi vào lớp 1 sẽ không thích học nữa. Xin Tiến sĩ hướng dẫn cho tôi để giúp cháu luôn thích học. (Đào Thị Thanh Nhàn, 43 tuổi, Bình Tân - tp HCM)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Thật tuyệt vời khi bé nhà chị hứng thú với việc học tập. Để cho cháu sau này vẫn có thể tìm thấy hứng thú với nhà trường, với lớp học, chị có thể cho con tiếp xúc với những nội dung gần với chương trình học tại nhà trường mà không phải chính những sách giáo khoa được sử dụng trong nhà trường hiện nay. Chị có thể giúp con hứng thú với việc học bằng rất nhiều nội dung khác nhau, bằng những câu đố, bằng những truyện tranh lịch sử, bằng những hiện tượng thiên nhiên xung quanh cuộc sống của bé... Sau này, khi bé đi học rồi, chị hãy hiểu được trình độ nhận thức của con mình với các nhiệm vụ học tập ở trường để về nhà chị có thể tiếp tục bồi dưỡng cho con những điều thú vị của cuộc sống. Chị hoàn toàn có thể mở rộng tri thức cho con và những bài học ở trường vẫn luôn là điều mới mẻ.
- Tôi luôn định hướng cho cháu trở thành thủ lĩnh, người giỏi phải làm lớp trưởng. Cách khích lệ cháu như vậy có đúng không? (Phạm Hồng Quảng, 32 tuổi, Láng Hạ Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Đối với nhiều trẻ em, trở thành thủ lĩnh nhóm là một điều mơ ước, nếu trẻ thể hiện được sự vượt trội về trí tuệ, về sự tự tin hay có những phát hiện độc đáo, những cách giải quyết vấn đề sáng tạo. Những trẻ như vậy cha mẹ khích lệ trở thành thủ lĩnh nhóm, ví dụ, nhóm trưởng, tổ trưởng, lớp trưởng, người quản trò... đều tốt. Ở các trường học của nước ngoài, người ta đã thử nghiệm luân phiên trẻ trong lớp được làm thủ lĩnh như tổ trưởng, nhóm trưởng, lớp trưởng, quản trò... kết quả cho thấy những học sinh được đặt vào những vị trí này nếu có đủ tư chất, các em sẽ nhanh chóng thể hiện được mình, tạo được uy tín và cảm nhận được giá trị để hình thành sự tự tin, bản lĩnh - điều cốt lõi giúp trẻ thành công học đường trong tương lai.
Tuy nhiên, với một số trẻ nhút nhát, thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội, sợ các tình huống lạ thì dù cha mẹ có khích lệ thế nào trẻ cũng không đủ tự tin, không dám đảm nhận vị trí thủ lĩnh, những em này nếu thực sự có trí tuệ thường hay nói với cha mẹ "con có thể làm được nhưng con không thích làm, con sợ bạn chê...". Trong trường hợp này, cha mẹ cần phải cho trẻ tham gia vào nhiều tình huống giao tiếp xã hội ngoài gia đình, lớp học để trẻ có cơ hội trải nghiệm, tăng sự tự tin, đặc biệt sự động viên của phụ huynh kèm theo những trò chơi đóng vai để trẻ tập làm thủ lĩnh... là những cách rất tốt chuẩn bị cho trẻ vượt qua những rào cản tâm lý để có cơ hội trở thành thủ lĩnh mỗi khi tham gia hoạt động nhóm.
Người lớn, giáo viên cần phải tư vấn những cách thức giúp trẻ chủ động đề nghị, đặt câu hỏi trong các hoạt động nhóm, chủ động đưa ra ý kiến của mình để được các bạn chấp nhận. Chính sự thừa nhận này là cơ hội để trẻ nhanh chóng trở thành thủ lĩnh nhóm.
- Con gái tôi rất nhát khi tiếp xúc với các cô giáo và người lạ nói chung, mặc dù khi chơi với bạn thì cháu luôn muốn làm thủ lĩnh. Khi cô hỏi cháu hay nói lí nhí, hoặc không nói. Tôi phải làm gì bây giờ, vì sắp đến đợt phỏng vấn khảo sát vào lớp 1 tôi sợ con tôi không trả lời bất cứ câu hỏi nào của cô hết. (Hong Nhung, 35 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Tôi nghĩ rằng các giáo viên phỏng vấn khảo sát trẻ nhỏ sẽ có những kinh nghiệm làm quen và khơi gợi để các con có thể thực hiện những nhiệm vụ của phỏng vấn. Bên cạnh đó, họ cũng có kinh nghiệm để nhìn nhận và đánh giá tiềm năng phát triển của mỗi trẻ mà hành vi nhút nhát chỉ là biểu hiện có tính giai đoạn mà thôi. Tuy nhiên, chị cũng có thể tập dượt với con mình với tư cách là người phỏng vấn, khảo sát để hỏi bé những câu hỏi có liên quan đến nhận thức, phản ứng, hành vi cũng như thái độ, thậm chí chị có thể mời người bạn đến nói chuyện đóng vai người phỏng vấn để cho bé quen dần với việc hỏi và trả lời.
- Anh chị có thể cho biết rõ hơn về chương trình MASTER và chương trình này có thể áp dụng để dạy các con lứa tuổi mầm non ở tại gia đình? (Nguyễn Phương Anh, 30 tuổi, 201 Cầu Giấy , Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Chương trình giáo dục bổ trợ MASTER do nhóm chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em Trường mầm non Hoàng Gia sáng tạo ra từ năm 2007 đã được hàng ngàn phụ huynh biết đến. Chương trình này xem mỗi trẻ em có những năng lực, những kiểu thông minh khác nhau, mỗi kiểu thông minh là một hình thức kích hoạt những vùng, những chức năng tiềm ẩn của não bộ. Chúng tôi đã rất thành công với chương trình này khi tập trung hướng dẫn cho giáo viên, cha mẹ các phương pháp giúp trẻ phát triển trí thông minh (IQ), trí tuệ cảm xúc (EQ), trí sáng tạo (CQ)... hình thành sự tự tin, kiên trì vượt khó. Tại đây có những lớp học làm cha mẹ thành công, chúng tôi cung cấp các tài liệu, phương pháp, các trò chơi, các tình huống để phụ huynh có thể biết những phương pháp khoa học trong việc kích hoạt các năng lực trí tuệ tiềm ẩn, khơi nguồn cảm xúc, hình thành kỹ năng sống, giúp trẻ thành công trong tương lai.
Xin cha mẹ lưu ý, mỗi trẻ em đều tiềm ẩn các năng lực sáng tạo, các năng lực trí tuệ khác ngoài trí thông minh về ngôn ngữ, về toán và sau này thành đạt dựa rất nhiều vào hành trang là sự giàu có về kỹ năng sống, thái độ sống lạc quan, tính kiên trì, tự tin. Do vậy, cha mẹ cần tìm mọi cách để phát triển những kỹ năng này. Cha mẹ có thể liên hệ theo số điện thoại: 0936333963, 0437624877 để được tư vấn những phương pháp phù hợp.
- Trường mà con tôi định vào học lớp 1 có mở hai lớp tương tác, phụ huynh có nhu cầu cho con học thì đăng ký, khuyến khích những bé nhanh nhẹn, tâp trung cao thì vào học lớp này. Tôi muốn hỏi ưu nhược điểm của mô hình học lớp tương tác này như thế nào và các bé theo học cần những tố chất gì để học ở lớp tương tác (Đức Minh, 32 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Đinh Thi Kim Thoa: Sư phạm tương tác là một cách tiếp cận trong dạy học, trong môi trường này người học, người dạy và môi trường luôn tương tác với nhau nhờ các hoạt động trải nghiệm, môi trường học tập tích cực với những đồ dùng dạy học và trang thiết bị thể hiện được tính tương tác (có nghĩa là luôn thu hút sự chú ý của trẻ để trẻ có thể nhận diện, phát hiện và lĩnh hội). Lớp học tương tác nhằm kích hoạt tối đa người học, làm cho người học từ chưa biết đến biết, từ biết ít đến biết nhiều và thông qua đó hình thành những phẩm chất cá nhân. Những trẻ có tư chất, có vốn sống, vốn kinh nghiệm thì luôn luôn có thuận lợi trong mọi môi trường học tập và môi trường tương tác thì sẽ làm cho bé trở nên tốt hơn nữa. Còn những cháu có thể chưa thực sự có những kỹ năng học tập cần thiết hoặc vốn sống có thể chưa bằng bạn bè trang lứa thì môi trường sự phạm tương tác sẽ làm cho các cháu nhanh chóng đuổi kịp và phát triển. Chính vì vậy, với lớp học tương tác này không phải là lớp đòi hỏi các con phải có những điều kiện nào đó thì mới tham gia được (khác với những lớp năng khiếu).
- Cháu nhà em rất sợ học toán, xin anh chị tư vấn để cháu có thể tiếp thu dễ dàng cộng trừ trong phạm vi 10 (Le Thu Ha, 36 tuổi, Lac Trung Hà nôi)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Mỗi trẻ em thông minh theo những cách khác nhau. Theo các chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển trí tuệ, có ít nhất 8 kiểu thông minh khác nhau: ngôn ngữ, toán học, âm nhạc, xúc cảm... Mỗi trẻ em thường chỉ sở hữu một vài trong số những kiểu thông minh này. Một số trẻ em tỏ ra vượt trội về mặt ngôn ngữ, nhưng lại biểu hiện rất bình thường, thậm chí rất sợ những con số... điều này hoàn toàn là bình thường trong lộ trình phát triển của mỗi đứa trẻ. Cha mẹ không nên quá lo lắng về điều này.
Vấn đề là, đừng bắt ép trẻ phải học thuộc những con số, những phép toán cộng trừ trong phạm vi 10, cách tốt nhất hãy tạo ra những trò chơi biến hóa với các con số, chẳng hạn, yêu cầu trẻ nhặt ra con số nào lớn nhất trong một tập hợp 3-5 số hoặc yêu cầu trẻ sắp xếp thứ tự các số theo trật tự từ bé đến lớn hoặc ngược lại rồi yêu cầu trẻ lấy đi những số chẵn hoặc số lẻ. Cũng vậy, yêu cầu trẻ nhận mặt một con số nào đó, ví dụ, số 5, tương ứng với một nhóm đồ vật rồi yêu cầu trẻ tìm một nhóm đồ vật khác có số lượng tương ứng với con số của mình và còn rất nhiều các trò chơi phát triển trí tuệ khác có thể kích hoạt hứng thú học môn toán. Các phụ huynh có thể liên hệ với các chuyên gia tâm lý trẻ em, chuyên gia tâm lý lâm sàng để được tư vấn chuyên sâu.
- Tôi có bé gái chuẩn bị vào lớp 1. Cháu đã được học thêm trong 3 tháng hè. Hiện nay cháu có thể đọc báo rất trôi chảy và đọc kịp phim phụ đề. Viết chính tả tốt. Nhưng tôi rất lo khi vào lớp 1 cháu có thể ỷ lại không vì mình đã cho học trước nhiều quá. Xin ý kiến tư vấn của Tiến sĩ. (Pham Van Co, 42 tuổi, E 002 chung cu A4 Phan xich long Phu Nhuan)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Chúng ta không phủ nhận có những cháu thực sự phát triển nổi trội hơn, thậm chí là khá xa so với bạn bè cùng lứa. Những cháu này là những cháu có năng lực đặc biệt, chính vì vậy cần phải có môi trường đặc biệt và phương pháp giáo dục đặc biệt. Một đứa trẻ thể hiện những tố chất đặc biệt nhưng lại được giáo dục trong môi trường mang tính phổ thông thì dần dần những "le lói" từ tuổi thơ cũng có thể thuyên giảm khi lớn dần. Rất tiếc chúng ta chưa có những hệ thống trường để cho các cháu học vượt trội tại thời điểm này.
Tôi được biết hệ thống trường VSK đang sắp cho ra hệ thống trường để giúp cho các con em có khả năng học vượt trội theo học. Nếu điều này sớm thành hiện thực thì rất nhiều cháu có thể tìm được môi trường học phù hợp với mình.
Còn với cháu nhà mình, tôi thiết nghĩ bạn có thể duy trì năng lực của con bằng cách cho con sáng tạo trong việc viết truyện tranh, kể chuyện sáng tạo, bên cạnh các nhiệm vụ học tập ở nhà trường. Điều này có nghĩa là chị sẽ phát triển về thiên hướng ngôn ngữ của con, còn nhà trường sẽ đảm bảo nhiệm vụ phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, chị cũng cần phải rèn cho con nhìn nhận đúng về điểm mạnh của bạn cũng như điểm mạnh của mình để cho bé không bị hình thành tích cách chủ quan, xem thường người khác và biết tôn trọng mọi nhân cách.
- Tôi có con gái thứ 2 năm nay vào lớp một, vợ chồng tôi không tạo sức ép nào vì đã có kinh nghiệm từ đứa lớn, kiểu gì thì hết lớp một cũng sẽ đọc thông viết thạo. Tuy nhiên ở nhà chị cháu cũng có dạy và cháu đã tự đọc được tuy chưa suôn sẻ lắm, nhưng vì vậy tôi lại thấy cháu chủ quan vì tuyên bố lớp một dễ thế ạ. Như vậy tôi có cần lên dây cót để tạo một ít sức ép cho cháu không? (Nguyễn Thị Huyền, 39 tuổi, Mỹ đình - Hà nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Quả thực kinh nghiệm của chị là bài học sống động để nhiều phụ huynh vì những kỳ vọng thái quá đã tạo sức ép không cần thiết lên những em bé chưa đầy 6 tuổi bị ép buộc phải tham gia vào những lớp học trước. Với hầu hết trẻ em đã qua lớp mẫu giáo 5-6 tuổi đều được làm quen với chữ cái, với các con số... đều có khả năng đọc thông viết thạo khi hết lớp 1.
Tuy nhiên, về mặt nhận thức luôn ý thức như vậy nhưng về mặt tình cảm, khi nhìn thấy nhiều trẻ em khác được cha mẹ cho đến các lớp học chữ học trước chương trình cha mẹ luôn cảm thấy sốt ruột, sợ con mình không theo học kịp nên ít nhiều tìm cách dạy trước. Một số trẻ vì biết trước, thậm chí biết đọc, biết làm toán rất dễ chủ quan, các bé thường tuyên bố "học lớp 1 dễ lắm, những bài tập cô cho con thừa sức làm"... nếu liên tục như vậy trẻ sẽ dần hình thành một tâm lý coi thường, chủ quan, lơ là, không dành thời gian cho việc xem lại bài học.
Trong trường hợp này, cha mẹ có thể sử dụng những cảnh báo nhẹ nhàng dưới dạng các trò chơi hay câu chuyện kể, ví dụ: chuyện cuộc thi Rùa và Thỏ, các trò chơi ghép chữ, các trò chơi đoán số, các phép cộng nhẩm trong đầu, để tạo hứng thú và qua đó, cảnh báo trẻ những lỗi, những sai lầm hay thất bại của chính trẻ và biến những tình huống đó thành các cuộc trò chuyện giúp bé hiểu ra khi mình biết rồi thì nên sử dụng thời gian còn lại để làm gì cho có ích.
Các giáo viên cần được hướng dẫn những phương pháp dạy học tích cực: dạy học cá biệt để biết cách giao những nhiệm vụ khó hơn cho những trẻ đã biết rồi để những trẻ này phát huy được các năng lực trí tuệ, những kinh nghiệm đã có, đồng thời không tạo sự nhàm chán. Những lời động viên khi trẻ thực hiện thành công những yêu cầu cao hơn này và những nhắc nhở nhẹ nhàng khi trẻ thất bại đều giúp bé học được cách hòa nhập với nhóm lớp.
- Xin hỏi trẻ con 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1 thì cần có những kỹ năng gì? Cách nào để giúp trẻ làm quen với môi trường học mới và học được tốt (Tran Que Sa, 32 tuổi, 19 Huynh Thuc Khang)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Để chuẩn bị cho con vào lớp 1, chúng ta cần phải chuẩn bị rất nhiều mặt. Thứ nhất là chúng ta phải chuẩn bị về mặt động cơ học tập cho trẻ, tạo hứng thú cho con trẻ với việc học tập, khơi dậy sự tò mò và mong muốn khám phá thế giới. Thứ hai là trang bị cho trẻ một lượng kiến thức tiền khoa học để trẻ có thể tiếp thu kiến thức của chương trình tiểu học. Thứ ba chúng ta phải chuẩn bị cho trẻ về một số các kỹ năng học tập và kỹ năng xã hội: kỹ năng viết, tư thế ngồi, kỹ năng biết hoàn thành nhiệm vụ, giải quyết vấn đề, sự tự tin...
Để trẻ làm quen với môi trường học mới, chị nên dành thời gian cùng con đến ngôi trường mà con sẽ phải học, để chơi cùng con, giúp con tìm hiểu, khám phá ngôi trường này. Và điều quan trọng là phải luôn tạo cảm xúc tích vực cho con về ngôi trường con sẽ học, hãy nói với con về những người thày, người cô và những người bạn tốt của con ở trường. Tất cả những điều này để tạo cảm hứng cho con đến trường, khi con có cảm xúc tốt, tích cực thì quá trình thích nghi của con sẽ nhanh hơn và con sẽ có điều kiện học tốt hơn.
- Cháu nhà tôi 5 tuổi, rất ngoan, nghịch ngợm, trí nhớ tốt, tuy nhiên không tập trung. Cháu có một trở ngại là tiếng Việt chưa tốt do ở nước ngoài tư khi sinh và về nước được 2 năm. Cháu chỉ làm những việc mình thích, còn không thích thì lờ đi, coi như không nghe thấy. Tôi hơi lo lắng cháu khó hòa nhập vào việc học tập. Xin chuyên gia tư vấn. (Nguyễn Thị Thanh Hà, 35 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Sự phát triển của trẻ em là liên tục nhưng không đồng đều. Một số năng lực nào đó, chẳng hạn trí nhớ, khả năng suy luận logic, khả năng ngôn ngữ phát triển sớm hơn nhưng đồng thời một số những nét tâm lý nào đó lại gặp khó khăn, ví dụ, khả năng tập trung chú ý, khả năng kiểm soát cảm xúc, kém tự tin, xung tính... Điều này là hoàn toàn bình thường.
Trường hợp con của chị, sau một thời gian dài sống ở nước ngoài khả năng tiếng Việt không bằng những trẻ khác, đây là một trở ngại chính cho trẻ, trở ngại này nếu không được cha mẹ, các giáo viên tích cực hỗ trợ trẻ có thể gặp những trở ngại đáng kể khi vào lớp 1. Tuy nhiên, cha mẹ không nên quá lo lắng bởi vì tiếng Việt vốn là ngôn ngữ mẹ đẻ, con của chị sẽ nhanh chóng vượt qua những khó khăn này nếu có sự hỗ trợ hợp lý của cha mẹ, giáo viên. Trước hết, chị có thể sử dụng những bức tranh mà trẻ thích thú cùng trẻ thi kể chuyện sáng tạo về bức tranh đó, bắt đầu từ chị hoặc bé: Ngày xửa ngày xưa... Sau mỗi câu kể của chị hoặc bé chị yêu cầu bé nhắc lại hoặc kể tiếp, cố gắng tạo ra những xúc cảm tích cực từ những tình tiết hấp dẫn của câu chuyện. Đó là cách tốt nhất để tăng cường tiếng Việt cho bé.
Chị cũng có thể sử dụng những bài thơ, những bài hát tập cho bé đọc thơ, hát... cổ vũ tối đa trong những thành công nho nhỏ này. Hoặc sử dụng những bài hát, bài thơ thành những trò chơi phát triển ngôn ngữ như mẹ đọc trước một câu thơ hoặc hát câu đầu, yêu cầu trẻ đọc tiếp, hát câu tiếp theo, hoặc tạo ra những bài hát, những câu thơ liên khúc... để trẻ luyện dần khả năng nghe, nói tiếng Việt. Tôi tin rằng, bằng cách này, chỉ trong thời gian ngắn, con chị sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn này.
- Con em năm nay 5 tuổi cháu rất tập trung vào việc tô bài nhưng mỗi lần tô bài mà nó ra ngoài hoặc cháu thấy xấu là cháu không muốn tô nữa mà cháu muốn xé bài đấy đi. Theo các chuyên gia thì em nên làm thế nào để cháu không cố tình như vậy nữa? (Le Thi Ngoc Hoa, 29 tuổi, 316 b3 Thanh Xuan Bac)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Cháu nhà chị có biểu hiện của người rất là cầu toàn và nó cũng có mặt tốt và có mặt sẽ là khó khăn. Để cháu có thể có những hành vi đúng hơn đối với chính việc làm không hoàn tất của mình thì chị có thể nói chuyện với con về những việc làm của mọi người. Ai cũng có thể có những việc làm rất hoàn thiện và cũng có thể có việc chưa làm tốt lắm nhưng chúng ta cần phải thể hiện thái độ như thế nào với những gì chúng ta chưa làm tốt. Chị có thể cho con xem những trích đoạn video clip hoặc thông qua những câu chuyện kể của chị về những hành vi của đứa trẻ phản ứng với những hành vi thất bại của bản thân. Chị hãy cho trẻ nhận xét và lựa chọn xem trẻ muốn hành vi nào. Bởi khi trẻ đứng khách quan để nhìn thì trẻ nhìn thấy rất rõ là nên hành động như thế nào. Và chính những câu chuyện và hình ảnh này sẽ có tác dụng nhắc nhở trẻ về hành vi của mình nếu như trẻ không hoàn thành được công việc như mong muốn.
Để rèn cháu thì còn có nhiều cách và phương pháp rất khó để có thể nói đầy đủ ở đây. Anh, chị có thể gọi điện xin tư vấn.
- Tháng 9 là cháu vào lớp 1, ban ngày tôi nhờ bà ngoại hay bố cháu dạy học, nhưng cháu lảng tránh và chỉ cương quyết là chỉ mẹ dạy. Mong thầy cô hướng dẫn cách thuyết phục để mọi người dạy cháu lúc tôi bận ? (Vu Nhu Hoa, 36 tuổi, 23/243 Giap Bat HN)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Tôi nghĩ cách làm của anh chị có vẻ không thực sự khoa học. Đúng là người lớn có thể dạy trẻ học chữ, học làm toán nhưng đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng nếu như những người lớn đó không được trang bị những kiến thức về tâm lý học đường, những kỹ năng sự phạm, những phương pháp dạy học khoa học có thể giúp trẻ nhanh chóng học mà không nhàm chán. Tốt nhất là cha mẹ, ông bà không nên làm thay phần việc của các giáo viên.
Các giáo viên được đào tạo ở các trường Đại học sư phạm khoa Tiểu học suốt 4 năm với các chuyên gia tâm lý, các lý thuyết, các phương pháp dạy học hiện đại vừa giúp trẻ học chữ, học làm toán mà lại giúp trẻ phát triển trí tuệ, tạo sự tự tin, nuôi dưỡng hứng thú học đường.
Những kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các em bé 6 tuổi bình thường không hề biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1 khi kết thúc lớp 1 đều có thể đọc thông, viết thạo, vậy thì tại sao người lớn lại làm những công việc vô ích này, thậm chí làm thương tổn: trẻ sợ học, lo sợ, lảng tránh... điều này có nguy cơ dẫn đến thất bại học đường trong tương lai vì trẻ không tìm thấy niềm vui, hứng thú, trẻ không được trải nghiệm những kỹ năng tương tác với nhóm bạn, với thầy cô, không thấy sự khám phá những bài học là niềm đam mê để dần hình thành hứng thú học đường.
- Con em chuẩn bị vào lớp 1, bé rất thích học nhưng không chịu học từ cái bắt đầu mà bé cứ mở đến trang nào là bắt bố mẹ dạy trang đó, bố mẹ nói hiểu gì cũng không nghe, hoặc có nghe thì cũng chỉ một lúc là bé chán rồi đánh tháo không học nữa. Vậy làm thế nào để giúp bé học tốt nhất đây ạ? (Nguyễn Thị Hồng, 28 tuổi, Hoàng Hoa Thám - Ngọc Hà- BĐ - HN)
- Tiến sĩ Đinh Thị Kim Thoa: Nhiều trẻ rất khẳng định mình rằng mình có những quyền nhất định nào đó và có thể thực hiện được điều đó. Thường thì người lớn bao giờ cũng theo một trật tự, đầu câu chuyện đến cuối câu chuyện, đó là logic của người lớn. Còn trẻ thì có cái lý riêng của mình, đó là cái lý của cảm xúc, của ngẫu hứng và muốn tự khẳng định. Vậy người lớn muốn dạy trẻ lúc đầu cần phải lựa theo trẻ, sẵn sàng cùng trẻ bắt đầu từ trang giữa, sau đó có thể lần hồi dần về trang đầu bằng những câu hỏi khơi gợi sự tò mò về những nội dung thuộc trang đầu và sau đó chúng ta có thể áp đặt được trình tự của mình. Nếu chúng ta cương quyết phải bắt đầu từ đầu ngay khi trẻ không muốn thì chúng ta cũng sẽ thất bại trong dạy trẻ. Vậy nguyên tắc là chúng ta cần phải đồng lựa theo trẻ, sau đó chuyển hướng dần để trẻ không có cảm giác bị áp đặt.
- Tôi có con trai - vừa tốt nghiệp trường mầm non Hoàng Gia - Đội Cấn. Cháu lớn hơn tuổi, biết đọc, làm toán ... Ở trường được đánh giá là thông minh. Dạo này cháu rất bướng bỉnh, thường hay lý luận đến mức như là cãi lại. Tôi rất lo đến trường cháu sẽ vẫn rất bướng bỉnh và thường xuyên tranh luận. Vậy mong thầy và cô tư vấn. (Nguyễn Thị Châu, 38 tuổi, Hà Nội)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Đối với rất nhiều trẻ em thông minh thường kèm theo cá tính bởi vì trẻ biết trẻ có khả năng làm được cái gì, trong khi đó nhiều cha mẹ lại hay đánh giá thấp trẻ, hay áp đặt những ý tưởng của mình lên trẻ, đòi hỏi trẻ phải thực hiện những nhiệm vụ, những yêu cầu mà trẻ không thích. Điều tất yếu những trẻ thông minh có cá tính thường không thích những sự áp đặt, thích làm theo ý mình, thích lý luận, thậm chí cãi lại... Dưới con mắt của người lớn, đây là sự bướng bỉnh, không ngoan. Thật ra, không phải như vậy.
Sự lý luận, sự bướng bỉnh của trẻ nhiều lúc là cơ hội tốt để các phụ huynh trao cho trẻ cơ hội để được nói ra những ý nghĩ của mình, để giải thích cho những hành vi của mình. Cha mẹ cần khuyến khích dù biết rằng những giải thích của trẻ chưa hợp lý nhưng vẫn cần khen trẻ và tìm cách đưa ra bằng chứng để trẻ nhận thấy những lý luận của mình có vẻ chưa hợp lý, lúc đó trẻ có thể dễ dàng chấp nhận ý tưởng của người lớn.
Cha mẹ có thể thông qua trò chơi và các quy tắc chơi để cùng tham gia chơi với trẻ, trong những tình huống nào đó cha mẹ đóng vai những người chơi sai quy tắc, gặp lỗi, thậm chí tỏ ra bướng bỉnh để trẻ có cơ hội tranh luận, giải thích với tư cách là người tuân thủ các quy tắc chơi, lúc đó, cha mẹ sẽ nhận thấy giống như người lớn thực sự, những bướng bỉnh, lý luận của trẻ trở nên thực sự có ích. Cha mẹ cũng giúp trẻ sử dụng những cách quan sát sự vật, hiện tượng từ các góc độ khác nhau, ra khỏi những suy nghĩ khô cứng để có cách nhìn của một đứa trẻ biết kỹ năng giải quyết vấn đề. Điều này rất quan trọng để giúp trẻ thành công học đường.
- Trưòng mầm non nơi con tôi học có tổ chức dạy tiếng Anh trong khi đó lại chưa dạy viết tiếng Việt. Tôi có nên cho cháu học tiếng Anh trước cả học tiếng việt như vậy không ? (Nguyen Lan Huong, 32 tuổi, Kim Mã, HN)
- Tiến sĩ Nguyễn Công Khanh: Đối với lứa tuổi mầm non, điều quan trọng số 1 với tất cả trẻ em Việt Nam là phải làm chủ được tiếng Việt. Tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, là cầu nối văn hóa đối với truyền thống, đối với gia đình, xã hội. Trong bất kỳ trường hợp nào thì việc ưu tiên cho trẻ em Việt Nam sống trên đất Việt Nam vẫn phải là tiếng Việt. Sự mất tự tin trong việc sử dụng tiếng Việt trong các tình huống giao tiếp hằng ngày với các trẻ em khác là nguy cơ để lại những thương tổn, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ, mặt khác những trẻ yếu tiếng Việt chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi vào học chương trình lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các giáo viên sẽ gặp khó khăn khi tất cả các thông điệp truyền đạt tới bé là tiếng Việt mà bé lại không hiểu.
Tuy nhiên, trong điều kiện giao lưu, hội nhập văn hóa, tiếng Anh đang ngày càng trở thành ngôn ngữ quốc tế thông dụng, trẻ em cũng cần biết thêm một ngoại ngữ, chẳng hạn tiếng Anh vì biết thêm một ngoại ngữ cũng có nghĩa là hiểu thêm về một nền văn hóa có rất nhiều những đặc thù, những tinh hoa. Điều quan trọng là học tiếng Anh vào lúc nào. Không có những bằng chứng rõ ràng trẻ học song ngữ, học tiếng Anh sớm trong môi trường văn hóa xã hội mà ngôn ngữ chính, hoặc ngôn ngữ thứ hai không phải là tiếng Anh lại thành công hơn những trẻ học tiếng Anh muộn hơn vài ba năm.
Đối với những trẻ thực sự yêu thích tiếng Anh, cha mẹ, gia đình có rất nhiều người nói được tiếng Anh và tiếng Anh trong gia đình trở thành ngôn ngữ thứ hai thì việc cho học sớm tiếng Anh là điều rất có lợi vì trẻ có môi trường thuận lợi để học tiếng không phải bằng mẫu câu, bằng học từ mới mà sử dụng cách học tự nhiên, rất phù hợp với trẻ. Khi dạy tiếng Anh sớm yêu cầu rất quan trọng là giáo viên phải có chứng chỉ sư phạm rất hiểu, rất có kinh nghiệm dạy trẻ, dạy qua trò chơi, giảm thiểu việc giao những bài tập viết, tăng cường tối đa các trò chơi trí tuệ để trẻ cảm nhận việc học đó dễ dàng và thoải mái. Nếu trẻ thấy không thích thú hoặc sợ thì cách tốt nhất là không nên ép trẻ.
Đối với hầu hết các trẻ em đủ tuổi, không có những dấu hiệu bất thường về mặt phát triển trí tuệ đều không cần thiết phải theo học những lớp luyện chữ đẹp, những lớp học trước chương trình lớp 1 trong hè. Đây không phải là cách chuẩn bị khôn ngoan.
Khi trẻ chuẩn bị vào lớp 1, điều quan trọng là giúp trẻ tự tin, bạo dạn, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt lưu loát, có khả năng hòa nhập với các bạn trong lớp. Đây là cơ sở để giúp trẻ thành công học đường. Những lớp học thêm về nhạc, họa, thể thao, những kỹ năng phát triển trí tuệ... thực sự được trẻ thích thú là những khóa học cần thiết cho trẻ hơn là những lớp học chữ.
Tuy nhiên, các phụ huynh không áp đặt, không kỳ vọng thái quá, buộc trẻ học quá nhiều lớp, cần phải có thời gian nhiều để trẻ được chơi, được khám phá thế giới tự nhiên, điều này vô cùng cần thiết cho sự hình thành, sự tự tin, tính sáng tạo và hứng thú học đường sau này. Chúc các mẹ hãy tìm được những phương pháp hợp lý, phù hợp với tâm lý của trẻ, để giúp những thiên thần bé nhỏ của mình tự tin gặt hái những thành công học đường. Nếu có những khó khăn, hãy gọi điện cho chúng tôi theo số điện thoại: 0936 333 963 và 043 762 4877. Xin chân thành cảm ơn.
Đời sống