Việc dạy, học Toán ở phổ thông và đại học được các nhà giáo dục bàn luận tại trong khuôn khổ Ngày hội Toán học mở 2024, tại trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa, ngày 8/12.
PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định cùng với Triết học và Vật lý, Toán là môn nền tảng của mọi ngành khoa học.
Với 40 năm làm việc, ông cho rằng Toán đã giúp hình thành hai kỹ năng thiết yếu là cách phân tích, tư duy logic và khả năng nhìn vấn đề một cách khái quát, bằng cả định lượng và định tính.
"Ở ngành nghề nào, học Toán đều giúp chúng ta có phương pháp tư duy vấn đề, thống kê, mô hình hóa. Từ mô hình, chúng ta nhìn nhận cách giải quyết và dự báo xu hướng", ông Bình nói.
Với GS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), phương pháp tư duy logic mà Toán học mang lại giúp ông biết cách tổ chức, sắp xếp công việc hiệu quả. Ông cho rằng người học Toán tốt, dù đi sang lĩnh vực nào cũng có khả năng thành công.
Theo TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân, trường Đại học Giáo dục, tầm quan trọng của việc học Toán không cần bàn cãi. Câu hỏi đặt ra là học như thế nào khi chương trình phổ thông 2018 hướng đến phát triển năng lực, lấy người học làm trung tâm.
"Việc học Toán không chỉ dừng lại ở việc giải phương trình, tích phân như thế nào. Tìm ra được ý nghĩa, cơ sở của những phương trình đó có giá trị nhiều hơn là biết cách giải nó", TS Lân nhìn nhận.
Do đó, ông cho rằng thầy cô không chỉ giới thiệu, truyền thụ những kiến thức nền tảng mà còn phải dạy cho học trò cách học, tư duy, giải quyết vấn đề. Thay vì loay hoay với những bài toán đánh đố, giáo viên có thể dạy cách thu thập dữ liệu, phỏng đoán, tìm kiếm quy luật.
"Thầy cô phải mô tả rất kỹ cho học sinh thấy phải nháp, mày mò như thế nào để giải quyết bài toán và tạo điều kiện cho học sinh làm theo. Đó là luyện thói quen tư duy cho các em", ông nói.
Đây là thách thức với người dạy hiện nay, theo GS Vũ Hoàng Linh. Người thầy chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn, định hướng cho việc học của trò. Nếu trước đây, thầy cô chỉ cần đọc giáo trình rồi dạy thì ngày nay phải có tầm nhìn rộng mở, nhiều kỹ năng giảng dạy hơn.
GS Phan Thanh Bình đồng tình. Ông lấy ví dụ bản thân thời phổ thông giải đạo hàm, tích phân "nhoay nhoáy" nhưng mãi đến năm thứ ba đại học mới hiểu ý nghĩa, ứng dụng của chúng.
"Bây giờ, trí tuệ nhân tạo (AI) còn giải các bài Toán Olympic quốc tế nhanh hơn người. Vậy cần dạy học sinh hiểu ý nghĩa bài toán đó là gì, cách giải quyết như thế nào chứ không phải công thức đạo hàm, tích phân thế nào", ông nói.
Chia sẻ của GS Bình nhận được sự hưởng ứng của hơn 200 học sinh, sinh viên ở hội trường.
Tường Ân, sinh viên năm thứ ba khoa Toán-Tin, Đại học Sư phạm TP HCM, kể thời phổ thông từng nhiều lần đặt câu hỏi học Toán để làm gì. Nhưng giải nhiều bài toán và tìm hiểu những lĩnh vực khác của cuộc sống, em nhận ra Toán học như một ngôn ngữ để giao tiếp với những ngành khác.
"Kiến thức, tư duy giải Toán có thể áp dụng vào những vấn đề của Lý, Hóa, Sinh và gần đây dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo", nam sinh nhận định.
Ngày hội Toán học mở tại TP HCM năm nay do Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) tổ chức. Ngày hội thu hút gần 6.000 học sinh, sinh viên từ nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam. Các em được trải nghiệm giải mật thư, câu đố Kahoot, biểu diễn robot mini, xem kính thiên văn và các hoạt động khác liên quan đến Toán và STEM.
Lệ Nguyễn