Thời gian vừa qua, có rất nhiều ý kiến phê phán việc dạy thêm học thêm vì nhiều người chỉ thấy mặt tiêu cực của hoạt động này. Đúng là có những “con sâu” đã làm đủ trò để ép buộc học sinh đến lớp học thêm dù trong lòng các em không muốn. Lâu dần trở thành định kiến xã hội nên hễ nhắc tới việc dạy thêm học thêm là cho rằng việc xấu, có nhiều tiêu cực cần phải ngăn cấm.
Tuy nhiên, có bao nhiêu người biết có những thầy cô giáo sẵn lòng dạy thêm cho học sinh mà không nhận bất cứ thù lao nào. Không phải những thầy cô đó quá giàu nên không cần nhận tiền học sinh mà họ dạy vì cái tâm của người thầy, người cô muốn giúp cho học sinh tiến bộ.
Tôi từng biết có những cô giáo dạy lớp một, sau giờ học dẫn học sinh về nhà nấu cơm cho ăn, rồi cầm tay dạy các em nắn nót từng chữ khi thấy các em không theo kịp bạn trong lớp. Cũng có thầy giáo mở lớp dạy thêm cho học sinh để giúp các em nâng cao kiến thức, vững tin thi vào đại học mà không nhận bất cứ học phí nào. Những tấm gương tốt đó không phải là hiếm nhưng không có nhiều bài báo viết về họ mà bản thân họ cũng không vì danh lợi mà muốn được lên báo.
Một mặt tích cực khác của việc dạy thêm học thêm mà ít người nhắc tới đó là mang đến việc làm cho nhiều giáo viên mới ra trường. Thực tế trong nhiều năm qua, sinh viên ngành sư phạm sau khi ra trường không xin được việc làm trong các trường học. Trách nhiệm này thuộc về ai? Là do bản thân sinh viên, hay là do các trường đại học chưa phối hợp tốt với các Sở Giáo dục nên không dự báo được nguồn nhân lực cần thiết, dẫn đến đào tạo dư thừa giáo viên? Đứng trước thực trạng đó, các nhà quản lý có biện pháp gì để giải quyết việc làm cho các giáo viên mới ra trường hay không?
Trong khi chờ đợi giải pháp việc làm của các cấp lãnh đạo, các bạn giáo viên mới ra trường sẵn sàng trở thành gia sư dạy kèm tại nhà cho học sinh hoặc xin vào dạy ở các trung tâm dạy thêm học thêm. Trong số đó, có nhiều bạn đã nỗ lực học tốt và đạt kết quả tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi. Dù biết công việc này không như mơ ước nhưng nó giúp cho họ có công ăn việc làm vừa đúng chuyên môn, vừa có thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình.
Nếu như các thầy cô giáo trong các trường học luôn được đề cao, tôn trọng thì các giáo viên dạy ở các trung tâm dạy thêm học thêm không được tận hưởng cảm giác đó. Họ mặc cảm vì đi dâu cũng nghe người ta phê phán việc dạy thêm học thêm và luôn cảm thấy công việc bấp bênh vì không biết trung tâm tồn tại được bao lâu khi mà có nhiều người muốn ngăn cấm.
Những ai làm sai thì hãy xử phạt người đó, chứ đừng vì một vài con sâu mà ngăn cấm tất cả. Dạy thêm học thêm không phải chỉ có tiêu cực mà cũng có những mặt tích cực của nó. Vì thế, mong rằng các cấp lãnh đạo có biện pháp quản lý tốt việc dạy thêm học thêm thông qua việc cấp giấy phép cho các giáo viên không đang dạy ở các trường học và tạo thuận lợi cho các trung tâm dạy thêm học thêm ngoài trường hoạt động. Chính các trung tâm dạy thêm học thêm đã góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp cho nhiều giáo viên ở Việt Nam hiện nay.
Lê Thị Ngọc Nhẫn
Thạc sĩ Quản lý giáo dục