Hãy tưởng tượng, một người đang đi một mình trên đường lúc tối muộn thì nghe thấy tiếng bước chân từ phía sau. Người này sẽ thấy tim đập thình thịch, huyết áp tăng vọt, da gà nổi lên ở cánh tay, lòng bàn tay đổ mồ hôi, bụng cuộn thắt và các cơ bắp co lại, sẵn sàng chạy nước rút hoặc chiến đấu. Những trải nghiệm như vậy cho thấy sự kết nối chặt chẽ giữa não và cơ thể. Vậy sự kết nối này được tổ chức như thế nào?
Câu trả lời liên quan đến dây thần kinh phế vị. Là dây thần kinh dài nhất trong cơ thể, nó đi từ não đến khắp đầu và thân mình, đưa ra mệnh lệnh cho các cơ quan và tiếp nhận cảm giác từ chúng. Phần lớn chức năng mà nó điều chỉnh, ví dụ như tâm trạng, sự học hỏi và nỗi sợ, đều là tự động và vận hành mà không cần sự kiểm soát có ý thức.
Các nhà giải phẫu học thời xưa đã biết về dây thần kinh phế vị, trong đó đáng chú ý là Galen, nhà bác học Hy Lạp qua đời khoảng năm 216. Nhưng giới khoa học phải mất hàng thế kỷ nghiên cứu để hiểu về chức năng và giải phẫu phức tạp của nó. Nỗ lực này ngày nay vẫn đang tiếp diễn.
Dây thần kinh phế vị bắt nguồn từ 4 cụm tế bào thần kinh trong tủy não, nơi thân não gắn vào tủy sống. Đa số dây thần kinh trong cơ thể người đều phân nhánh trực tiếp từ tủy sống, nhưng dây thần kinh phế vị thì không. Đây là một trong 13 dây thần kinh rời khỏi não trực tiếp qua những lỗ đặc biệt trên hộp sọ. Từ đó, nó mọc ra các nhánh vươn tới hầu hết mọi nơi trong đầu và thân mình.
Dây thần kinh phế vị cũng tỏa ra từ hai cụm tế bào thần kinh lớn gọi là hạch, nằm ở những điểm trọng yếu trong cơ thể. Ví dụ, có một cụm lớn các tế bào thần kinh phế vị bám như dây leo vào động mạch cảnh ở cổ. Các sợi thần kinh đi theo mạng lưới mạch máu khắp cơ thể để đến những cơ quan quan trọng như tim, phổi, ruột.
Mọi hệ thống phức tạp trong cơ thể đều cần những bộ phận tương đương phanh và bàn đạp ga để duy trì sự kiểm soát. Dây thần kinh phế vị đóng vai trò như vậy với nhiều phản ứng bẩm sinh của con người. Các tín hiệu giữa thân não và cơ thể truyền lên và xuống dây thần kinh để co bóp ruột khi tiêu hóa, điều khiển hệ thống miễn dịch để ngăn chặn mối đe dọa từ vi khuẩn, điều hòa nhịp tim và tăng, giảm huyết áp. Dây thần kinh phế vị cũng ép ống phế quản để dẫn không khí vào phổi, kích hoạt phản xạ nôn và gây ho.
Chức năng chính của dây thần kinh phế vị là làm giảm phản ứng của cơ thể. Ví dụ, sau một cơn sợ hãi, phản ứng mạnh mẽ của cơ thể cần được chấm dứt để khôi phục nhịp tim, hô hấp, lưu lượng máu... như bình thường. Ảnh hưởng của dây thần kinh phế vị mạnh đến mức có thể làm ngừng nhịp tim đang đập dồn. Ngược lại, dây thần kinh này cũng có thể kích thích phản ứng cơ thể bằng cách "nhả phanh" để tăng tốc.
Tác dụng "phanh" của dây thần kinh phế vị là cơ sở sinh học cho những liệu pháp mới giúp kích thích dây thần kinh để dập tắt cơn động kinh, làm giảm rối loạn lo âu, làm dịu phản ứng viêm, ngăn chặn cơn đau nửa đầu, và nhiều liệu pháp tiềm năng khác. Khác với phương pháp kích thích não sâu dùng để điều trị một số tình trạng tương tự, việc kích thích dây thần kinh phế vị có thể diễn ra mà không cần phẫu thuật thần kinh.
Ví dụ, có thể kích thích các sợi thần kinh bằng xung điện nhẹ khi đưa điện cực vào ngực hoặc đơn giản hơn là kẹp vào tai. Kỹ thuật này đã được sử dụng để điều trị động kinh và trầm cảm trong nhiều thập kỷ. Năm 2021, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng chấp thuận việc sử dụng kỹ thuật này để điều trị những vấn đề về vận động do đột quỵ gây ra.
Nếu không có phạm vi rộng lớn và tác động mạnh mẽ của dây thần kinh dài nhất, mối liên kết quan trọng, chặt chẽ giữa não và cơ thể sẽ bị phá vỡ, nhiều cảm xúc và trải nghiệm cốt lõi - sợ hãi, vui sướng, cách phản ứng nhanh với mối đe dọa và lấy lại bình tĩnh sau đó - sẽ bị phá hỏng. Vì vậy, không cần phải là thuốc chữa bách bệnh, dây thần kinh phế vị vẫn rất đáng chú ý.
Thu Thảo (Theo Smithsonian)