Là nhà văn tự do, Rohith Murthy, sống tại Singapore, chia sẻ phương pháp dạy con về tiền bạc nhờ những hoạt động ngày Tết.
Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều rất thích Tết Nguyên đán vì được quây quần bên gia đình, thưởng thức món ăn ngon và nhận những bao lì xì đỏ thắm. Con gái 9 tuổi của tôi luôn háo hức, vui vẻ khi được lì xì những phong bao đỏ chứa tiền mặt trong năm mới. Cháu thu thập bao lì xì, đưa lại cho vợ chồng tôi cùng với những câu hỏi như: "Con có được tiêu số tiền này không?", "Số tiền này có phải của con không?" hay "Bố mẹ có dùng số tiền này mua quần áo, đồ chơi cho con không?".
Vì trẻ em chịu ảnh hưởng từ cha mẹ nên những gì tôi làm với số tiền này sẽ ảnh hưởng đến cách con gái tôi quản lý tiền bạc trong tương lai. Đây là lý do tôi coi Tết Nguyên đán là cơ hội để dạy con những khái niệm tài chính cơ bản. Từ đó, cháu có thể xây dựng tư duy ban đầu về tiền bạc và cách quản lý chúng.
Chúng ta đang sống trong thế giới mà tiền dần trở nên vô hình nhờ vào việc sử dụng thẻ tín dụng, tài khoản điện tử, ngân hàng di động. Những bao lì xì màu đỏ chứa tiền mặt một đứa trẻ có thể giữ và đếm sẽ là bài học về tài chính vô cùng sinh động, thực tế.
Tôi tin rằng việc dạy về quản lý tài chính không thể nói suông. Nếu không thấy cách sử dụng tiền mặt trong thực tế, trẻ sẽ khó nắm bắt những khái niệm về cách tiêu tiền hay cách tiết kiệm tiền. Trẻ có thể xem nhẹ giá trị của đồng tiền khi chỉ thấy việc giao dịch ảo từ tài khoản ngân hàng này sang tài khoản ngân hàng khác.
Tiền chỉ được sử dụng một lần
Tiền là nguồn lực hạn chế. Trước bất kỳ bài học nào, trẻ cần nắm rõ khái niệm đầu tiên là một khi tiền được tiêu, nó sẽ biến mất. Điều này có nghĩa là các em chỉ nên sử dụng tiền trong những tình huống cần thiết, tránh sự lãng phí khó có thể bù đắp.
Khi con muốn dùng tiền lì xì mua đồ, bạn có thể hỏi một số câu như: "Con có cần món đồ này không?", "Con sẽ sử dụng món đồ được mua chứ?" hoặc "Tại sao món đồ này lại quan trọng với con?". Những câu hỏi này có thể đơn giản nhưng kích hoạt não bộ trẻ suy nghĩ, cân nhắc và tìm ra sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu.
Nếu trẻ thích những đồ vật đắt tiền, bạn có thể biến đó thành cơ hội dạy về sự tiết kiệm. Hãy bảo con rằng tiền lì xì chưa đủ và con phải tiết kiệm số tiền nhiều hơn mới có thể mua được những món đồ này hoặc phải làm việc để kiếm tiền.
Đồ vật không có cùng giá
Mọi đồ vật đều không có giá bằng nhau, có cái đắt, cái rẻ. Không chỉ vậy, cùng một sản phẩm nhưng ở các nhãn hiệu khác nhau cũng sẽ có giá khác nhau. Ví dụ một chai nước lọc sẽ có giá khác nhau tùy theo công ty sản xuất.
Cơ hội đơn giản nhất để dạy về bài học này là cho trẻ tham gia quá trình sắm Tết cùng cha mẹ. Phụ huynh có thể viết sẵn danh sách đồ cần mua, yêu cầu trẻ tìm mặt hàng trong siêu thị và so sánh giá các nhãn hiệu của một mặt hàng.
Sau đó, hãy dạy trẻ cách tính toán sự khác biệt về giá cả, cách lựa chọn sản phẩm giữa muôn vàn nhãn hiệu với giá thành khác nhau. Cuối cùng bạn để trẻ thử luyện tập việc đưa quyết định.
Lãi suất
Trẻ em thường không hiểu khái niệm chuyển tiền vào ngân hàng để nhận lãi và tại sao nên làm vậy thay vì giữ tiền trong nhà. Vì vậy, nếu muốn giải thích cho trẻ hiểu về lãi suất, phụ huynh hãy tận dụng lợi ích của bao lì xì.
Bạn hãy dặn con mỗi khi nhận được bao lì xì, hãy đút tiền trong bao vào lợn tiết kiệm và ghi lại số tiền. Sau đó, bạn hãy bí mật cho thêm một số tiền nhỏ hơn tiền con bạn đã gửi lợn, có thể thống nhất là 5.000 đồng hoặc 10.000 đồng. Khi dịp Tết Nguyên đán qua đi, bạn cùng con đập lợn và tổng kết số tiền thu được.
Từ sổ ghi chép, trẻ có thể tính ra số tiền thực tế thu được từ bao lì xì và số tiền có thêm. Phụ huynh hãy giải thích khoản tiền có thêm là những gì trẻ sẽ nhận được nếu gửi tiền vào ngân hàng và đó chính là bài học cơ bản về lãi suất.
Tạo lập ngân sách
Tết Nguyên đán có thể là dịp để trẻ tổ chức tiệc và mời bạn bè đến nhà chơi. Phụ huynh có thể tận dụng cơ hội này để dạy con về kỹ năng quản lý và chi tiêu trong thực tế.
Hãy bắt đầu bằng cách cho con một số tiền nhất định để tổ chức tiệc mời bạn bè. Nhiệm vụ của trẻ là lên kế hoạch trang trí, tổ chức các hoạt động, mua đồ, chuẩn bị thức ăn cho một ngày. Với khoản tiền cố định được cho, trẻ sẽ phải sắp xếp các hoạt động và lựa chọn mua những mặt hàng phù hợp.
Độ tuổi tốt nhất để thảo luận về tiền bạc với trẻ em
Trẻ em ngay từ khi sinh ra đã được nhận phong bao lì xì nhưng không phải độ tuổi nào cũng thích hợp để lắng nghe về tài chính hay tiền bạc. Tôi cho rằng cha mẹ nên đề cập tới vấn đề này trước khi trẻ vào tiểu học bởi vì nhiều gia đình cho con tiền tiêu vặt khi đi học. Việc dạy trước khi trẻ thực sự cầm tiền sẽ giúp các em sử dụng tiền, quản lý chi tiêu hợp lý.
Vợ chồng tôi quyết định dạy con về tiền bạc từ lúc 5 tuổi vì ở độ tuổi này trẻ có thể tính toán cơ bản và nắm bắt được những khái niệm về tiền. Chẳng hạn, các em cho rằng tiền đồng nghĩa với đồ chơi, thực phẩm. Vì chưa hiểu rõ nên việc mô hình hóa giá trị của tiền lên những món đồ yêu thích là cách trẻ tiếp nhận khái niệm tiền tệ.
Tú Anh (Theo Sing Saver)