Thật ra, lâu nay một phần dạy nghề đã thuộc Bộ Lao động. Phần mà một số người nay đề xuất chuyển thêm từ Bộ Giáo dục sang Bộ Lao động thực chất là các trường cao đẳng. Họ cho rằng trường cao đẳng là dạy nghề, nếu chuyển sang Bộ Lao động chất lượng của chúng sẽ được cải thiện. Chuyện này phần nào liên quan đến nỗi buồn năng suất lao động Việt Nam bằng 1/15 so với Singapore (thu nhập bình quân thì bằng 1/30 tính theo PPP).
Vấn đề là, nếu coi dạy nghề phải thuộc Bộ Lao động, thì các trường đại học thuộc Bộ Giáo dục dạy... cái gì, nếu không phải dạy nghề? Sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường sẽ làm gì, nếu không phải làm nghề? Làm kinh doanh, giáo viên, bác sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, luật sư, nhà báo, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ, nhà chính trị, nhà ngoại giao, quân nhân, cảnh sát... việc nào trong đó không phải là nghề?
Nếu lấy chất lượng đào tạo cao đẳng lâu nay thấp (mà thấp thật) làm lý do để chuyển các trường cao đẳng sang Bộ Lao động, ai đảm bảo là lãnh đạo Bộ Lao động sẽ luôn luôn giỏi giang hơn lãnh đạo Bộ Giáo dục? Có nước nào quản lý xã hội theo kiểu chỗ này làm chưa tốt thì chuyển cho chỗ khác và hy vọng tốt hơn, bất kể logic vấn đề? Logic quản lý khoa học là "việc đó" phải ở "chỗ đó" mà "chỗ đó" làm chưa tốt thì cần bắt "chỗ đó" làm cho tốt, chứ sao lại chuyển việc từ chỗ này sang chỗ khác?
Nhìn sang Singapore, nơi có nền giáo dục tiến bộ bậc nhất thế giới, có năng suất lao động xã hội cao bậc nhất thế giới, mọi thứ thuộc về giáo dục đều thuộc Bộ Giáo dục Singapore, kể cả các trường nghề với chương trình đào tạo từ vài ba tháng đến vài năm. Trường ITE (Institute Of Technical Education), với các khoá học 1-2 năm, mỗi năm "xuất xưởng" một lượng lớn lao động thạo nghề cho nền kinh tế Singapore. Nó thuộc Bộ Giáo dục. Bộ Lao động Singapore không quản trường dạy nghề nào cả. Họ "đặt hàng" và sử dụng các "sản phẩm" của Bộ Giáo dục. Bộ Lao động Singapore đồng thời tạo sự cạnh tranh vì chất lượng lao động (thông qua chính sách nhập khẩu lao động trong các lĩnh vực người Singapore chưa đủ giỏi, đủ nhiều).
Hệ thống giáo dục Singapore chỉ "cào bằng" trong 6 năm tiểu học. Bắt đầu từ trung học, số môn học chỉ còn 7-8 môn, bằng nửa số môn học trung học ở Việt Nam, đồng thời học sinh được tự chọn một số môn phù hợp với tố chất và năng khiếu cá nhân, có tính hướng nghiệp cao.
Mặt khác, hệ thống giáo dục Singapore có các "đường dẫn", "đường chuyển" giữa các hướng đào tạo để học sinh có thể thay đổi khi thấy lựa chọn ban đầu chưa phù hợp. Một em trước đó định hướng theo một ngành học kinh điển, đã học xong 2 năm A-level (ta gọi là dự bị đại học), vẫn có thể chuyển sang học tiếp hệ đào tạo nghề 2-3 năm (Polytechnics). Ngược lại, một em đã học hệ nghề, nếu có kết quả học tập tốt, vẫn có thể chuyển tiếp sang hệ đại học kinh điển (Universities). Nếu chia hệ thống giáo dục hiện nay của Singapore cho hai Bộ, những điểm ưu việt, tiến bộ đó sẽ biến mất, các "pháo đài giáo dục" sẽ mọc lên. Tất nhiên là Singapore chẳng bao giờ làm một việc kỳ cục như vậy.
Trở lại chuyện của Việt Nam, cần phải nhắc lại "Học để Làm" là một trong 4 mục đích học tập trụ cột của UNESCO được nước ta thừa nhận (Học để Biết, Học để Làm, Học để Chung sống, Học để Tự lập). "Học để Làm" đề cao việc dạy và học các kiến thức, kỹ năng thực tiễn để mỗi học sinh khi ra trường có thể dễ dàng vào đời với nghề nghiệp lựa chọn của mình. Nó nhấn mạnh yêu cầu "dạy nghề" không chỉ ở trong các trường trung cấp, cao đẳng, mà cả ở các trường đại học, chống lại việc dạy và học lý thuyết suông. Một số báo cáo điều tra cho thấy, ở Việt Nam khoảng 70% kiến thức học sinh, sinh viên học được trong nhà trường không được sử dụng khi làm việc, 100% doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung cho sinh viên tốt nghiệp đại học cả về chuyên môn lẫn các kỹ năng biên soạn tài liệu, thuyết trình, làm việc theo nhóm, thậm chí cả về chính tả, ngữ pháp tiếng Việt. Khả năng tự tìm việc làm trong nước của nhiều em sau khi ra trường rất hạn chế, tìm việc ở nước ngoài lại càng khó hơn do cả chất lượng chuyên môn và ngoại ngữ.
Trong khi tính "dạy nghề" (dạy các kiến thức, kỹ năng thực tiễn) ở đại học nước ta đã thấp, cần được cấp bách cải thiện, việc chia dạy nghề cho Bộ Lao động, "dạy không nghề" cho Bộ Giáo dục chắc chắn sẽ làm cho các các hoạt động giáo dục ở nước ta càng cồng kềnh, kém tính liên kết, liên thông, đã rối lại càng rối, càng kém hiệu quả.
Lương Hoài Nam