Thị trường logistics tại đất nước tỷ dân từ tháng 3 đến nay gặp nhiều trở ngại do các lệnh phong tỏa và chiến lược "zero Covid" của chính phủ. Để khắc phục sự cố trì trệ, nhiều doanh nghiệp ngành này đã nỗ lực số hóa, tìm ra giải pháp phù hợp.
Hầu hết các đơn vị ngành này trước đó đều tích cực ứng dụng kỹ thuật số vào vận hành nhằm bắt kịp sự tăng trưởng toàn cầu và hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ. Đơn cử có Full Truck Alliance, một trong những công ty vận tải hàng đầu Trung Quốc, đẩy mạnh tận dụng công nghệ kỹ thuật số để tăng cường hiệu quả hậu cần ở các khu vực ảnh hưởng bởi đại dịch.
Được biết đến với cái tên Manbang trong tiếng Trung Quốc, các ứng dụng của Full Truck Alliance kết nối một số lượng lớn tài xế xe tải với các thương gia yêu cầu vận chuyển hàng hóacủa họ, điều này có thể giúp tài xế xe tải tìm thấy hàng hóa nhanh chóng, giảm tỷ lệ xe trống và tiêu thụ nhiên liệu.
Hai ứng dụng gọi xe tải Truck Alliance và Yunmanman đều đang vận hành đáp ứng nhu cầu vận chuyển các sản phẩm hỗ trợ chống dịch bệnh và nông sản. Các yêu cầu vận chuyển mặt hàng này đều được ưu tiên trong ứng dụng. Với những khu vực không đủ điều kiện vận chuyển bằng xe tải, đơn vị này sẽ cử các tài xế gần đó sử dụng trợ cấp vận chuyển hàng hóa, giúp người gửi hàng hoàn thành đơn sớm nhất có thể.
Trước tình hình nông sản một số vùng nông thôn vận chuyển khó khăn do đại dịch, Manbang cũng triển khai cung cấp dịch vụ hỗ trợ hậu cần cho 160 quận trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu vận chuyển nông sản cho người dân tại các vùng nông thôn.
Tao Ran, Phó chủ tịch Manbang Group cho biết công ty hiện sở hữu khoảng 20% tổng số tài xế xe tải trên cả nước với mạng lưới phủ sóng hơn 300 thành phố trên toàn quốc. Sắp tới, Manbang kỳ vọng có thể tạo ra một "đường cao tốc kỹ thuật số" cho các vùng sâu, vùng xa bằng cách tối đa hóa các nguồn lực vận tải trên nền tảng của họ.
"Chúng tôi hy vọng rằng nhiều tài xế xe tải hơn có thể giúp mở rộng mạng lưới, chạm đến những vùng nông thôn xa xôi, hiểm trở, giúp các sản phẩm nông nghiệp của người dân nơi đó có thể giao thương, thúc đẩy doanh số bán hàng của họ thông qua các dịch vụ hậu cần tốt", ông Tao Ran chia sẻ.
Fu Jing, Giám đốc bán hàng của một sàn thương mại điện tử ở Lục Bàn Thủy (Quý Châu) cho biết anh đào ở khu vực miền núi chất lượng đạt chuẩn với sản lượng lớn. Sàn nhận nhiều đơn đặt hàng nông sản này từ Bắc Kinh và Thượng Hải, song lại không dám nhận vì rất khó tìm xe tải lạnh đủ đáp ứng điều kiện vận chuyển đường xa những mặt hàng này.
Hồi tháng 4, một số lượng lớn anh đào Lục Bàn Thủy đã chín. Nhưng do dịch vụ hậu cần và vận chuyển không thể đáp ứng, đa số hàng không thể vận chuyển đến các thành phố lớn để tiêu thụ.
"Không phải đồ tốt không bán được mà là do không vận chuyển được. Khi cherry tươi của chúng tôi lần đầu tung ra thị trường, giá bán khoảng 60-80 tệ (8,88-11,84 USD) một kg ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhưng nếu chỉ bán trên địa bàn tỉnh, giá sẽ thấp hơn một nửa", Fu Jing chia sẻ.
Manbang cho biết họ đang nỗ lực cải thiện dịch vụ, nâng cấp hệ thóng để trợ giúp vận chuyển các loại nông sản chất lượng cao như anh đào tại khu vực này. Đơn vị cũng triển khai vận hành riêng một "kênh xanh" ưu tiên xử lý đơn nông sản giao đến các quận và thị trấn nông thôn trong thời gian dài.
Fu Shaochuan, Giáo sư phân tích và lập kế hoạch hệ thống hậu cần tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Giao thông Bắc Kinh cho biết logistics vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để xây dựng mạng lưới dịch vụ hậu cần thông minh và hiệu quả hơn. Một trong những việc cần làm đầu tiên, theo ông, là đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống chuyển phát nhanh liền mạch, liên kết cao.
Ngoài ra, vị Giáo sư cũng cho rằng các doanh nghiệp logistics cũng cần tăng cường khả năng ứng phó khẩn cấp dịch vụ chuyển phát nhanh khi xảy ra các sự cố hoặc trở ngại. Chẳng hạn như khi có những hạn chế do dịch bệnh, việc giao hàng khẩn cấp các sản phẩm quan trọng, ảnh hưởng công tác chống dịch hay cứu trợ những người gặp khó khăn là rất cần thiết.
Vào tháng 4, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện đã chính thức phát hành hướng dẫn về việc đẩy nhanh thiết lập thị trường nội địa thống nhất. Trong đó, Trung Quốc sẽ tối ưu việc bố trí cơ sở hạ tầng lưu thông thương mại, đồng thời thúc đẩy sự hợp nhất phát triển trực tuyến và ngoại tuyến.
Thy An (Theo China Daily)