Bộ kêu gọi các địa phương, doanh nghiệp chủ động lựa chọn thông điệp riêng phù hợp với tính hấp dẫn và sản phẩm đặc thù của điểm đến.
Ngành du lịch tập trung giới thiệu điểm đến, thu hút khách nội địa trên cơ sở Liên minh kích cầu đã được thành lập đầu năm nay, có thể hình thành các liên minh mới dựa trên sản phẩm phù hợp nhu cầu du lịch tham quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng ngắn ngày, chăm sóc sức khỏe, du lịch golf và du lịch MICE... Tổng cục Du lịch được chỉ định làm đầu mối điều phối hoạt động của các Liên minh kích cầu.
Các doanh nghiệp được khuyến khích xây dựng những gói sản phẩm kích cầu đa dạng về chương trình, đảm bảo chất lượng, uy tín và thương hiệu; đồng thời có chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.
Các sở du lịch có trách nhiệm triển khai các hoạt động kích cầu trên địa bàn; kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, thực hiện đúng cam kết về giá và chất lượng với khách hàng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai chương trình kích cầu; phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh.
Tổng cục Du lịch có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp quảng bá thông tin về chương trình kích cầu trên các kênh truyền thông riêng.
Việc thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng chống Covid-19 được Bộ nhấn mạnh trong mọi hoạt động du lịch, lữ hành.
Chương trình kích cầu du lịch từng được Bộ phát động lần đầu vào ngày 8/5 và đạt kết quả tích cực. Du khách nội địa tăng mạnh trong ba tháng 5, 6, 7 - đạt và vượt so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 tái bùng phát ở một số tỉnh, thành khiến hoạt động du lịch gần như "đóng băng" trở lại từ cuối tháng 7 đến nay.
An An
Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) và báo Điện tử VnExpress thực hiện khảo sát nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách du lịch Việt Nam. Mời độc giả trả lời các câu hỏi tại đây.
Xin cảm ơn!