"Giới công nghệ cần tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng nhanh các công nghệ áp dụng trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, học máy, metaverse, blockchain. Bởi chỉ có đầu tư, đưa chất xám Việt Nam vào mới có sản phẩm Việt cung cấp cho các doanh nghiệp Việt", ông Khoa, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), nói tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022, ngày 25/5.
Theo ông, những công nghệ mới này đã được áp dụng nhiều trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt phải sử dụng các sản phẩm từ nước ngoài, chi phí sẽ "đắt không tưởng". Vì vậy, cách tốt nhất là tự phát triển các sản phẩm, nền tảng Việt, phục vụ cho doanh nghiệp Việt.
Trước đó, tại Diễn đàn Tech Summit 2022 do VnExpress tổ chức tháng 1, ông Khoa cũng đánh giá kỷ nguyên tiếp theo của Internet trên phạm vi toàn cầu sẽ bao trùm bởi bốn xu hướng: metaverse, Web3, AI và blockchain. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang đổ nhiều vốn và nguồn lực vào lĩnh vực này để tạo ra nền tảng, hệ sinh thái giải pháp và ứng dụng. Tuy nhiên, theo ông, doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang thiếu sự gắn kết.
"Để phát triển kinh tế số nhanh chóng, chúng ta cần hợp lực của hệ thống chính trị, các bộ ban ngành, địa phương, sự tham gia quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp CNTT và phần mềm", ông Khoa nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch FSI, nhận định: "Muốn chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp chuyển đổi số cũng cần có đất diễn, cần có chính sách hỗ trợ mô hình sandbox cho fintech, thúc đẩy việc giải ngân cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi có nguồn lực tài chính tốt, doanh nghiệp sẽ có cơ hội thực hiện, đẩy nhanh chuyển đổi số".
Ông Nguyễn Văn Khoa cũng chỉ ra hai nhiệm vụ quan trọng khác là tập trung nguồn lực, chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp toàn quốc; và nỗ lực phát triển các nền tảng, giải pháp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam. Các nhiệm vụ này được Chủ tịch Vinasa đưa ra nhằm hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số được Thủ tướng ban hành ngày 31/3, mục tiêu đến năm 2025 là tỷ trọng kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt 20% GDP. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%. Theo ông Khoa, đây là mục tiêu thách thức, bởi mỗi ngành nghề có đặc thù khác nhau, đặc biệt là việc ứng dụng kinh tế số với các ngành nghề truyền thống. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp CNTT cần đoàn kết mới có thể thực hiện mục tiêu này.
Tại diễn đàn, bà Kaya Qin, CEO Lazada Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường có nền kinh tế số phát triển nhất Đông Nam Á. Dẫn số liệu thống kê, bà Qin cho biết nền kinh tế Internet tại Việt Nam đã tăng từ 16 tỷ USD năm 2020 lên 21 tỷ USD năm 2021, tăng 31%. Dự báo đến 2025, nền kinh tế số trong nước sẽ đạt mức tăng trưởng 20% mỗi năm, lên 57 tỷ USD, trong đó thương mại điện tử đạt mức 39 tỷ USD.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành Vụ quản lý doanh nghiệp - Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết Việt Nam là một trong 14 nước trên thế giới ban hành chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số. "Đây là bước tiến mới đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chuyển đổi số toàn dân, toàn diện. Chúng ta có cách tiếp cận riêng, thận trọng nhưng không bỏ lỡ thời cơ", ông Đường nói.
Nguyễn Hạnh - Lưu Quý