Hydrogen xanh có tiềm năng phát triển ở Việt Nam như một giải pháp cho nền kinh tế bền vững, hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng 0. Để khai thác hydrogen xanh, Đức và Việt Nam đã và đang hợp tác triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen xanh Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ duyệt ngày 7/2/2024 đã xác định hệ sinh thái năng lượng này phát triển dựa trên điện tái tạo, gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu. Theo quyết định này, Việt Nam phấn đấu đạt công suất sản xuất hydrogen xanh khoảng 100.000-500.000 tấn mỗi năm vào năm 2030 và tăng lên 10-20 triệu tấn vào năm 2050.
Theo nhận định của ông Markus Bissel, Giám đốc dự án PtX Outreach của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ, với tiềm năng lớn về sản xuất hydrogen xanh cùng các chính sách và sự hỗ trợ tài chính phù hợp, Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu hydrogen xanh lớn, phục vụ thị trường ở châu Á và toàn cầu trong tương lai. Bên cạnh đó, thị trường nội địa của ngành hydrogen xanh cũng cần được thúc đẩy bằng cơ chế hỗ trợ phù hợp.
TS. David Jacobs, Giám đốc điều hành IET (International Energy Transition), cho rằng về lý thuyết hydrogen xanh có rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực như: hóa chất, hệ thống điện và nhiệt, hàng không, vận tải biển. Tuy nhiên, hiện giá thành sản xuất vẫn cao nên phải cạnh tranh với các giải pháp giảm phát thải các bon khác.
Do vậy, việc nghiên cứu, thúc đẩy các hoạt động để giảm giá thành sản xuất, đưa công nghiệp hydrogen xanh có thể phát triển sớm tại Việt Nam là cần thiết. Hành trình này cần sự tham gia, đồng hành của nhiều bên, bao gồm cả hai phía công - tư cũng như sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.
Đức là một trong các quốc gia đi đầu trên hành trình chuyển dịch năng lượng, với đại diện là tổ chức GIZ đã, đang hợp tác với Trung tâm PtX Hub Quốc tế ở Berlin xúc tiến nhiều hoạt động nghiên cứu, đào tạo và kết nối nguồn lực cho việc phát triển nền kinh tế hydrogen xanh tại Việt Nam. PtX Hub chuyên cung cấp tư vấn chuyên môn và kết nối hợp tác vì sự phát triển sáng tạo và bền vững của chuỗi giá trị hydrogen xanh.
Theo ông Markus Bissel, bằng việc triển khai dự án PtX Outreach do Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ, trong hai năm qua, GIZ đã xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy với Bộ Công Thương trong lĩnh vực hydrogen xanh và các sản phẩm dẫn xuất hydrogen với các hoạt động chính như: tổ chức các chương trình đào tạo, các chuyến trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho đối tác; thực hiện đánh giá trong phạm vi quốc gia để đưa ra phân tích chuyên sâu về các lĩnh vực khó giảm phát thải; thực hiện các nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề trọng yếu trong phát triển thị trường hydrogen; hợp tác với Trung tâm PtX Hub nhằm xác định các giải pháp cho Việt Nam.
PGS.TS Phạm Hoàng Lương, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội, Giám đốc Viện Khoa học công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, đã tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn và là giảng viên tại các chương trình đào tạo cơ bản của GIZ về hydrogen xanh và PtX. Ông cho biết chương trình đào tạo cơ bản về hydrogen xanh và PtX do Trung tâm PtX Hub Quốc tế thiết kế gồm 7 nhóm nội dung và đã được GIZ tổ chức thành công ở Việt Nam năm 2023.
PGS.TS. Lương đánh giá cao 3 nhóm nội dung đào tạo: Sản xuất hydrogen xanh- Kinh tế hydrogen xanh - Cơ sở hạ tầng cung ứng hydrogen xanh. Đây là 3 nhóm nội dung đã được trao đổi khá chi tiết trong khóa đào tạo giảng viên nguồn tại CHLB Đức và có được sự quan tâm đặc biệt của các học viên trong nước tại các khóa đào tạo do GIZ tổ chức năm 2023.
"Tôi mong rằng sẽ có thêm chương trình đào tạo chuyên sâu thiết kế riêng cho Việt Nam vì điều kiện và bối cảnh phát triển công nghiệp hydrogen xanh của Việt Nam có những đặc thù riêng", PGS. TS Lương chia sẻ.
Với tinh thần đồng hành cùng Việt Nam chuyển dịch năng lượng, ông Markus Bissel, đại diện cho GIZ, khẳng định trong thời gian tới, GIZ đặt mục tiêu tăng cường hỗ trợ cho các bộ ban ngành tại Việt Nam liên quan đến lĩnh vực hydrogen xanh. Đặc biệt là tăng cường hợp tác với Bộ Công thương trong việc thực hiện chiến lược sản xuất hydrogen thông qua ba lĩnh vực chính: phát triển chiến lược và khung pháp lý, phát triển năng lực cho các bên liên quan và phát triển thị trường, kinh tế.
Như Ý