Ngày 20/11, trong lễ kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam của Đại học Sư phạm Hà Nội, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh chia sẻ tâm sự về nghề. Trước hàng nghìn sinh viên, cán bộ, giảng viên, bài phát biểu của thầy nhận được tràng pháo tay lớn. Dưới đây là nội dung chính trong bài phát biểu.
"Mấy ngày nay, trên các báo đài, trên những trang mạng, trên Facebook đã có hàng vạn lời tốt đẹp, lời chúc của đồng nghiệp, của bạn bè, của học trò đến với chúng ta. Điều đó phần nào làm chúng ta ấm lòng.
Tôi chợt nghĩ, lẽ ra điều đó phải dành cho đồng nghiệp chúng ta đang ngày đêm đối mặt với bao gian khó, cả với cô đơn, cả với trống trải theo nghĩa đen và nghĩa bóng nơi biên ải xa xôi, nơi bản làng heo hút, và cả những nơi phồn hoa đô hội mà trong lớp học chật chội có cả hơn 50 em đang phải chen nhau.
Tôi cứ lan man nghĩ về những hình ảnh ám ảnh trong tôi về những mái trường tốc mái, những đống sách vở vùi dưới lớp bùn đất sau mùa sạt lở. Trong tâm trí tôi cứ lởn vởn hình ảnh các chiến sĩ lấm lem, vạ vật giữa đất rừng ẩm thấp sau bao ngày kiệt sức cứu dân. Điều gì thôi thúc họ quên mình đến thế?
Những đồng nghiệp của chúng ta trao thanh xuân cho vùng biên ải, những chiến sĩ quên mình vì cuộc sống nhân dân, những bà con nơi miền phên dậu đang trồng cây giữ đất ông cha. Bình dị của họ sẽ là lời cắt nghĩa cho cái ta gọi là vĩ đại, họ không định nghĩa Tổ quốc như lời trong từ điển, nhưng trong đáy lòng là tình yêu Tổ quốc bao la sâu nặng khôn cùng.
Giáo dục là khơi lên tình yêu quê hương đất nước như một bản năng của mỗi con người và dám xả thân vì những điều cao cả. Giáo dục để mỗi người không còn cam chịu, tự vươn lên và hỗ trợ nhau đứng dậy, phát triển vững bền và bảo đảm an sinh xã hội, để bình đẳng là quyền được hưởng của mỗi người.
Đất nước này và lời ru của mẹ, dù muôn phương vẫn nhớ đến quê nhà. Không thể chê thanh niên đọc rap, không thể chê các em xoay vần trong hip-hop, nhưng đừng để dân ca xa lạ đáy tâm hồn. Làm sao cấm cản sự giao thoa, và giao thoa bồi đắp thêm cái đẹp, đừng để lai căng rồi quên hết cội nguồn.
Giáo dục là để làm khắc cốt ghi tâm những mạch ngầm trong muôn đời dân tộc, để bản sắc là cuộc sống mỗi ngày, để là hồng cầu trong từng huyết quản, để mai ngày con cháu chúng ta không phải đi tìm trong từ điển, không phải đi tìm trong kho tàng chuyện cổ xa xưa.
Trên một chương trình nào đó, tôi không còn nhớ, đứa bé mơ mai thành bác sĩ chữa bệnh cho bà. Cháu có thể không hình dung mai ngày bà còn thời gian nhiều ít, nhưng ước mơ và khao khát vẫn cháy lòng. Một ước mơ thấm đẫm yêu thương. Tôi tự hỏi, nếu may mắn bà không bệnh tật thì ước mơ của cháu là gì? Tôi nhận ra ước ao của con người thường rất bình dị và bắt đầu từ những việc rất gần.
Giáo dục là ươm mầm khát vọng, những ước mơ chân chính cho đời. Những mùa nắng hạn, nước ngầm đến cạn kiệt không còn; người nông dân nhìn đồng đất nứt thành khe rảnh; những vùng đất dần dà nhiễm mặn, lúa trồng thưa hạt thu về; và gần đây, những thảm thương của những nơi lở núi; lũ về chìm cả vùng quê.
Giáo dục là dạy cho trẻ biết yêu thương thiên nhiên, dòng sông bến nước, yêu rừng, yêu cây cỏ xanh đời; biết giữ gìn lấy nó, trước khi dạy cho trẻ những tri thức cao siêu để hiểu hơn và lý giải; để nhận thấy rằng mất cây xanh là mất cả cuộc đời; trời đất không hòa thì con người khó sống.
Bát cơm đầy là bao công sức. Du dương tiếng nhạc tuổi thần tiên, đừng quên rằng tuổi thơ mẹ cha, ông bà trong tiếng gầm súng đạn, để yêu quý hơn cả một thanh bình. Dù không muốn một thời quay lại, nhưng cũng nên nghe về năm tháng đói cơm; để quý hơn những nỗi nhọc nhằn của bao thế hệ, để hôm nay có bát cơm đầy.
Giáo dục là bồi đắp lòng biết ơn trong mỗi người con đất Việt, để trân quý hôm nay và hành động ngày mai. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự thay đổi và tác động của công nghệ lên nhiều mặt đời sống xã hội diễn ra chóng mặt, tri thức mỗi ngày ngồn ngộn tăng lên, sự phát triển diễn ra nhanh chóng. Đồng nghiệp chúng ta đang mơ có ngôi trường không lo mùa mưa bão... Nếu không đau đáu với những nỗi đau nghèo khó, không nhìn ra thế giới bên ngoài thì lấy gì thôi thúc để mỗi người vươn dậy, để mai ngày đất nước tự cường.
Giáo dục là mở ra cánh cửa bên ngoài, để định vị được mình, định vị được đất nước để dám dấn thân cho những điều tốt đẹp. Chúng ta đã đi theo nghề giáo. Dạy học là một thiên chức đạo đức. Từ ngàn đời nay, người thầy luôn được tôn trọng. Trong những biến động của xã hội, có lúc này, lúc khác, nơi này nơi khác, đã làm cho chúng ta tâm tư.
Thiên chức cao quý nhưng quá đỗi gian nan, chúng ta phải đối diện với nhiều thứ, nhiều chiều, để rồi trăn trở.
Trong quan niệm xã hội có lúc chưa thật tích cực khi nhìn nhận về giáo dục, về học vấn và hệ quả là lăng kính về người thầy không như những gì thật cao đẹp. Cũng có lúc một bộ phận đánh đồng công việc dạy học với công việc kiếm sống thông thường, hãy nhớ rằng nó không chỉ là một nghề thuần túy. Nếu như vậy, chắc chẳng có ai nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho trẻ nơi vùng biên ải, nơi thăm thẳm núi rừng thưa thớt bóng người, nơi hải đảo trùng khơi quanh sóng vỗ.
Dạy học là một thiên chức đạo đức, vì nó cố gắng phát triển không chỉ sự hiểu biết mà còn là sự tận tụy trong phụng sự, định hình không chỉ tri thức mà cả ý chí, nuôi dưỡng cả trí tuệ và tâm hồn. Nó là thiên hướng chứ không thuần túy làm công ăn lương. Dạy học là tạo dựng tương lai.
Đừng quên rằng, những gì đang diễn ra trong lớp học, trên giảng đường hôm nay, dù có ít ỏi chăng nữa, thì nó mang tính quyết định, vì xã hội ngày mai được định hình từ những sự kiện đang diễn ra trong trường học ngày hôm nay.
Không thể chối cãi rằng, đất nước nào đầu tư đúng mức cho giáo dục, người thầy được tôn trọng thì không chỉ tiến bộ trong hiện tại mà đó là nền tảng cho phát triển của tương lai. Nơi nào người thầy được tôn trọng thì ở đó xã hội văn minh. Sự bền vững muôn đời của một đất nước là từ giáo dục và cách giáo dục.
Giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông cần có một quan niệm đúng đắn. Đừng để cho giáo dục chuyển một nền học vấn sang tìm kiếm việc làm một cách thuần túy. Đừng để kiến thức trở thành hàng hóa, một sản phẩm để mua bán và sử dụng. Sự tầm thường hóa này sẽ dẫn đến quan niệm lệch lạc về người thầy, về những chuẩn mực chân chính của xã hội và là gốc rễ của những suy đồi trong đạo đức. Đừng quá coi trọng kỹ năng mà quên rằng giáo dục để mỗi người tự soi sáng bản thân để tiến bộ. Khi chỉ nhăm nhăm tập trung đào tạo nghề nghiệp để mỗi người không biết gì ngoài địa hạt của mình thì quả thật thiếu sót.
Giáo dục để tạo ra một con người toàn diện và có khả năng phát triển thiên hướng bản thân, chứ không phải tạo ra con người phiến diện. Đại học phải tạo ra một những con người có đầu óc khai phóng nhưng có khả năng làm việc chuyên nghiệp. Đây là một sự cấp tiến chứ không phải là hoài cổ.
Biết rằng, những mĩ từ cao nhã về người thầy không phải đúng cho tất cả, không phải người thầy nào cũng là ngôi sao sáng, nhưng tổng thể họ đã dành thời gian, tâm thức, trí tuệ và tình yêu thương, thậm chí cả mạng sống của mình cho các thế hệ học trò. Chúng ta đã chọn nghề dạy học là đã chọn yêu thương và tiến bộ.
Chỉ khi đủ để yêu thương thì con người mới biết tha thứ, chỉ khi có được cảm thông thì con người mới có khả năng cảm hóa. Làm cho người khác tốt hơn, tiến bộ hơn để xã hội văn minh hơn thì có gì hơn thế. Chúng ta có quyền tự hào một cách chính đáng về nghề nghiệp của mình".
Nguyễn Văn Minh