Ngày xưa, thế hệ chúng tôi không được dạy bài bản về tài chính nhưng chính công việc hàng ngày đã dạy cho tôi những kỹ năng cơ bản về kiếm tiền, quản lý tiền từ khi còn rất nhỏ. Tôi nhớ tầm 5 - 6 tuổi tôi đã cùng mẹ ra đồng bắt cua, bắt cá. Những mớ cua tươi rói ấy được đem ra chợ bán thêm thắt vào cuộc sống gia đình. Mẹ làm cho tôi một chiếc ống tiết kiệm làm bằng tre, khoét ống tre để tôi nhét tiền vào. Mỗi lần đi chợ về, tiền lẻ mẹ đều cho tôi bỏ vào đấy. Những buổi trưa trẻ con xóm tôi gò lưng ngồi bóc long nhãn kiếm được chút tiền cũng bỏ vào ống mong đến Tết có được số tiền kha khá mua bộ quần áo mới.
![Bé Chun thích đi siêu thị với bố mẹ.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/21/26055962-1950354258313532-3792-9621-4589-1626857946.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QPLISe7-Obm0sg8IsFvHeA)
Bé Chun thích đi siêu thị với bố mẹ.
Chính vì lao động từ rất sớm để kiếm ra đồng tiền nên chúng tôi đều biết tiết kiệm, chi tiêu gì cũng căn ke dù còn rất bé. Khi 8 tuổi, tôi đã được bố mẹ giao cho quản lý hai đứa em nhỏ. Tôi vẫn nhớ mẹ cho 2.000 đồng cho bữa trưa. Với số tiền ấy tôi phải đi chợ nấu cơm cho em ăn. Bao giờ chúng cũng nhắn nhủ tôi rằng "nhớ mua kẹo nữa chị nhé!", thế là con bé con ấy phải nghĩ xem mua gì để vừa đủ thức ăn, vừa có quà bánh cho em. Tôi học được cách kiếm tiền, quản lý tiền từ những bài học cuộc sống như thế.
Ngày ấy, bố mẹ nghèo, bận rộn với việc mưu sinh, không ai nghĩ to tát rằng đang dạy con bài học về kiếm tiền, quản lý tiền mà nó cứ diễn ra tự nhiên như thế thôi. Khi đi học xa nhà, với số tiền bố mẹ cho mỗi tháng, tôi học cách quản lý chi tiêu để không bị hết tiền vào cuối tháng, tìm cách đi làm thêm để có thêm tiền, tích lũy dành dụm để sinh nhật bố mẹ, em có tiền mua quà tặng. Sau 4 năm đại học, thậm chí tôi còn dành ra được khoản tiết kiệm kha khá tự mua xe máy đi làm và thỉnh thoảng đóng góp vào quỹ từ thiện.
Đến khi lấy chồng, sinh con, tôi nhận thấy việc dạy con về giá trị đồng tiền vô cùng quan trọng nên ngay từ khi bé Chun còn nhỏ tôi đã dạy con cách tự lập trong cuộc sống, trong đó, có tự quản lý chi tiêu cá nhân thông qua sự giám sát của bố mẹ. Mỗi năm, Chun có nhiều khoản "thu nhập" như tiền mừng tuổi, tiền ông bà cho các dịp trong năm, bán giấy vụn, chai lọ nhựa từ phòng làm việc của ông nội và lớn hơn chút bạn ấy được giao việc "trả lương", mức tiền thì phụ thuộc vào độ nặng nhẹ của công việc. Tôi cũng định hướng cho con đặt ra những mục tiêu của việc chi tiêu như mua sắm vật dụng cho cá nhân, mua quà sinh nhật ông bà, bố mẹ, quyên góp ủng hộ...
![Bé Chung (tên thật: )](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/21/118630931-3790684987613774-719-9336-3051-1626857946.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=i_7sv8i5aNACRO6GpVTn9g)
Bé Chung (tên thật: Nguyễn Gia Bảo), 7 tuổi, được mẹ dạy học cách chi tiêu.
Chính vì đặt ra được mục tiêu rõ ràng, hợp lý nên bạn ấy làm việc rất siêng năng và "có trách nhiệm". Ví dụ ông cho bạn chai lọ nhựa nhưng bạn phải thu gom, phân loại, sắp xếp cẩn thận vào từng bao tải chờ người mua đến. Mỗi lần nhận tiền bạn vui lắm, ríu rít khoe cả ngày. Dạy con cách kiếm tiền cũng là để con yêu lao động hơn, hiểu giá trị lao động, hiểu giá trị đồng tiền mà hàng ngày bố mẹ kiếm được. Số tiền tiết kiệm được, bạn được lên kế hoạch chi tiêu theo sự góp ý của bố mẹ. Bạn kiếm ra tiền nên vô cùng tiết kiệm, chỉ những mục tiêu được đề ra bạn mới "xuất quỹ". Hàng tuần, Chun được theo bố mẹ đi siêu thị để học cách chi tiêu hợp lý. Tôi cũng dạy con ngoài việc kiếm tiền, chi tiêu, tiết kiệm thì còn dành ra một phần để quyên góp.
Bạn Chun 7 tuổi nhưng đã có một trái tim rất nhân hậu. Địa điểm quen thuộc của cả nhà đó chính là trung tâm bảo trợ trẻ em. Chúng tôi thường mang quần áo, sữa, bánh, xà phòng giặt sang đó ủng hộ các em nhỏ. Chun đã dành một phần trong số tiền tiết kiệm ấy cùng với ba mẹ mua đồ tặng các em nhỏ. Dù số tiền không nhiều nhưng đó là bài học về tính nhân văn vô cùng giá trị mà chúng tôi dạy con. Sau này lớn lên, con không chỉ bản lĩnh, vững vàng trong cuộc sống mà còn là một người có trái tim nhân hậu, có trách nhiệm với xã hội và cộng đồng.
Tôi gặp nhiều quan điểm trái chiều khi cho con tiếp xúc với tiền, thậm chí là ý kiến phê phán. Nhưng tôi tin rằng ở xã hội hiện đại trang bị cho con kiến thức về tài chính từ nhỏ là điều cần thiết.
Tôi vui mừng khi biết năm tới ở trường các con có hẳn một chương trình đào tạo do JA Việt Nam hỗ trợ. Mong rằng những kiến thức ấy sẽ giúp ích cho con, là hành trang tương lai để con bước vào đời.
Nguyễn Thùy Dương
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây