Hành trình dạy con về giá trị của đồng tiền kiếm được của tôi bắt đầu từ khi Thiện 4 tuổi. Mỗi lần lấy lương, tôi đều chia tiền thành nhiều khoản trong các phong bì ghi: chi tiêu gia đình, tiền học của con, tiền trả nợ, tiết kiệm, tiền dùng cho du lịch cùng gia đình... Mỗi lần như vậy, tôi đều cố tình để con thấy điều đó, để con biết đồng tiền được bố mẹ sử dụng như thế nào, hiểu được sự vất vả của bố mẹ, cũng như dần hình thành khái niệm chi tiêu tài chính trong con.
Khi con 6 tuổi là thời điểm tôi bắt đầu cho Thiện tự quản lý tiền mừng tuổi, tự chia số tiền của mình ra các túi nhỏ, ghi rõ tiền con tiêu tự do mua những món đồ con thích; tiền mua sách vở (bố mẹ chỉ đầu tư mua đồ dùng học tập đầu năm học, mất hoặc hết là con phải tự bỏ tiền của mình ra mua); tiền mời bố mẹ đi cafe cuối tuần, tiền gửi mẹ để sinh lãi. Khi tiêu hết số tiền con có là lúc tôi dạy con việc làm thế nào để kiến tiền? Để tiền sinh ra tiền? Và kế hoạch kiếm tiền từ bán đồng nát được thực hiện.
![[Caption]. Ảnh: Essential Business](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/07/saving-money-8049-1625623069.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=e-AKwJfs5Y5I9oq6biUkJw)
Bé Tùng Thiện được mẹ hướng dẫn kiếm tiền từ nhỏ và chi tiêu hợp lý. Ảnh: Essential Business
Mọi thứ tưởng chừng như rác đều có thể bán lấy tiền: vở cũ, giấy, bìa catton, chai nhựa, hộp sữa, lon bia... rửa sạch để gọn gàng và cuối tuần đi bán. Tôi dạy con phân loại đồng nát để bán, biết cách bán cái gì cho ai sẽ được nhiều tiền hơn: chai nhựa sạch được bán cho các bà bán tương sẽ được nhiều tiền hơn bán cho các cô thu gom đồng nát tận nhà. Số tiền thu được ghi chép cẩn thận vào sổ. Tôi cũng khá bất ngờ với mục tiêu mà Thiện đặt ra. Và giờ thu nhập từ bán đồng nát của Thiện thường xuyên 2 tuần một lần.
Giờ bước tiếp theo là làm sao để tiền sinh ra tiền? Là câu hỏi tôi hay hỏi con. Cho con tự đi chợ mua là một cách hay để bạn ấy biết những người kinh doanh bán hàng có thể kiếm nhiều tiền hơn là gom đồng nát. Tôi đưa cho con 200.000 đồng, giao việc đi mua đồ nấu ăn hai bữa có đủ thịt hoặc cá và hai món rau . Salad rau mầm là món là Thiện thích ăn. Khi Thiện mang về hộp rau mầm và tôi cho so sánh giá rau mầm với rau muống là lúc ý tưởng trồng rau mầm được bạn ấy đề xuất.
Tiếp theo là giai đoạn tìm hiểu các cách trồng rau mầm, giá cả hạt giống, các chi phí in ấn logo, bao bì đóng gói... Kế hoạch cho chiến dịch bán sản phẩm được cả nhà thảo luận chi tiết: tạo logo, tìm kiếm thị trường, giá thành cho 100g rau mầm, quảng cáo cho sản phẩm, tuyên truyền giá trị dinh dưỡng rau mầm tới mọi người... Số tiền thu được từ việc bán đồng nát được sử dụng làm vốn cho dự án rau mầm thủy canh. Việc tự đi giao hàng cũng là cách để con thấy được sự vất vả của nghề shipper. Con tự ghi mọi khoản chi tiêu vào cuốn sổ thu chi của dự án. Con tự xây dựng kế hoạch tiêu số tiền kiếm được, sau đó mẹ thiết kế một cuốn sổ kế hoạch quản lý tài chính.
Ví tiền lãi của con được được chia làm 4 ví nhỏ: ví hưởng thụ 20% (con có thể mua đồ con thích, mời bố mẹ đi cafe cuối tuần tăng tình cảm, gắn kết yêu thương); ví tiền tri thức 20% (được sử dụng để con mua sách, truyện, đồ dùng học tập); ví tiền trao yêu thương 10% (được sử dụng để ủng hộ); ví đầu tư 50% (được sử dụng để tái đầu tư hoặc gửi ngân hàng sinh lãi). Việc thảo luận tin tức Covid-19 trong nước và các nước trên thế giới đặc biệt với những người nghèo khổ ở Ấn Độ, rồi sự chi viện của các nước đối với Việt Nam được chúng tôi thực hiện trong các bữa ăn là cách tốt nhất để Thiện tự hiểu nên xây dựng quỹ trao yêu thương 10%.
Việc lan tỏa dự án kiếm tiền "Rau mầm cu Thiện" cho các bạn nhỏ khác cũng được tôi hướng dẫn con. Thiện đồng ý với đề xuất cùng mẹ tài trợ một bộ kit trồng rau mần thủy và hỗ trợ kỹ thuật trồng rau mầm cho các bạn nhỏ ở mái ấm Tình Hồng từ quỹ Trao yêu thương. Điều tôi bất ngờ là Thiện nói: "Dạy các bạn nhỏ nghèo cách kiếm tiền tốt hơn là cho các bạn ấy tiền mẹ ạ!".
Lê Thị Kim Thu
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Chaching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây