Đối với tôi không có độ tuổi nhất định cho việc bắt đầu dạy trẻ về tiền bạc. Khi phát hiện con có khả năng tiếp nhận những gì mình truyền đạt thì đó là thời điểm tốt nhất để bắt đầu dạy con. Tôi cho Thiên Vũ tiếp cận nhiều hơn với các khái niệm về tiền từ mùa Covid-19 đầu tiên. Khi hai mẹ con đều có nhiều thời gian ở bên nhau, cùng hoạt động, làm việc, vui chơi.
Cách của tôi chủ yếu là qua những câu chuyện và trò chơi cùng con. Ban đầu là từ những buổi đi chợ mua đồ dùng, tôi thường chào con lúc đi và gọi con thật to thông báo khi về nhà. Vũ thường đon đả ra đón mẹ bằng câu nói "Mẹ đi siêu thị về rồi ạ. Mẹ mua nhiều đồ không?". Con nít mà, con sẽ hào hứng muốn cùng mẹ sắp xếp đồ ra ngoài và lúc đó tôi sẽ bắt đầu câu chuyện. Mẹ đã mua từng này để cả nhà mình ăn trong một tuần, hết chừng này tiền. Ban đầu con không hiểu sẽ hỏi "Tiền là gì hả mẹ?". Tôi giải thích cho con: "Tiền là những tờ giấy có giá trị mẹ trả cho những người bán để lấy được đồ hàng mẹ cần mua". Có vẻ chưa hiểu lắm nhưng cu cậu vẫn dạ vâng, rồi hí hoáy làm việc với mẹ mà quên mất.
Sau đó, hàng ngày, cậu đều chơi trò đi siêu thị với mẹ. Vũ lấy xe đạp chạy một vòng quanh nhà rồi quay lại với một giỏ đồ phía sau xe và nói: "Mẹ ơi con đi siêu thị về rồi, còn mua được nhiều đồ cho mẹ lắm!". Tôi vui mừng hỏi: "Chúc mừng con yêu, con giỏi quá! Nhưng nay con lấy tiền đâu đi siêu thị vậy". Cậu chạy lại ví mẹ và bảo: "Con lấy tiền ở ví của mẹ". Trong một lần chơi trò đi siêu thị khác, xe cậu hết xăng giữa đường nên Vũ vào trạm đổ xăng, đổ xăng xong con phóng xe đi thì bị tôi gọi lại và bảo: "Bác quên trả tiền đổ xăng cho cháu ạ!". Cậu tiếp tục chạy lại chỗ hay có ví mẹ thì lần này không thấy nữa (tôi đã cất đi) thì liền lấy một tờ giấy và bảo: "Tiền đây. Cho tôi quẹt thẻ". Buổi cơm trưa hôm đó tôi hỏi con: "Sao con lại có thẻ quẹt tiền" - "Con mua ạ" - "Con mua á!?" - "Dạ con mua tiền của mẹ". Tôi cười bảo: "Tiền phải được đổi từ công sức lao động, hoặc là bằng một giá trị khác tương đương chứ không mua được con ạ. Nôm na là sẽ phải làm việc để tạo ra tiền hoặc là dùng một thứ gì giá trị mà mình có để đổi lấy tiền." Qua các tình huống và câu truyện khác nhau, con đặt nhiều câu hỏi và tôi từ từ trả lời kèm ví dụ minh họa để con hiểu. Lặp đi lặp lại nhiều lần để con ngấm sâu hơn.
Trong một buổi đi nhà sách, Vũ muốn mua chiếc xe lắp ráp mà con đã có một cái tương tự ở nhà. Nhưng cậu cứ nằng nặc đòi mẹ mua cho bằng được. Tôi đã nghiêm túc nói với con: "Tiền mua đồ chơi mới cho con tháng này mẹ đã dùng hết rồi, và con cũng đã có một cái tương tự ở nhà. Nếu muốn mua thêm con cần phải tìm cách khác". Con hỏi: "Con tìm cách nào được?" - "Con có thể chờ đến tiền mua đồ tháng sau, hoặc giúp mẹ làm việc để được trả công hoặc con cũng có thể học thật tốt để được thưởng đấy". Sau khi nghe mẹ nói, con đã đồng ý cho mẹ chụp hình chiếc xe để ghi nhớ và quay lại mua sau một tuần hoàn thành chỉ tiêu mẹ giao. Bằng những cuộc trò chuyện trong lúc chơi trò chơi, hoặc dẫn con đi cùng đến những nơi tôi thường tiêu tiền cho gia đình, tôi cho con tiếp xúc nhiều hơn với các khái niệm về tiền, giá trị, tiền dùng để làm gì và làm cách nào để tạo ra tiền. Với độ tuổi của con, tôi chỉ cho con tiếp cận từ những thứ đơn giản nhất mà con có thể tiếp thu được và cảm thấy hào hứng.
Sinh nhật năm nay Vũ muốn tự mình kiếm tiền mua quà tặng mẹ. Con đã chia sẻ ý tưởng và nhờ mẹ cùng con lên kế hoạch để thực hiện. Chiếc máy ép 1,8 triệu đồng được ba tài trợ một triệu. Còn lại 800.000 đồng con sẽ phải kiếm đủ trong vòng hơn một tháng. Hai mẹ con chia đều ra mỗi ngày con sẽ kiếm tối thiểu 20.000 đồng bằng việc giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, phòng khách, phòng ngủ và cùng sắp xếp áo quần. Mỗi ngày làm một giờ đồng hồ việc nhà con sẽ được trả 20.000 đồng, nếu tăng ca cứ mỗi 5 phút con sẽ được trả thêm 2.000 đồng. Con rất hào hứng và nghiêm túc với kế hoạch của mình.
Chúng tôi thiết kế một bảng kế hoạch to dán lên tường để con theo dõi tiến độ đạt mục tiêu qua hàng tuần. Hàng ngày con sẽ tự tổng kết số tiền vào mỗi cột thứ ngày tương ứng. Cuối tuần chúng tôi cộng trừ xem con đã được bao nhiêu và còn thiếu bao nhiêu. Vũ quyết tâm với mục tiêu này lắm! Cách đây vài hôm có bạn đến nhà gọi đi đạp xe đúng lúc đang lau nhà con trả lời: "Ken còn chưa kiếm đủ tiền mua quà cho mẹ. Trump về đi làm việc xong Ken sẽ qua gọi Trump". Tôi vừa vui vừa xúc động trong lòng, cảm giác rất hạnh phúc! Cảm giác rất tuyệt vời khi thấy con thay đổi trong suy nghĩ và cả hành động. Con không còn hứng lên đòi mua đồ cho bằng được nữa mà luôn biết cân nhắc và chờ đợi, cũng như có những mục tiêu và kiên nhẫn thực hiện đến khi đạt được. Những lần nhìn thấy cậu nhóc nhỏ con con hì hụi rửa bát trong bếp tôi xúc động lắm nên thường đứng lặng lẽ ghi lại tất cả hình ảnh của con.
Tiêu tiền
Trẻ con thường lấy cái gì chúng thích, đòi cái gì chúng muốn mà ít khi để ý đến việc có cần thiết hay không. Tuy nhiên với Vũ nhà tôi thì không như vậy, nói đúng hơn là bây giờ không còn như vậy nữa.
Sau những lần đi nhà sách để chọn đồ chơi và sách mà con thích, rồi vòi vĩnh đòi mẹ mua cho bằng được nhưng bị từ chối, con chuyển từ trạng thái hậm hực sang vui vẻ đồng ý. Để đạt được kết quả này cũng cần một thời gian hướng dẫn và cho con trải nghiệm. Ban đầu khi thuyết phục mà con vẫn nhất quyết muốn mua tôi cũng đồng ý mua nhiều đồ một lần về cho con. Nhiều ngày sau trong lúc sử dụng, con thường dùng cái này mà bỏ bê cái kia, thậm chí còn làm hỏng đồ chơi vì dư dả. Lúc đó tôi đã lấy những món đồ bị hư hỏng và chỉ ra cho con về sự lãng phí: tất cả các món đồ đều được mua bằng tiền của con hoặc ba mẹ dùng công sức làm ra, con mua về không dùng để hư hỏng không chỉ lãng phí mà còn không trân trọng sức khỏe của chính con, của ba mẹ. Vì vậy để chi tiêu hợp lí con chỉ nên mua những thứ thực sự cần thiết với lượng đủ dùng.
Những lần sau đi nhà sách tôi để con tự chọn ra 5 cuốn sách mà con hứng thú nhất rồi hỏi "Nếu chỉ được chọn một cuốn mang về, con sẽ lấy cuốn nào?" Bằng cách đó tôi đã giúp con biết tiết chế và sử dụng một cách triệt để những món đồ mà con chọn. Tôi cũng dùng cách này hướng dẫn con khi đi mua sắm những món đồ khác.
Hiện tại tôi đang hướng dẫn Vũ cách so sánh giá cả và lựa chọn món đồ phù hợp với mức giá thấp hơn, cũng như cho con thực hành việc thanh toán trong các hoạt động mua sắm để con biết thương lượng với người bán. Những trò hai mẹ con hay chơi là: Cửa hiệu sách của em; Hãy chọn giá đúng; Ai là người mua hàng giỏi nhất...
Tiết kiệm
Bên cạnh việc kiếm tiền và tiêu tiền tôi cũng hướng dẫn con một lối sống tiết kiệm. Từ những sinh hoạt nhỏ trong gia đình như: ra khỏi phòng thì tắt điện tắt quạt, đồ ăn uống chỉ lấy đủ dùng và dùng hết không để thừa; nước tắm hay rửa tay cũng xả vừa đủ không xả to quá... Hôm nọ một chị hàng xóm sang chơi, trước bữa ăn hai chị em đi rửa tay tôi nghe Vũ nói "Chị Moon vặn nhỏ nước thôi, nước văng tung tóe ra ngoài lãng phí lắm".
Vũ rất thích đọc sách. Số lượng sách hay và con muốn đọc thì quá nhiều. Vì vậy tôi đã bàn bạc với con là ngoài việc mua sách về nhà, hai mẹ con sẽ đến nhà sách vào mỗi thứ 7 để đọc nhiều sách hay mà không phải chi tiền. Mỗi buổi đi như vậy chúng tôi thường đọc được 5-6 cuốn. Về nhà cậu tha hồ hồi tưởng, đặt câu hỏi cho mẹ trả lời vì mai là chủ nhật ko có bài vở. Tôi còn hướng dẫn con nên mang theo một cuốn sổ tay để ghi chép những ý quan trọng của cuốn sách.
Quyên góp
Mục tiêu của tôi là nuôi con lớn lên không chỉ thành công mà còn phải là một doanh nhân hạnh phúc. Và hạnh phúc thật sự con có được khi không chỉ biết suy nghĩ cho riêng mình mà còn cần biết yêu thương, quan tâm chia sẻ đến những người xung quanh.
Trước đây con hay hỏi tôi mọi người bỏ gì vào cái giỏ nhỏ trong nhà thờ. Tôi trả lời cho con đó là hoạt động quyên góp. Từ những khoản tiền nhỏ mỗi người bỏ vào sẽ tích lũy thành một khoản tiền lớn được cha xứ và các sơ dùng để mua đồ đạc cho các bạn nhỏ thiếu may mắn hơn con. Sau đó mỗi lần đi nhà thờ con đều xin tiền tôi để bỏ vào giỏ, sau này vay tiền mẹ để bỏ và về nhà làm việc trả công.
Tôi cũng hay cho con tham gia các hoạt động thiện nguyện của trường, nhóm yoga kids hay lớp tiếng Anh để gom góp các vật dụng cũ như sách vở, quần áo, tiền cho các bạn nhỏ kém may mắn trong làng SOS, trẻ ở trung tâm chất độc màu da cam...Không vì dịch covid thì vừa rồi Vũ cũng đã tham gia hoạt động trồng cây xanh quyên góp cho các bạn ở làng trẻ mồ côi SOS rồi. Mình hay chia sẻ với con, con rất may mắn vì có ba có mẹ yêu thương ở bên cạnh chăm sóc cho con mỗi ngày. Nhưng có nhiều bạn kém may mắn hơn, các bạn không có cha mẹ, cũng không có đủ đồ để dùng. Vì vậy hàng ngày con phải luôn tiết kiệm một phần của mình để giúp đỡ các bạn, đồ đạc con dùng cũng chú ý giữ gìn. Khi nó cũ hoặc con mặc không vừa nữa/ không dùng nữa con có thể chia sẻ lại cho các bạn. Luôn nhớ rằng đồ cũ với con có thể là giá trị đối với người khác.
Trên đây là một số chia sẻ của tôi trong hành trình dạy con về tiền bạc và cách hình thành thói quen chi tiêu hiệu quả. Có thể nó hiệu quả với chúng tôi nhưng lại chưa phù hợp với người khác. Quan trọng là trên hành trình đó tôi và con đã rất vui và hạnh phúc trải nghiệm cùng nhau. Tôi tin rằng mỗi gia đình sẽ có một hành trình riêng thú vị. Chúc cho tất cả các bạn nhỏ luôn nhận được sự giáo dục tốt nhất và sẽ lớn lên hạnh phúc, thành công!
Lê Như Quỳnh
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Chaching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 7/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây