Tôi đi làm cả ngày, tối mới về nên cũng rất thích khi con tình cảm, thích được trò chuyện với mẹ, đòi mẹ bế… Nhưng đôi khi tôi lo mình quá dịu dàng với con thì cháu sẽ yếu mềm và “nữ tính” khi lớn lên. Xin hỏi nên cư xử, giáo dục với bé trai thế nào để cháu trưởng thành mạnh mẽ nhưng vẫn tình cảm, gần gũi với bố mẹ. (Hiểu Lan)
Trả lời
Chào bạn,
Trước hết, tôi chia sẻ với bạn về những lo lắng khi bé hơn 2 tuổi nhưng “nói ngọng, nếu không phải người nhà thì sẽ không hiểu được”. Đối với trẻ trong giai đoạn 1-3 tuổi - giai đoạn trẻ tập nói, trẻ đang dần dần tiếp thu vốn từ vựng từ người lớn, học cách phát âm và sử dụng từ đúng hoàn cảnh… Vì thế khi vốn từ trẻ chưa nhiều, âm phát ra chưa chuẩn thì trẻ có thể nói ngọng, nói khó nghe, khó hiểu là vấn đề thường xảy ra.
Trong trường hợp này, người lớn không nên quát mắng, chê bai, cười nhại theo trẻ, cũng không nên nói nựng lại trẻ bằng âm mà trẻ vừa phát ra như “ton ăn tơm”… Cha mẹ nên bình tĩnh lắng nghe trẻ, nhắc lại âm bé vừa phát ra chưa chuẩn bằng âm chuẩn hơn, đồng thời nhắc con nhìn vào miệng khi nghe mình nói để cháu học được cách mở khẩu hình miệng, lật lưỡi khi phát âm, khen ngợi khi trẻ nói tốt hơn.
Nếu trẻ được 3 tuổi, cha mẹ và người lớn xung quanh đã cố gắng giúp đỡ mà bé vẫn nói ngọng nhiều và nói khó nghe, thì bạn nên đưa trẻ đến trung tâm hỗ trợ tâm lý để được các chuyên gia đánh giá, tư vấn, hỗ trợ.
Đối với lo lắng về vấn đề nên cư xử và giáo dục bé trai như thế nào để bé sống gần gũi và tình cảm với bố mẹ, chúng tôi xin chia sẻ với bạn như sau:
Việc bé hay nhõng nhẽo với bà và mẹ là vì cháu khi đòi hỏi nhu cầu thì bà và mẹ là những người thường đáp ứng tốt nhất với trẻ. Trong những đòi hỏi của bé, mẹ và bà không có các biện pháp cứng rắn nên bé có thể “bắt nạt” được và thường nhõng nhẽo.
Vấn đề bạn lo lắng mình quá dịu dàng với con sẽ làm con “nữ tính hóa". Như vậy, bạn phần nào đã hiểu đối với bé trai thì cần phải hình thành cho con những đức tính mạnh mẽ, kiên trì. Giữa bé trai và bé gái thường có xu hướng khác nhau. Bé trai thường có xu hướng thích vận động, thích các tình huống để ganh đua.
Cần tạo ra môi trường để kích thích khả năng độc lập giải quyết cho các bé trai thường thông qua các trò chơi. Bé trai có thể thực hiện các hoạt động chơi như xếp hình, chơi cờ để kích thích được nhu cầu giải quyết tính ganh đua mạnh mẽ cho con. Trong gia đình, thường thì người mẹ và bà hay dành thời gian để chăm sóc và gần gũi với bé hơn, nhưng để hình thành tốt nhất những tích cách mạnh mẽ cho bé trai thường là người bố. Bố nên tạo môi trường gần gũi với con để bé có nhiều hơn hình mẫu nam giới. Điều này có vai trò rất tốt với các bé trai.
Lúc này, bé sẽ có những xu hướng đồng hóa mình với các hành động của bố mà không phải lo lắng việc mình làm có bị nữ tính hóa không. Đồng thời, bạn nên để con thực hiện một số công việc phù hợp với độ tuổi của con như thu dọn đồ chơi, cất quần áo của mình vào tủ… Qua đó giúp cho bé lên kế hoạch tốt hơn, biết cách quản lý thời gian và hoàn thành được công việc. Đó là một số cách để bạn có thể hình thành được các tính cách mạnh mẽ cho con trai của bạn.
Chúc bạn và con luôn đạt được thành công như mong muốn.
Thạc sĩ tâm lý học Tạ Thị Thu Huế
Chuyên gia tư vấn Trường mầm non Hoàng Gia