Sau Tết nguyên đán, trẻ sẽ có trong tay một khoản tiền mừng tuổi, từ vài triệu cho tới hàng chục triệu. Trong khi rất nhiều bố mẹ không biết hướng dẫn con sử dụng thế nào cho hợp lý thì anh Trần Tuấn Anh (Hà Nội) lại là người "bắc nhịp cầu" để hai con Minh Tú (9 tuổi) và Minh Giáp (11 tuổi) làm việc thiện với thông điệp "Mình sống cần sự chia sẻ với những người kém may mắn. Khi chia sẻ, hạnh phúc sẽ nhân đôi".
Hai năm qua hai bé Minh Tú và Minh Giáp đã góp tiền cùng bố xây trường cho các bạn học sinh nghèo vùng cao.
Anh Tuấn Anh chia sẻ, anh thường đưa ra các phương án khác nhau để hai con quyết định sử dụng tiền mừng tuổi của mình. Trước đây số tiền này thường được gửi bố mẹ "cất hộ" hoặc mua sách vở, đồ chơi. Đến năm Minh Giáp vào lớp 1, với sự gợi ý từ bố, hai anh em đã dùng tiền mừng tuổi mua các món quà nhỏ tặng các bạn ở trại trẻ mồ côi hoặc tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội.
2019 là năm đầu tiên anh Tuấn Anh cùng bạn bè tham gia hoạt động xây dựng trường học cho các bạn nhỏ vùng cao. Nhìn thấy việc làm ý nghĩa của bố, sau Tết, hai anh em Minh Tú và Minh Giáp quyết định dùng hết 10 triệu tiền mừng tuổi góp xây một trường học tại Pá Po, một bản người Mông ở nơi xa xôi tách biệt nhất của xã Mường Bú, Mường La, Sơn La. Trước khi khánh thành trường, hai bạn đã cùng bố vượt hàng chục km đường mòn để tham quan ngôi trường và các bạn nhỏ tại đây.
"Vào thăm một gia đình người dân tộc ở Pá Po, nhìn cảnh các bạn nhỏ mặc áo rách giữa trời buốt lạnh, đi chân trần, bữa ăn chỉ có cơm trắng và rau rừng khiến hai bé rất xúc động. Sau chuyến đi, hai bé nói với tôi rằng sẽ cố gắng hỗ trợ các bạn nhỏ vùng cao bằng tất cả sức lực của mình", anh Tuấn Anh nói.
Năm nay Minh Tú và Minh Giáp tiếp tục dành tiền mừng tuổi của mình để góp xây một điểm trường tại Hà Giang. Không những thế, cả hai bạn đều có mong muốn mang chương trình quyên góp này đến các bạn cùng lớp và cùng trường để nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.
Chị Thanh Hải (Đống Đa, Hà Nội) lại rất chú ý đến việc giáo dục hai con về tiền từ khi còn nhỏ. Vợ chồng chị thống nhất, ở nhà các con sẽ có hai phần việc: Phần bắt buộc phải làm phù hợp với sức vóc và tuổi của mình như phơi quần áo, quét nhà, dọn phòng và phần việc vốn là của bố mẹ như lau nhà, rửa bát, đi chợ... nếu làm các con sẽ được trả công. "Như thế để các con hiểu rằng mọi người đều phải lao động và tiền mà người khác có được đều bắt nguồn từ lao động", chị Hải giải thích.
Để có thêm tiền tiết kiệm, cả hai bé đều tích cực làm thêm việc nhà. Cuối năm tổng kết được bao nhiêu hai anh em sẽ nhờ mẹ gửi ngân hàng.
Được hướng dẫn từ sớm nên Hải Anh (13 tuổi) và Hà Anh (10 tuổi) - con chị Hải - biết cách tính toán và sử dụng số tiền mình có một cách có ích nhất. Chuyến du lịch Sapa năm 2019 từ tiền mừng tuổi của hai con là một kỷ niệm đẹp với cả gia đình. Năm năm trước, kế hoạch này được Hải Anh vạch ra cho em gái sau khi hỏi mẹ một chuyến du lịch chi phí hết bao nhiêu. "Tôi nghĩ rằng bé hỏi cho vui, ai ngờ bé nói rằng sẽ cùng em tiết kiệm tiền mừng tuổi và làm việc nhà để mời bố mẹ đi du lịch", chị Hải nói.
"Mỗi năm các bạn đều tổng kết số tiền mình có được, phần tiền lẻ thừa ra (thường là dưới 100.000 đồng) hai bạn được thoải mái chi tiêu mà không cần xin phép bố mẹ. Với số tiền nhỏ đó, Hải Anh cùng em gái mua bimbim để mời các bạn trong lớp coi như tổng kết một năm lao động hiệu quả".
Năm nay, hai bé tiếp tục lên kế hoạch mời bố mẹ một chuyến sang Singapore cũng bằng chính số tiền tiết kiệm này. Chị Hải chia sẻ: "Rất vui vì dù nhỏ tuổi nhưng hai bé làm việc có kế hoạch rõ ràng và cố gắng để hoàn thành mục tiêu đó. Được con mời đi du lịch là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng".
Dịp Tết là cơ hội để bố mẹ dạy con chi tiêu đúng cách, thậm chí có thể hướng dẫn trẻ giữ tiền như một khoản đầu tư.
Nếu như Hải Anh và Hà Anh dùng tiền mừng tuổi chi tiêu cho những chuyến du lịch cùng gia đình thì Lò Mai Phương (15 tuổi), học sinh một trường tư thục tại Hà Nội lại dùng số tiền này để học kinh doanh. Hiện Phương đang là trưởng nhóm Nẹp Snack, nhóm chuyên kinh doanh đồ ăn vặt cho học sinh tại ngôi trường em đang theo học.
Trường của Phương không có căng-tin, cũng cấm ra ngoài mua đồ ăn nên cô bé đã cùng một số bạn quyết định mở một cửa hàng nhỏ tại trường từ số tiền mừng tuổi tiết kiệm được. Tuy nhiên khi đi vào hoạt động số tiền này không đủ bởi phát sinh nhiều chi phí ngoài dự tính ban đầu.
"Em và các bạn trong nhóm quyết định gọi vốn từ phụ huynh", cô bé 15 tuổi kể và cho biết, sau đó nhóm của Phương bắt đầu in logo, mua túi giấy và các vật dụng cần thiết phục vụ cho việc bán hàng. Gian hàng có kế hoạch mở sau Tết nhưng do lịch nghỉ kéo dài bởi ảnh hưởng từ dịch viêm phổi nên ngày khai trương phải lùi lại. Tuy nhiên, thời gian trước Tết Nẹp Snack đã hoạt động thử nghiệm và nhận được sự ủng hộ từ thầy cô và bạn bè trong trường.
Phương cho biết, việc kinh doanh không những giúp cô bé và các bạn trong nhóm có thể quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả mà 10% tiền lãi được còn góp cho quỹ từ thiện dành cho bệnh nhân nghèo.
"Dùng tiền mừng tuổi để kinh doanh nhỏ vừa giúp em và các bạn được làm chủ tiền của mình, vừa giúp bố mẹ bớt được mối quan tâm về việc con sẽ dùng số tiền đó như thế nào. Với em, tiền mừng tuổi ngoài ý nghĩa cầu bình an, may mắn còn giúp em cảm thấy hãnh diện khi được dùng số tiền đó vào việc có ích", Phương chia sẻ.
Hải Hiền