![]() |
Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị. |
"Chủ nhật này mình có kế hoạch gì không anh?". "Anh không biết". "Về quê ngoại, mẹ đang ốm, nhé". "Ừ, tùy em". "Em nhức đầu quá, liên tục cả tuần nay như thế này rồi". "Anh phải làm gì bây giờ, em cứ nói". "Cái bóng đèn này bị hỏng rồi anh ạ". "Thế à, em thay đi". "Hay tuần này mình gọi thợ đến sửa nhà rồi mua sắm, trang trí lại nội thất?" "Ừ". "Tết này mình đón tết ở thành phố hay về quê?". "Thế nào cũng được, tùy em thôi"...
Trong nhà tôi thường xuyên lặp đi lặp lại những việc tương tự như thế. Đôi khi tôi tự hỏi mình có phải là vợ nữa hay không. Tính cách thiếu tự lập, tự chủ của anh đâu chỉ thể hiện ở gia đình, trong vai trò người chồng, mà có khi cả với công việc cơ quan, trong mối quan hệ với đồng nghiệp, anh cũng hỏi tôi cách giải quyết.
Mỗi phương án, cách phân tích của tôi đưa ra bao giờ cũng được anh gật gù, tán thành và thực hiện đúng như vậy. Còn tôi, mỗi khi gặp chuyện gì không vui, đưa ra bàn với anh để tìm cách tháo gỡ, anh cứ ậm ừ: "Anh cũng không biết, tùy em".
Dần dà, tôi không có thói quen trao đổi những suy nghĩ và việc riêng với anh nữa. Một nỗi chán ngán về con người vô tư, vô tâm không thể nào tả được ngày càng chất chứa trong tôi.
Mẹ chồng tôi động viên: "Từ nhỏ nó đã được bố mẹ bao bọc, không phải đụng tay đụng chân vào việc gì. Lên phố học đại học, nó lại ở nhà bà dì, dì không có con nên chăm chút không khác gì ở nhà. Ra trường mọi việc lớn, nhỏ nó cũng được bố mẹ lo lót cho cả. Thế gian được vợ hỏng chồng, thôi thì con cố vậy. Nó lấy được người vợ biết cáng đáng như con mẹ cũng yên tâm". Nói rồi bà còn kể thêm, ngoài cái nhược điểm quá vô tư ra thì chồng tôi chẳng có gì đáng chê trách: Không hút thuốc, không la cà tụ tập rượu bia như phần lớn anh chồng khác bây giờ, nói năng, cư xử nhẹ nhàng, được nhiều người quý mến.
Mẹ chồng đã nói thế, tôi đành im lặng chấp nhận chứ làm sao nữa. Ngay từ những ngày mới yêu, biết anh vậy rồi nhưng tôi vẫn lựa chọn. Bởi theo tôi như thế vẫn dễ chịu hơn là lấy một người đàn ông độc đoán, gia trưởng.
Bố tôi là một người gia trưởng nên suốt mấy chục năm làm vợ, mẹ tôi gần như không được là mình, mọi đúng sai trong cuộc sống đều phụ thuộc vào cách phán xét của ông. Lúc đó, tôi thấy mẹ thật đáng thương và hy vọng cuộc đời làm vợ của mình không phải giẫm lên bước chân mẹ. Nhưng đến hôm nay, tôi mới nhận ra, làm vợ một người "khờ" như anh cũng chẳng sung sướng gì hơn.
Và tôi hiểu rằng hoặc là mình phải học cách "sống chung" với con người đó của chồng hoặc tìm cách khiến anh thay đổi. Tôi chọn cách thứ hai.
Đầu tiên, tôi tâm sự với anh nỗi khổ tâm về sự ỷ lại, mặc kệ tôi lo liệu mọi việc trong gia đình của anh lâu nay. Tôi muốn anh biết chia sẻ, cùng vợ tìm ra cách giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.
Khi gặp các tình huống bối rối hay những vấn đề lớn, tôi cố lờ đi, mặc anh tìm cách giải quyết. Mỗi khi đi công tác xa, tôi cũng không gọi điện về nhà nhắc nhở, dặn dò anh như trước nữa, dù trong lòng không mấy yên tâm.
Thỉnh thoảng, tôi lại hỏi anh việc nọ, việc kia, dù không cần thiết. Khi giải quyết việc của mình, tôi cũng tham khảo thêm ý kiến anh. Và tôi không chịu nếu anh vẫn "tùy em, anh không biết". Bất luận thế nào anh cũng phải đưa ra một giải pháp thì tôi mới buông tha. Cứ thế tôi đã kéo anh vào những công việc trong gia đình.
Thay đổi tính cách vốn ù lì của người bạn đời thật khó nhưng theo thời gian, dần dần, tôi thấy anh trưởng thành hơn, hiểu biết hơn. Và quan trọng nhất, gần đây, tôi nhận thấy anh đã ý thức được vai trò của người đàn ông trong gia đình.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)