Dây an toàn ba điểm đã có lịch sử phát triển hơn 60 năm từ khi Volvo được cấp bằng sáng chế. Hãng xe Thụy Điển thậm chí không kiện bất cứ hành vi vi phạm độc quyền sáng chế nào cũng như không tính tiền tác quyền những công ty sử dụng đai an toàn ba điểm.
Đến nay, một số hãng ôtô đã có những sáng tạo với thiết bị an toàn này, như tích hợp túi khí bên trong. Nhưng ZF - hãng cung cấp phụ tùng ôtô của Đức - lại có ý tưởng khác.

Ảnh chụp bằng camera cảm biến thân nhiệt cho thấy dây an toàn phát nhiệt khi sử dụng. Ảnh: ZF
Heat Belt (dây an toàn có sưởi) có thể ví như một chiếc ôm ấm áp. Thiết bị này chủ yếu dành cho xe điện nhằm tăng hiệu quả hoạt động trong thời tiết lạnh giá. Nhờ dây an toàn có sưởi, việc làm ấm cabin sẽ không còn cấp bách như trước đây, vì thế xe sẽ sử dụng năng lượng từ pin ít hơn.
Đây dường như chỉ là một cải biên từ những sáng tạo tương tự, như vô-lăng có sưởi. Nhưng ZF nhấn mạnh vào các con số và ước tính hành trình của một chiếc xe điện ở nhiệt độ thấp có thể tăng nhiều nhất 15% nhờ dây an toàn có sưởi.
Sử dụng nguồn điện 70 W, dây an toàn có thể sưởi ấm đến 40 độ C. Các chất dẫn nhiệt được dệt vào cấu trúc dây đai và vị trí của các yếu tố tiếp xúc cho mạch sưởi ấm được lựa chọn để không gây cản trở đối với hoạt động của dây an toàn.

Các yếu tố dẫn nhiệt được dệt cùng vật liệu làm dây đai. Ảnh: ZF
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện kiểu dây an toàn có sưởi. Cuối năm 2018, Ford từng nộp đơn xin cấp bằng sáng chế, đồng thời đăng tải bộ hồ sơ 31 trang nêu chi tiết công nghệ này hoạt động ra sao. Nhiều biến thể của ý tưởng với nhiều thiết kế khác nhau đã được thể hiện, nhưng chủ yếu giống nhau. Khoảng một năm sau, Mercedes ra mắt mẫu xe an toàn thực nghiệm ESF dựa trên GLE và có dây an toàn có sưởi.
Không rõ hiện có hãng ôtô nào có kế hoạch ứng dụng công nghệ vào thực tiễn hay chưa. Nếu có, thiết bị này dự kiến ban đầu sẽ là trang bị cao cấp trên các mẫu xe điện hạng sang.
Mỹ Anh (theo Motor1)