Phát biểu trong phiên họp của Quốc hội Anh về tình hình bất ổn đang diễn ra tại Hong Kong, ông Cameron cho biết việc người dân Hong Kong có thể được hưởng tự do và các quyền được quy định trong thỏa thuận trước khi Anh trao trả đặc khu về cho Trung Quốc năm 1997, là điều quan trọng, theo Reuters.
"Dân chủ liên quan đến những lựa chọn thực sự. Nó nói về các quyền và tự do, bao gồm quyền tự do cá nhân, tự do phát ngôn, tự do báo chí, về hiệp hội, phong trào và biểu tình. Đó là sự tự do, được đảm bảo thông qua tuyên bố chung và hơn hết, chúng ta nên ủng hộ điều đó", ông Cameron nói.
Người biểu tình Hong Kong sáng sớm nay tiếp tục đụng độ với cảnh sát khi lực lượng hành pháp tìm cách giải phóng tuyến phố ngoài tòa nhà chính quyền bị chiếm đêm trước đó. Hàng trăm cảnh sát xô xát với người biểu tình đứng bảo vệ những rào chắn được thiết lập trên đường Lung Wo gần trụ sở chính quyền đặc khu. Lực lượng an ninh phải sử dụng hơi cay để giải tán những người không chấp hành yêu cầu rời khỏi khu vực.
Trong vòng một giờ, cảnh sát đã giành lại được quyền kiểm soát con đường, tháo dỡ các rào chắn và bắt hàng chục người. Cảnh sát sau đó dàn hàng, tiến về phía người biểu tình cầm ô rồi đụng độ trực tiếp, đè một số người biểu tình xuống đất.
Đây là vụ đụng độ thứ hai diễn ra trong vòng chưa đầy một ngày. Tối 14/10, hàng chục cảnh sát chống bạo động đội mũ bảo hộ, cầm khiên, cố đẩy lùi đám đông hàng trăm người biểu tình vào cuối đường hầm trên đường Lung Wo khi họ đang cố chiếm con đường.
Phong trào biểu tình của sinh viên Hong Kong, yêu cầu chính quyền trung ương Trung Quốc cải cách quá trình bầu cử lãnh đạo đặc khu, đã kéo dài hơn hai tuần nhưng vẫn chưa đạt được kết quả nào.
Trong một video đang lan truyền rộng rãi trên mạng, các cảnh sát Hong Kong lôi một người đàn ông vào góc tường tối, đặt người này xuống dưới nền và liên tục đấm, đá. Giới chức Hong Kong cam kết sẽ điều tra khách quan về video này.
Khánh Lynh