Hai ngôi chùa này đều nằm trong khu vực sinh sống đông người Hoa tại TP HCM, kiểu kiến trúc và trang trí đậm nét Hoa.
Hội quán Tuệ Thành - chùa Bà
Chùa Bà Thiên Hậu là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của cộng đồng người Hoa Quảng Đông, gốc ở huyện Tuệ Thành (Trung Quốc).
Truyền thuyết về bà cho thấy sự linh hiển của một người phụ nữ Hoa có lòng hiếu thảo, đức hạnh. Ngưỡng mộ và thành kính bà, người Hoa lập chùa thờ để nhắc nhở các thế hệ noi gương và học tập lòng hiếu thuận đối với cha mẹ, xả thân vì mọi người.
Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1760, từ đó đến nay đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn còn giữ được phong cách của chùa Hoa từ đường nét, nghệ thuật kiến trúc, cấu tạo mặt bằng đến vật liệu xây dựng. Gạch, ngói, gốm... được mang từ vùng Nam Trung Quốc sang. Chùa gồm 3 điện thờ chính: tiền điện, trung điện và chính điện. Sát hai bên miếu là Hội quán Tuệ Thành và trường học.
Hàng năm, vào các ngày lễ Tết, mồng một và ngày vọng rằm, đặc biệt là ngày vía Bà (23/3 âm lịch), đông đảo người Hoa và cả người Việt đến chùa lễ bái.
Hội quán Nghĩa An - chùa Ông
Kiến trúc ngôi chùa mang màu sắc Trung Hoa cổ kính, có lịch sử trên 200 năm. Chùa Ông thờ Quan Vân Trường, vốn là hội quán của người Triều Châu, đã được trùng tu vào các năm 1866, 1901, 1966, 1984. Kiến trúc và trang trí ở chùa thể hiện rõ nét phong cách Trung Hoa qua thiết kế, qua các tượng, phù điêu bằng gốm trên mái ngói hay các bông hoa chạm ngược, tượng kỳ lân, diềm gỗ... trên bộ vì kèo sơn màu đỏ thắm...
Chính điện có gian thờ Quan Thánh, tượng cao 300 cm, mặc áo gấm xanh, ngồi trên ngai, đặt trong khám thờ chạm viền nhiều lớp tùng - hạc, mai - điểu, mẫu đơn - trĩ, Bát tiên giao chiến thủy quái... Đứng hầu hai bên trước bệ thờ là tượng Quan Bình và Châu Xương cao gần 200 cm, đặt trong tủ kính.
Hàng năm lễ cúng Quan Đế được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch, là lễ cúng quan trọng nhất ở chùa.
Yutaka