Bà Nguyễn Thu Hương - Tổng giám đốc Nam Huong Group là một trong hai khách mời tại tọa đàm The SACE Journey số 7, chủ đề "Đầu tư giáo dục cho con: Động lực hay áp lực?".

Tiến sĩ Thu Hương (ở giữa) chia sẻ tại tọa đàm The SACE Journey số 7, phát sóng trên VnExpress, ngày 10/5.
Theo diễn giả, cuộc đời một con người được cho là may mắn khi có nền tảng sức khỏe tốt, tri thức tốt. Bên cạnh đó là tư cách đạo đức. Nếu con có đủ ba điều đó thì có thể tự tin vào đời mà không cần lo lắng con phải có bao nhiêu tài sản. "Vì vậy việc đầu tư giáo dục cho con là ưu tiên hàng đầu và tôi rất quan tâm điều đó", bà nhấn mạnh.
Về quan điểm ngày nay nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền bạc đầu tư cho con, chi phí vượt xa khả năng kinh tế của gia đình vì cho rằng cứ đầu tư nhiều con sẽ giỏi, CEO Nam Huong Group cho rằng, nhiều phụ huynh bị áp lực con phải học trường quốc tế, đầu tư nhiều mới tốt. Điều này chưa hoàn toàn chính xác. Thay vì đầu tư đắt tiền, hãy đầu tư đúng: hiểu đúng khả năng, sở trường của con, con có điểm mạnh gì, xu hướng phát triển như thế nào và hãy cho con tham gia nhiều hoạt động cộng đồng để tự phát triển bản thân.
Bà lấy ví dụ từ bản thân, suốt những năm tháng ngồi trên giảng đường, bà đều học trường công, như THPT Phan Đình Phùng, hay ĐH Quốc gia. Đặc biệt, những năm cấp hai, cấp ba, bà được được gia đình cho tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa tại các nhà văn hóa, hoạt động cộng đồng... "Điều đó giúp tôi có nhiều kiến thức hơn là chỉ học tại trường. Vì vậy, bên cạnh đầu tư giáo dục, quá trình tự phát triển bản thân cũng rất quan trọng", diễn giả cho hay.
Đi sâu hơn vào khái niệm đầu tư đúng, nữ tiến sĩ cho biết, đó còn là đúng về khả năng tài chính. Nếu chi tiền quá khả năng, vô hình chung cha mẹ tự tạo áp lực và dồn toàn bộ áp lực đó lên con, kỳ vọng con phải có trách nhiệm học giỏi, đền đáp công ơn...
Việc đầu tư giáo dục cho con như thế nào khoa học và thông minh, bà cho rằng có nhiều quan điểm, cách thức khác nhau về đầu tư giáo dục cho con, tùy theo mục tiêu cũng như tiềm năng tài chính của từng gia đình. Nữ tiến sĩ lấy ví dụ, nếu gia đình có thu nhập ổn định, môi trường quốc tế giúp con có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nền tảng tri thức của thế giới.
Những gia đình không dư dả, cách đầu tư giáo dục tốt nhất cho con là dành nhiều thời gian hơn cho con. Nếu như ở trường thầy cô dạy kiến thức chung như nhau, thì sự khác biệt con có được so với các bạn là từ sự truyền thụ của gia đình và môi trường xung quanh. Cụ thể, nếu con có những người bạn tốt - trong nền tảng giáo dục tốt thì thì con sẽ tích hợp thêm được kiến thức từ bạn. Ở nhà, con có thể học từ người thân thông qua môi trường gia đình, cách ứng xử chuẩn mực của cha mẹ.
Ngoài ra, những ai mong mỏi cho con học môi trường trường tốt mà điều kiện kinh tế chưa đáp ứng thì có thể tìm hiểu các gói đầu tư tài chính giáo dục.
Với Tiến sĩ Thu Hương, bên cạnh đầu tư vào môi trường giáo dục cho con, bà còn dành ngân sách cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng mềm. Theo bà, thời gian học tập tốt nhất của con là khi còn nhỏ, vì vậy bà sẽ không cân đo đong đếm hay suy tính quá nhiều.
Dưới góc nhìn của một người mẹ, nữ tiến sĩ cũng khẳng định bản thân chưa bao giờ nghĩ đầu tư cho con thì tương lai mình sẽ sinh lời thế nào và chưa bao giờ thử tính đầu tư như vậy con phải trả lại gì. Điều quan trọng nhất khi bà chi tiền cho con học, là để con có thể tự đứng trên đôi chân của mình phát triển sự nghiệp và khám phá cuộc sống, trở thành công dân có ích cho xã hội.
"Mục đích đầu tư giáo dục cho con của tôi không phải để con trở nên giỏi hơn người khác hay lấy điểm số, mà là quá trình hướng con biết cách thưởng thức cuộc sống thú vị hơn, vui vẻ và hạnh phúc", bà nói.
Bà nhận thấy giá trị con đem lại cho cha mẹ nhiều nhất là hành trình trải nghiệm làm cha làm mẹ được chứng kiến "sản phẩm" của mình từ A-Z. "Đó là sự tự hào, niềm hạnh phúc và cũng là cái lời nhiều nhất khi đầu tư cho con", diễn giả cho hay.

Tiến sĩ Thu Hương khuyên các bạn trẻ trước khi làm cha mẹ hãy tham gia khóa học làm cha mẹ chuyên nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tại tọa đàm, diễn giả cũng chia sẻ cách giúp con thấu hiểu và đồng hành cùng cha mẹ trong cuộc đầu tư cho giáo dục: nghệ thuật truyền thông trong gia đình và kế hoạch tài chính của gia đình. Đơn cử, thay vì né tránh, bà chọn cách chia sẻ về tài chính với con như những người bạn, cho các con biết được chi phí học tập ở trường quốc tế như thế nào, để các con có trách nhiệm trong việc học. Nữ tiến sĩ cũng có xu hướng để các con biết sớm về tài chính, tổng thu, chi của gia đình, làm sao đến ngưỡng cửa đại học con có khái niệm cơ bản về tài chính.
"Từ khi may mắn làm mẹ đến nay, tôi thấy điều tuyệt vời và quan trọng nhất là có cơ hội được học làm cha mẹ chuyên nghiệp. Gặp bất cứ cô gái trẻ nào đang mang bầu, tôi đều khuyên họ hãy trang bị kiến thức làm cha mẹ chuyên nghiệp chứ không phải theo kinh nghiệm hay cảm hứng vì chúng ta phải có trách nhiệm lớn với con và cần có kiến thức để nuôi dạy được con", nữ tiến sĩ nhấn mạnh.
Phụ huynh cũng có thể tìm đọc những cuốn sách đáng tin cậy, hay sinh hoạt trong môi trường của những ông bố, bà mẹ có kinh nghiệm đi trước và được học bài bản, có những trường hợp cụ thể nuôi dạy con thành công, thì hành trình làm cha mẹ sẽ nhiều nhiềm vui, hạnh phúc chứ không phải tràn nước mắt.
Nguyễn Phượng