Ngày 13/1, Bệnh viện Chợ Rẫy tại Phnom Penh, quy mô 200 giường bệnh, vốn đầu tư 38 triệu USD đã đi vào hoạt động. Đây là công trình đầu tiên về hợp tác đầu tư giữa hai nước Việt Nam – Campuchia trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, vướng mắc bắt đầu nảy sinh khi sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, các cổ đông tham gia Công ty cổ phần Đầu tư Y tế Sài Gòn (MECO) - chủ đầu tư - vẫn chưa chịu góp đủ vốn để triển khai giai đoạn I.
Câu chuyện nằm ở chỗ MECO có 8 cổ đông, nhưng lại có tới 5 người đến từ công ty TNHH MTV Nhà nước do UBND TP HCM làm chủ sở hữu. Số này bao gồm Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM và các Tổng công ty Thương mại Sài Gòn như Du lịch Sài Gòn, Nông nghiệp Sài Gòn và Xây dựng Sài Gòn. Y tế lại là lĩnh vực đầu tư ngoài mảng kinh doanh chính của các công ty này.
Theo Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng phê duyệt, các công ty này phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước năm 2015. Thoái vốn còn chưa xong, đương nhiên không doanh nghiệp nào muốn tiếp tục thực hiện nghĩa vụ góp vốn vào MECO.
Một câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại Tổng công ty Sông Đà khi các cổ đông không góp vốn để thực hiện các dự án thủy điện tại Lào như cam kết. Để đầu tư các dự án thủy điện tại Lào, Sông Đà đã góp 49% vốn vào Công ty cổ phần Điện Việt - Lào.
Các cổ đông khác trong công ty này là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Tài chính Dầu khí, Chứng khoán BIDV, Đô thị Sông Đà, Bảo hiểm Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Kinh tế khó khăn khiến vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước bị hạn chế, lại thêm yêu cầu của Chính phủ về việc thoái vốn ngoài ngành nên trừ Sông Đà, các cổ đông khác đã ngừng ngay việc góp vốn. Hệ quả là có dự án đã giải ngân hàng tỷ đồng phải dừng thi công và một số dự án lớn khác đang phải xem xét lại do không có vốn để triển khai.
Trước thực tế này, sau nhiều cuộc họp liên ngành, thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết các cơ quan chức năng đã đề nghị Thủ tướng cho phép các cổ đông được tiếp tục góp vốn để triển khai thực hiện một số dự án đã cam kết đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các cổ đông cũng không còn mặn mà tham gia dự án và hậu quả là một mình Sông Đà phải chịu trận.
Trong khi đó, với Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh, UBND TP HCM mới đây cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét tạo điều kiện để các cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước được tiếp tục góp vốn vào MECO. Theo lãnh đạo TP HCM, các nhà đầu tư được UBND giao thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên.
“Việc 5 công ty phải thoái vốn theo nguyên tắc thị trường trước năm 2015 là rất khó thực hiện và ảnh hưởng đến công tác vận hành bệnh viện, cũng như tiến độ góp vốn và triển khai thực hiện giai đoạn II của Dự án”, một lãnh đạo UBND TP HCM lý giải.
Khó chồng khó, giai đoạn I cổ đông cũ còn chưa góp vốn xong, sang giai đoạn II TP HCM lại chưa thể tìm được nhà đầu tư thay thế nên buộc phải dừng thi công, tiến độ chậm so với cam kết.
Liên quan đến dự án này, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhất trí với kiến nghị của UBND TP HCM về việc cho phép 5 cổ đông được tạm thời tiếp tục góp vốn giai đoạn I để duy trì hoạt động của bệnh viện. Đồng thời, nghiên cứu chuyển vốn về những doanh nghiệp Nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp.
“Chủ trương thoái vốn ngoài ngành là rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn nếu có thêm giải pháp để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư đối với một số dự án đầu tư quan trọng, mang tính chiến lược”, một lãnh đạo của Cục Đầu tư nước ngoài bày tỏ quan điểm.
Theo Báo Đầu Tư