Trong talk Nguy - Cơ số 29, ông Thịnh nhận định rằng điểm mấu chốt tạo nên sự thành công và khác biệt của một doanh nghiệp nằm ở tầm nhìn, định hướng của lãnh đạo cấp cao. Có tầm nhìn, định hướng rồi, làm sao để đưa tổ chức của mình đi xa, phát triển vững mạnh theo đúng những gì đã hoạch định lại càng khó hơn nữa.
Với thương mại điện tử, trải nghiệm của khách hàng được tối ưu hóa là nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng nhất. "Làm sao để tiếp nhận và giải quyết hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đơn hàng trong ngày một cách nhanh nhất với chi phí rẻ nhất, dịch vụ tốt nhất" là bài toán từng khiến vị CLO Lazada Việt Nam trăn trở hàng đêm, trước khi cùng doanh nghiệp bước đến vị thế tiên phong trong ngành logistics thương mại điện tử của ngày hôm nay.
Đầu tư logistics - nền tảng của phát triển bền vững
"Sự phát triển là cái tất cả chúng ta đều muốn hướng tới. Nhưng một điều rất quan trọng mà các doanh nghiệp cần lưu ý đó là phát triển phải luôn đi kèm với bền vững thì mới đảm bảo được lợi ích cho mọi người", vị lãnh đạo nhận định.
Với Lazada, hoạch định phương hướng phát triển bền vững luôn là tôn chỉ xuyên suốt toàn bộ hoạt động trong nhiều năm qua của doanh nghiệp. Nhưng làm sao để doanh nghiệp vận hành trơn tru, đảm bảo việc làm cho tất cả nhân viên và lợi ích của các đối tác mới là thứ khó nhất.
Theo ông Vũ Đức Thịnh, đầu tư cho logistics không chỉ phục vụ cho doanh nghiệp mà còn là đầu tư cho sự phát triển bền vững trong tương lai của thương mại điện tử. Đó là lý do Lazada không chỉ đầu tư rất nhiều vào logistics mà còn rất dài hạn.
Lấy ví dụ từ bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu năm ngoái, ông Thịnh cho biết Lazada không chỉ đạt mức tăng trưởng ngoài mong đợi mà còn giữ việc cho tất cả nhân viên, đồng thời đảm bảo kinh doanh cho hàng trăm nghìn nhà bán hàng. Thành công đó đến từ sự kiên định với mục tiêu phát triển hạ tầng logistics tại Việt Nam. Đồng thời cũng khẳng định rằng tôn chỉ phát triển bền vững dựa trên nền tảng logistics lâu dài của doanh nghiệp thương mại điện tử này là đúng đắn.
"Trong khi người người, nhà nhà hạn chế ra ngoài vì chỉ thị giãn cách xã hội thì các nhân viên giao hàng ngày ngày vẫn phải rong ruổi khắp nơi. Nhân viên logistics vẫn phải tới các kho, trung tâm phân phối đầu - cuối làm việc. Nhưng bù lại, họ có nguồn thu nhập ổn định. Không chỉ thế, họ còn tạo được công ăn việc làm cho những nhân viên cấp dưới. Đó chính là ý nghĩa và cái cần thiết của logistics trong bối cảnh hiện nay", ông Vũ Đức Thịnh đề cập.
Tự hào là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực logistics thương mại điện tử nhiều năm qua, Lazada vẫn không ngừng đầu tư và sẽ tiếp tục tận dụng thế mạnh này, từ đó thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp. Những năm qua, Lazada Logistics đã có những bước tiến vượt bậc, tiên phong thực hiện những chiến dịch hướng đến phát triển bền vững, tạo tiền đề cho nhiều doanh nghiệp nối gót đi theo.
Chính ông Vũ Đức Thịnh là người đứng sau ý tưởng dùng xe đạp điện giao hàng và được cấp bằng sáng chế cho ý tưởng vì môi trường này. Lazada cũng là doanh nghiệp đầu tiên đưa xe đạp điện vào dây chuyền vận hành logistics, góp phần thể hiện cam kết phát triển bền vững của Lazada trong lĩnh vực thương mại điện tử nói chung và lĩnh vực logistic cho thương mại điện tử nói riêng.
Tính đến hiện tại, toàn địa bàn TP HCM có khoảng gần 100 xe đang hoạt động. Lazada vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị khác nhằm đưa ra những sản phẩm, phương tiện xanh tốt hơn, mở rộng khu vực áp dụng. Ý tưởng dùng xe đạp điện giao hàng xuất phát từ việc ngày càng có nhiều bạn shipper (nhân viên giao hàng) đang hoạt động ngoài đường. Nếu có thể chuyển những chiếc xe máy bình thường thành phương tiện xanh sẽ góp phần giúp hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tiên phong kiến tạo hệ sinh thái thương mại điện tử
Theo Tổng giám đốc Logistics Lazada Việt Nam, để doanh nghiệp thương mại phát triển bền vững trong thời đại hiện nay, cần hội tụ nhiều yếu tố. Thứ nhất, Lazada luôn xác định logistics là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh. Thứ hai, Lazada cam kết đầu tư công nghệ thông tin, tự động hóa, đồng thời lấy con người làm trung tâm, phát triển theo hướng xanh và bền vững.
Tuy nhiên chỉ một doanh nghiệp phát triển bền vững thôi thì chưa đủ. Ông Vũ Đức Thịnh cho biết những điều mà Lazada luôn mong muốn và sẽ hướng đến trong tương lai là tạo ra một hệ sinh thái riêng cho ngành thương mại điện tử. "Đó không chỉ là lãnh địa của riêng chúng tôi mà sẽ là nơi để tất cả nhà bán hàng và người mua hàng từ các nền tảng thương mại điện tử nói chung thoải mái phát triển, dựa trên cam kết xanh và bền vững mà Lazada đã gầy dựng nên".
Thương mại điện tử là ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và nhanh chóng, đặc biệt tại thị trường Việt Nam. Để đáp ứng được tốc độ đó, logistics cần thay đổi không ngừng và ngày một hoàn thiện hơn. Tuy nhiên đây lại là một lĩnh vực khá mới và còn nhiều khía cạnh chờ được khai phá. Bản thân vị CLO Lazada Việt Nam cũng thừa nhận rằng dù đã có 20 năm kinh nghiệm trong nghề, song ông vẫn cảm thấy mỗi ngày đi làm đều học được những thứ mới mẻ.
"Đến thời điểm hiện tại, thật sự thì những gì chúng ta quan sát và nhìn nhận về logistics cho thương mại điện tử vẫn chưa là gì so với nhu cầu thực tế của thị trường", ông Vũ Đức Thịnh cho biết. "Trung bình mỗi ngày Lazada tiếp nhận hàng chục nghìn đơn hàng, thậm chí lên đến hàng triệu mỗi khi có chiến dịch. Thế nhưng sẽ đến lúc con số này chạm mốc vài chục triệu đơn, lúc đó hệ thống logistic sẽ có 'diện mạo' hoàn toàn khác so với những gì chúng ta đang thấy".
Kể về quá trình xây dựng hệ thống logistic cho Lazada, vị CLO nhận định đó là một hành trình dài hơi và cần sự kiên định, không ngừng đổi mới với những sáng kiến mỗi năm mà vẫn đảm bảo doanh nghiệp vận hành với tốc độ tăng trưởng cao nhất. Đó là đặc thù của thương mại điện tử và Lazada cũng thế.
"Tốc độ tăng trưởng của Lazada luôn nhanh và nhanh hơn nhiều so với các ngành truyền thống. Một trong những điều quan trọng của logistic trong thương mại điện tử là phải làm sao đáp ứng được tốc độ tăng trưởng đó", ông Thịnh cho biết.
Thy An