Ông Vũ Hồng Minh, Giám đốc TRANSMED - đơn vị về thiết bị phân tích hóa học tại Việt Nam, cho biết để nâng cao chất lượng nông sản và hàng hóa sản xuất trong nước, cần có sự hỗ trợ của những trung tâm kiểm nghiệm uy tín, đạt chất lượng quốc tế và gói giải pháp toàn diện, đa lĩnh vực.
"Đây cũng chính là lý do thôi thúc chúng tôi liên kết với Agilent Technologies để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Indochina Center of Excellence, nâng cao chất lượng phân tích hóa học, đem đến giải pháp hoàn thiện cho các doanh nghiệp Việt Nam", ông nói thêm
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Indochina Center of Excellence có vốn đầu tư bước đầu lên đến 2 triệu USD và được bảo trợ bởi 2 đơn vị giàu kinh nghiệm ở lĩnh vực thiết bị thí nghiệm trong và ngoài nước: Agilent Technologies, TRANSMED. Với hệ thống thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới và đội ngũ kỹ thuật viên chuyên môn cao, trung tâm đem đến giải pháp hoàn thiện trong nhiều lĩnh vực phân tích kiểm nghiệm.
Nơi đây đào tạo và chuyển giao các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại trong kiểm nghiệm thực phẩm, môi trường, dược phẩm và pháp y; phát triển các phương pháp phù hợp cho nhu cầu kiểm nghiệm thực phẩm, hàng hóa xuất khẩu và sử dụng trong nước. Đơn vị cũng cung cấp các giải pháp đồng bộ trong xét nghiệm hàng hóa.
Ngoài ra, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư phòng xét nghiệm kiểm soát chất lượng (QC Lab). Nghiên cứu các đề tài khoa học phục vụ các doanh nghiệp và dân sinh.
Các lĩnh vực xét nghiệm chính của trung tâm: dư lượng thuốc trừ sâu, kháng sinh, các độc chất vi nấm; nước thải, khí thải, chất độc hại trong môi trường; kiểm nghiệm và quản lý dữ liệu trong dược phẩm; chất lượng nước, đồ uống có cồn (rượu, bia). Thực hiện các nghiên cứu y sinh, phục vụ xét nghiệm trong chẩn đoán, chữa trị bệnh và đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm, môi trường, y dược của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu trong tháng 3 đạt 70 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 3 tháng đầu năm lên 192 triệu USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện nay thị trường có khoảng 1.700 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với khoảng 4.080 tên thương phẩm. Dư lượng chất bảo vệ thực vật xuất hiện trong thực phẩm khiến người dùng tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng, hen suyễn, ung thư, giảm khả năng sinh sản...
Không chỉ tác động xấu đến sức khỏe người dân, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng khiến ngành xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Điển hình như tại Nhật Bản - thị trường lớn thứ 4 của rau quả xuất khẩu Việt Nam, trong vòng 4 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng của nước này đã kiểm tra và phát hiện nhiều lô hàng nông sản từ Việt Nam (thanh long, rau xanh) nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Với vi phạm này, Nhật Bản dự kiến áp lệnh kiểm tra 100% đối với sản phẩm của công ty vi phạm đồng thời tăng cường kiểm tra chung các mặt hàng cùng chủng loại từ Việt Nam.
Hoài Nhơn