Quang Minh, Đăng Tùng và Phạm Đông thân nhau từ khi học đại học bởi nhiều điểm chung, trong đó có đam mê chứng khoán. Cũng vì chung sở thích và một chút ganh đua của những chàng trai chưa 30 tuổi, năm nào ba người họ cũng có một thông lệ là tổng kết lại danh mục của nhau.
Minh trầm tính nhất trong cả ba nhưng lại là người có cách đầu tư "cởi mở" nhất. Cậu không có nguyên tắc hay một phương pháp nhất định mà đầu
tư theo "sóng", theo xu hướng dòng tiền, nhiều khi quyết định chỉ đơn giản là nghe ngóng trên các hội nhóm, từ người quen. Yếu tố cơ bản, trong
trường hợp này, chỉ được cậu dùng sau khi đã xuống tiền, để thuyết phục bản thân rằng đà tăng của cổ phiếu là "hợp lý".
Trái với Minh, Đông chỉ tin vào yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, vào những chỉ số tài chính, định giá và dự phóng tăng trưởng. Một cổ phiếu
tốt, với Đông, phải là của một doanh nghiệp có nền tảng tốt. Đông tạo ra một bộ lọc về các chỉ số trước khi đầu tư. Chỉ khi nó đáp ứng đủ tiêu
chí, cậu mới đưa vào "watchlist".
Tùng thì tự nhận mình là một "tín đồ" của phân tích kỹ thuật, đầu tư dựa trên đồ thị giá với chằng chịt các đường chỉ báo khác nhau. Cậu không
quan tâm tới đầu cơ hay cơ bản, chỉ cần đồ thị cho điểm mua là lập tức xuống tiền.
Năm 2020, thứ hạng về lợi nhuận từ cao tới thấp lần lượt là Đông - Tùng - Minh, thì năm 2021 bảng xếp hạng đảo ngược. Danh mục của Minh -
người lãi nhất khiến cả nhóm tranh cãi nhiều nhất.
Tài khoản của Minh gần như đứng im trong nửa đầu năm vì bỏ lỡ con sóng ngân hàng và thép, nhưng bù lại trong quý III, nhờ pha đầu tư vào giữa sóng tăng của nhóm cổ phiếu họ Louis đã tăng rất nhanh. Càng về cuối năm Minh đầu tư càng thăng hoa với nhóm mid-cap và penny bất động sản, những mã xuất hiện liên tục trên các hội nhóm, diễn đàn về chứng khoán, như PXI, PXL, DST, HQC, ROS, ITA, đặc biệt là DIG và CEO.
Minh vào CEO lần đầu trong nhịp điều chỉnh ở vùng giá 30.000 đồng, bất chấp lời can ngăn của hai người bạn. Cậu bỏ qua cơ hội chốt lời ở vùng đỉnh 45.000 đồng, rồi phải bán vội khi mã này rơi về gần 38.000 đồng. Tuy nhiên, thấy CEO bật cao trở lại, Minh lại mua đuổi và lần này, cậu vẫn thu về gần 40% lợi nhuận khi chốt lời quanh ngưỡng 70.000 đồng. Nếu không tin lời những hội nhóm ca tụng "món quà của chúa" để rồi đu đỉnh SJF trên 21.000 đồng, tài khoản của Minh có lẽ còn tăng cao hơn nữa.
Ngược lại, Đông - người lãi cao nhất trong năm 2020 - năm 2021 chỉ đạt mức sinh lời chưa tới 20%. Triết lý đầu tư theo giá trị giúp Đông đón được con sóng bluechip nửa đầu năm, nhưng gần như bỏ qua toàn bộ diễn biến thị trường trong hai quý còn lại. Thậm chí, cậu còn lỗ trong ba tháng gần nhất khi đặt niềm tin vào HPG.
Đông vào HPG ở vùng giá 53.000 đồng vào đầu tháng 10 với kỳ vọng "đại gia" ngành thép sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ hưởng lợi nhờ làn sóng đầu tư công, cũng như vị thế đứng đầu thị trường. Cậu không chốt lời khi mã này vượt 58.000 đồng vì mức lợi nhuận chưa đạt kỳ vọng, rồi tiếp tục nắm giữ dù mã này lao dốc. Từ mức lãi gần 10%, đến cuối năm, khoản đầu tư vào HPG giảm hơn 12%.
Phân tích kỹ thuật có thể không phải là phương pháp thuộc về số đông, nhưng những gì Tùng, người còn lại trong ba bạn trẻ, trải qua lại là đại
diện tiêu biểu cho vế nuối tiếc của phần lớn nhà đầu tư vừa qua, với mức tăng trưởng hai con số nhưng chưa đủ để thỏa mãn.
Danh mục của Tùng trong cả năm nay không thiếu những mã tăng bằng lần, thậm chí còn nhiều hơn Minh, nhưng cậu chưa ăn được trọn con sóng nào, chỉ lãi được 20-30% mỗi nhịp với một phần nhỏ tỷ trọng, thậm chí vài lần còn lỗ vì nhiều mã mua đuổi, bán chậm.
Tranh cãi nổ ra khi Đông, người chỉ tin vào giá tri nội tại, cho rằng thành công của Minh chỉ là "may mắn", dựa trên sự FOMO - tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội - của thị trường. Một doanh nghiệp lỗ bốn quý liên tiếp như CEO không thể được đưa vào "watchlist". Bị nói là "ăn may", Minh phản bác, cậu cho rằng đó là một trường phái đầu tư có cơ sở chứ không phải hên xui, cậu tin vào triển vọng của doanh nghiệp này chứ không phải giá trị hiện tại của nó.
Tranh cãi của nhóm bạn trẻ cũng thể hiện rõ hơn sự lệch pha của hai trường phái đầu tư: giá trị và tăng trưởng.
Đầu tư giá trị là việc chọn cổ phiếu của những doanh nghiệp tốt nhưng thị giá thấp hơn giá trị thực của nó. Nhà đầu tư theo trường phái này tin rằng, giá cổ phiếu sẽ tăng và trở về đúng giá trị của cổ phiếu và nhờ đó họ có lãi. Warren Buffett là một huyền thoại của phong cách này.
Ngược lại, trường phái "đầu tư tăng trưởng" lại tập trung vào mua cổ phiếu của công ty đang giao dịch với giá cao hơn so với giá trị nội tại hiện nay của chúng. Các nhà đầu tư tin rằng, giá trị thực sẽ phát triển và do đó vượt quá định giá hiện tại.
Thực tế, kết quả khảo sát về những cổ phiếu tác động nhất trong năm 2021 VnExpress vừa thực hiện với gần 4.000 độc giả cũng phản ánh rõ nét nhiều thay đổi trong "gu đầu tư" của thị trường năm qua. Trong cuộc khảo sát này, mỗi độc giả đã chọn ra 3 cổ phiếu, lần lượt là mã chứng khoán đã giúp họ lãi nhất; mất tiền nhiều nhất và để lại cho họ nhiều tiếc nuối nhất trong năm. Kết quả như sau:
Trong Top 20 các cổ phiếu được chọn nhiều nhất ở cả ba hạng mục trên, điểm khác biệt với nhiều năm trước là sự lấn lướt của nhóm cổ phiếu mid-cap và penny ở hạng mục "lãi nhất" như DIG, CEO, ROS... Các cổ phiếu bluechip, những cái tên theo trường phái có giá trị nội tại tốt lại bị nằm ở hạng mục "cổ phiếu làm mất tiền nhiều nhất" như HPG, VNM, CTG, TCB, MBB...
Phân tích sâu hơn giá các cổ phiếu trong nhóm được bình chọn "lãi nhất" và "để lại nhiều nuối tiếc nhất" với lợi nhuận của họ lại cho ra một
kết quả thú vị khác.
DIG - "quán quân" sinh lời theo kết quả bình chọn của gần 4.000 nhà đầu tư, lợi nhuận cũng chỉ tăng trưởng vượt dương một chút. CEO, CII - hai mã nằm trong Top những cổ phiếu giúp nhà đầu tư lãi nhất thậm chí còn góc phần tư bên trái, trên cùng của đồ thị, tức giá cổ phiếu tăng "khủng" nhưng lợi nhuận lại tăng trưởng âm. CEO cũng chính là "ba chữ cái" khiến nhiều nhà đầu tư nuối tiếc nhất, tiếc vì đã "xuống tàu" quá sớm, không lãi nhiều nhưng còn tiếc vì đã không dám vào khi nhìn kết quả kinh doanh này.
Có một thực tế trong năm vừa qua, càng là những F0, những người không có kinh nghiệm, khả năng lợi nhuận lại càng cao. Còn những người đã trải qua thăng trầm thị trường, càng phân tích nhiều, càng khó ăn được những con sóng cuối năm.
Nếu chọn một điều bất thường trong năm vừa qua, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, là sự thay đổi trong quan điểm về quy luật đầu tư. Trước đây đầu tư chứng khoán thường được gắn với quy luật giá trị, nhưng năm vừa qua là sự lên ngôi của quy luật cung - cầu.
Nhìn vào biến động giá cổ phiếu có thể thấy một thực tế là những mã kém tích cực nhất năm nay, đa phần là bluechip, có khung biến động rất
hẹp, trong khi các mã mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, chủ yếu là mid-cap, có mức tăng tính bằng lần. Đáy của FRT, DIG trong năm nay chỉ quanh
ngưỡng 20.000 đồng, nhưng cuối năm vọt lên hơn 100.000 đồng. VND ghi nhận mức thấp nhất là hơn 13.000 đồng trong khi cao nhất hơn 86.000 đồng,
còn CEO thậm chí mức thấp nhất của năm 2021 chưa tới 8.000 đồng.
Không riêng CEO hay DIG, những người theo trường phái giá trị, như Đông, cũng bất lực khi tìm cách lý giải những cổ phiếu tăng hàng chục lần
mà kết quả kinh doanh thua lỗ, như trường hợp ATA - cổ phiếu đứng đầu về biên độ tăng của hai sàn niêm yết và thị trường UPCoM trong năm 2021. Mã
này chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần và thua lỗ nhiều năm liên tiếp nhưng cổ phiếu năm ngoái tăng 20 lần từ 200 đồng lên 4.300
đồng.
Một điều đáng ngạc nhiên năm qua là trong nhóm những nhà đầu tư mới, một phần không nhỏ là thế hệ gen Z, họ không hề quan tâm P/E hay P/B là
gì. Thay vào đó, họ đi tìm cổ phiếu giá rẻ, bất chấp quy luật giá trị. Kết quả là nhiều cổ phiếu dù nội tại gặp vấn đề nhưng thị giá vẫn tăng phi
mã.
"Nhà đầu tư không còn quan tâm công ty tốt hay xấu, họ chỉ quan tâm chứng khoán họ mua có kiếm lợi nhuận nhanh hay không", ông Trần Lê Minh, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Công ty Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam bình luận.
"Nếu nói về điểm bất thường năm vừa qua thì có lẽ là sự tăng trưởng dựa trên đóng góp của nhiều người là nhà đầu tư F0, của hiệu ứng FOMO và nỗi sợ lớn nhất không phải thua lỗ mà là sợ lỡ cơ hội kiếm tiền".
TS Quách Mạnh Hào, Giảng viên ngành tài chính – ngân hàng tại Đại học Lincoln (Anh) thì cho rằng, một phần nguyên nhân khiến những nhà đầu tư mới chấp nhận mức rủi ro cao hơn là do họ chưa từng trải qua những thăng trầm của thị trường trước đó, họ "không biết sợ". Vì thế, lớp nhà đầu tư này thường rót tiền với tâm thế chấp nhận rủi ro cao.
Trở lại với câu chuyện về quan điểm đầu tư, sau gần hai giờ đồng hồ tranh luận, Minh và Đông vẫn chưa tìm tiếng nói chung. Minh vẫn giữ quan
điểm "thị trường không có cổ phiếu tốt hay xấu, chỉ có cổ phiếu giúp nhà đầu tư kiếm tiền và mất tiền".
"Một doanh nghiệp tốt mà không giúp nhà đầu tư có lợi nhuận thì đó không hẳn đã là một cổ phiếu tốt", Minh nói.
Năm tới, cậu cho biết vẫn giữ quan điểm sẽ theo đuổi dòng tiền thị trường. Tiền chảy vào nhóm nào, dù cơ bản hay đầu tư, cậu sẽ đi theo. Có thể mua đuổi giá cao, có thể gặp rủi ro đu đỉnh, nhưng Minh cho rằng đây vẫn là một cách tốt để đạt lợi nhuận cao.
Đông thì ngược lại, không đồng tình.
Cổ phiếu dù tăng mạnh, nhưng theo cậu, sớm muộn cũng trở lại gần với giá trị thực. Đà tăng sẽ không thể bền vững nếu nội tại doanh nghiệp không có chuyển biến. Một doanh nghiệp lỗ nhiều quý liên tiếp vẫn được thị trường đặt kỳ vọng cao, theo Đông, nếu không tạo ra những bất ngờ trong quý cuối năm và năm tới, rủi ro đảo chiều sẽ rất lớn.
Mặc dù chịu lỗ vì HPG, Đông cho biết vẫn đặt niềm tin vào nhà sản xuất thép đứng đầu thị trường. Cậu sẽ mua thêm để trung bình giá nếu mức lỗ chạm ngưỡng 15%, còn nếu cổ phiếu tăng trở lại, việc chốt lời sẽ được thực hiện nếu lợi nhuận đạt 20-30%. Với quan điểm của Đông, dù có thể không đột biến, nhưng tính an toàn với những mã cơ bản vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Còn với Tùng, dù nuối tiếc vì nhiều cơ hội gia tăng lợi nhuận nhưng cậu cho rằng sẽ tốt hơn nếu biết mức lợi nhuận thế nào là đủ. "Lời ít hay lời nhiều điều quan trọng là vẫn có lời. Chốt lời trong chứng khoán không bao giờ là sai", Tùng nói.
Minh Sơn - Phương Đông