Chủ trương quy hoạch phát triển Thành phố hai bên bờ sông Hồng
Quy hoạch phát triển thành phố hai bên bờ sông Hồng đang trong quá trình nghiên cứu và triển khai. Theo quyết định 1259, khu vực hai bên Sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn để tổ chức những sự kiện có ý nghĩa của Thủ đô.
Cũng nằm trong quyết định này, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh. Trong đó, phía Bắc tới khu vực Mê Linh, Đông Anh và phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên cũng nằm trong khu vực đô thị trung tâm.
Hàng loạt các hệ thống trung tâm dịch vụ thương mại, khu đô thị lớn sẽ được xây dựng tại khu vực Bắc và Đông Bắc thủ đô như trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia quy mô 90 ha sẽ được xây dựng tại Đông Anh (trung tâm cũ tọa lạc tại Giảng Võ, Ba Đình); Công viên Kim Quy; nâng tầm khu di tích Cổ Loa; Khu đô thị thông minh của BRG; Vinhomes Cổ Loa...
Dấu hiệu tăng trưởng đến từ các cây cầu
Các dự án cầu nối hai bờ sông là dấu hiệu cho sự phát triển Thành phố hai bên bờ sông Hồng. Theo quyết định số 519 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ có tổng cộng 18 cây cầu bắc ngang sông Hồng.
Bên cạnh các cây cầu hiện hữu, Hà Nội sẽ xây mới hàng loạt các cầu như: Cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Mễ Sở, cầu Hồng Hà...
Trong đó, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã được khởi công vào ngày 9/1. Trong giai đoạn này, cầu tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc.
Đồng thời, Hà Nội cũng sẽ chủ trương xây mới 4 cây cầu bắc qua sông Đuống, đoạn đi qua thành phố gồm: cầu Đuống 2, cầu Ngọc Thụy, cầu Giang Biên và cầu Mai Lâm.
Trong đó, cầu Đuống 2 bắc qua sông Đuống thuộc địa bàn quận Long Biên và huyện Gia Lâm, kết nối trực tiếp với địa bàn tỉnh Bắc Ninh, hỗ trợ giảm tải áp lực giao thông cho 3 cây cầu hiện tại là cầu Đông Trù, cầu Đuống, và cầu Phù Đổng. Như vậy, khoảng cách từ Bắc Ninh tới các quận trung tâm nội đô sẽ được giảm đáng kể, thậm chí gần hơn so với một số địa điểm thuộc ngoại thành.
Theo các chuyên gia, các cây cầu mới kết nối trực tiếp các khu vực trung tâm Thủ đô và các tỉnh thành phía Bắc và Đông Bắc sẽ góp phần giảm tải cho cầu cũ, là động lực để tạo đà cho bất động sản khu vực này.
Điểm sáng từ bất động sản Từ Sơn, Bắc Ninh
Đứng trước cơ hội đến từ làn sóng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc, đặc biệt trong dịch Covid-19, bất động sản công nghiệp đang được các nhà đầu tư quan tâm. Về phía Đông Bắc Hà Nội, Bắc Ninh là một trong những điểm sáng khi nằm ngay cửa ngõ Đông Bắc thủ đô.
Bắc Ninh kết nối dễ dàng tới cảng hàng không, cảng biển và cửa khẩu đường bộ. Tỉnh ở hữu nhiều khu công nghiệp lớn như Hanaka, Tiên Sơn, Quế Võ, Yên Phong, Đại Đồng... với nhiều nhà máy của các thương hiệu nổi tiếng như SamSung (Hàn Quốc), Canon (Nhật Bản), Foxxconn (Đài Loan).
Theo thống kê, hiện có hơn 11 nghìn người nước ngoài từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đang làm ăn sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Là một trong địa phương thu hút vốn FDI lớn tại miền Bắc, Bắc Ninh dự kiến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022 theo quyết định số 558 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Là một trong hai trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục của Bắc Ninh, cũng là thị xã duy nhất của tỉnh, Từ Sơn tiếp giáp trực tiếp với Hà Nội tại vùng phát triển trọng điểm. Thị xã này cách trung tâm Hà Nội chỉ 18km và 25km tới Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.
Mang lợi thế vị trí kết nối thuận lợi, bất động sản Từ Sơn hưởng tiềm năng đúp từ cả quy hoạch Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và quy hoạch phát triển mở rộng thủ đô.
Nhiều chuyên gia đánh giá, bất động sản tại Từ Sơn nói riêng và Bắc Ninh nói chung có tiềm tăng gia tăng giá trị tương lai gần.
Phạm Mây