Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam mới đây cho thấy, trong quý I, số sản phẩm đất nền được mở bán là 5.800, chỉ đứng sau số lượng căn hộ chung cư. Một vài khu vực tại Hoà Bình, Hà Nội như Sóc Sơn, Đan Phượng, Thạch Thất và Quốc Oai, ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về lượng khách hàng quan tâm với đất nền so với quý IV/2019.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, đất nền nằm trong mức giá 500 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hiện vẫn được quan tâm ở phía Bắc. Những lô đất nền sở hữu vị trí đẹp, giá hợp lý, đáp ứng khả năng tài chính, nhu cầu thực để ở và đầu tư trong dài hạn của số đông vẫn có giao dịch, dù thị trường đang giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, tại thị trường TP HCM, báo cáo quý I của DKRA Việt Nam cho thấy, đất nền - phân khúc hấp dẫn nhất với giới đầu tư – ghi nhận lượng tiêu thụ giảm tới 77% so với quý IV/2019. Tại các tỉnh giáp ranh TP HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhu cầu mua đất nền cũng giảm đáng kể so với quý trước.
Theo ông Nguyễn Hữu Quang - Phó tổng giám đốc Công ty Bất động sản Netland, không khí giao dịch chung tại thị trường phía Nam thời gian qua khá trầm lắng - do biện pháp cách ly, giãn cách xã hội - khiến phần lớn khách hàng không thể trực tiếp về các địa phương có dự án để tìm hiểu thông tin thị trường.
Tuy nhiên, sự sôi động ngầm vẫn xuất hiện tại một số khu vực thuộc tỉnh Đồng Nai, Long An, Qui Nhơn, Lâm Đồng với sự tham gia của nhóm khách hàng có nhiều kinh nghiệm, sở hữu nguồn tài chính dồi dào.
Với mức đầu tư dưới 1 tỷ đồng mỗi lô, một số khách hàng đã chủ động xuống tiền gom 4-5 lô ở những vị trí đẹp, đáp ứng đầy đủ điều kiện pháp lý, bởi họ tin rằng giá bất động sản sẽ tăng mạnh sau 3-5 năm tới.
"Có những lô đất nền ở Đồng Nai được mua vào với giá 500 triệu đồng mỗi sào, nhưng sau 2 tuần đã có người sẵn sàng trả giá 550-600 triệu đồng. Nếu khách hàng bán ra sẽ khó có cơ hội mua lại một lô khác có lợi thế về vị trí tương đương lô cũ", ông Quang cho biết.
TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, mặt bằng giá đất nền khu vực phía Nam gần đây không có nhiều biến động. Trong 1-2 năm tới, giá đất nền có thể giảm hoặc đi ngang trước khi tăng trở lại.
Giá trị đất nền tại một số khu vực gần TP HCM như huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), huyện Long Thành (Đồng Nai) bắt đầu chững lại từ năm 2019, sau khi tăng trưởng 2-3 lần so với năm 2015. Cộng thêm ảnh hưởng của Covid-19, một số khách hàng vốn mỏng, sử dụng đòn bẩy tài chính phải bán đất với giá thấp hơn để chi trả lãi vay. Còn những khách hàng trường vốn vẫn giữ đất chờ thời hoặc bỏ tiền gom ở những khu vực xa trung tâm TP HCM.
Ông Đinh Thế Hiển cho rằng, đây là lúc khách hàng cần kiên nhẫn, lựa chọn địa điểm đầu tư gắn với làn sóng đô thị hoá, có điều kiện thuận lợi để hình thành khu công nghiệp, khu chế xuất và gắn với các trục giao thông chính như xã Phú Mỹ thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực xung quanh sân bay Long Thành hay cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
"Nếu giá đất nền hạ nhiệt đôi chút trong nửa cuối năm 2020, cơ hội sẽ tới với nhà đầu tư", ông Hiển dự báo.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch kiêm Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phân tích, đất nền là kênh đầu tư sinh lời tốt nhất bởi sản phẩm hình thành và gia tăng giá trị trong quá trình quy hoạch và thực hiện các dự án. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo, cần quan sát thực tế phát triển của dự án và các đô thị xung quanh, tránh rơi vào "bẫy" thổi giá đất như tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) vào cuối tháng 3.
Theo ông, giá trị đất luôn luôn tăng tỷ lệ thuận theo thực tế đầu tư dự án. Nếu giá đất rẻ nhưng địa phương chưa đầu tư thì khách hàng cũng cần xem xét dự án có phát triển thật không hay là dự án treo.
Hoàng Thắng