Sau đại dịch, thói quen người dùng Việt dần thay đổi và có xu hướng dịch chuyển sang mua sắm trực tuyến. Bộ phận Kinh doanh quốc tế Công ty Tư vấn đầu tư đa quốc gia Dezan Shira & Associates dự đoán sự bùng nổ của thương mại điện tử có thể khiến số lượng doanh nghiệp ngành này tăng mạnh. Hầu hết sẽ có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sở hữu các kho bãi truyền thống, thiếu cơ sở hạ tầng, công nghệ và vốn đầu tư.
Dự kiến trong năm tới, số lượng doanh nghiệp logistics lẫn thương mại điện tử vẫn tăng với tốc độ ổn định, góp phần thúc đẩy nhu cầu về dịch vụ kho bãi và vận chuyển bứt phá. Theo Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, tốc độ phát triển của ngành ở thị trường nội địa những năm gần đây đạt khoảng 14-16% với quy mô 40-42 tỷ USD một năm.
Sự phát triển này khiến chỉ số logistics Việt Nam tăng đến ba bậc, vươn lên vị trí thứ tám trong top 10 thị trường mới nổi, theo Báo cáo Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021, do nhà cung cấp dịch vụ kho vận Agility công bố. Giá trị ngành gia tăng cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp muốn tăng lợi thế cạnh tranh cần có chiến lược tối ưu trải nghiệm cho người dùng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Theo đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ khác. Để người dùng hài lòng với chất lượng dịch vụ, các công ty nước ngoài rót vốn mạnh vào cơ sở hạ tầng, công nghệ, vận tải nhằm tối ưu thời gian giao nhận, nâng cao trải nghiệm toàn trình cho khách hàng... góp phần khiến thị trường logistics nội địa thêm sôi động.
Tháng 1/2022, doanh nghiệp Emergent Việt Nam Logistics Development (Singapore) công bố dự án có vốn đầu tư 35 triệu USD, chuyên cung cấp hệ thống kho lạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường tăng cao. Ở lĩnh vực chuyển phát nhanh, sự góp mặt của tập đoàn BEST Inc. cũng mang lại "làn gió mới" cho thị trường nội địa.
Doanh nghiệp này đã rót hơn 20 triệu USD vào đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, kho bãi. Đến nay, đơn vị sở hữu 30 trung tâm phân loại hàng hóa tự động trên khắp cả nước. Trong đó, hai trung tâm tại Củ Chi (TP HCM) và Từ Sơn (Bắc Ninh) được đầu tư hơn 13 triệu USD, có quy mô lớn nhất nhì của BEST tại thị trường Đông Nam Á. Đến nay, doanh nghiệp chuyển phát này sở hữu tổng diện tích khai thác kho bãi trên toàn quốc đến hơn 100.000 m2, cho năng lực xử lý trên 1,8 triệu bưu kiện mỗi ngày.
Hơn 14 năm hoạt động trong ngành logistics, có mặt tại hàng chục quốc gia trên thế giới, BEST Inc. nhận định để tồn tại lâu dài cần phải bám sát cuộc chạy đua công nghệ. Tại 30 trung tâm phân loại của mình, BEST cho lắp đặt hệ thống dây chuyền tự động hóa, cho khả năng phân loại bưu kiện kích thước nhỏ, lớn chỉ trong 0,5-2 giây mỗi kiện. Đồng thời, các băng chuyền trang bị hệ thống cân, đo, quét mã, chụp ảnh... ghi nhận thông tin gói hàng chính xác và hoàn toàn tự động.
Để hàng hóa giao nhanh chóng hơn, đơn vị còn liên tục đầu tư vào hệ thống phương tiện vận chuyển. Hiện đội xe tải cỡ lớn của BEST lên đến 88 chiếc. Trong đó có 24 đầu kéo cỡ lớn với thùng chứa CIMC 109 m3. Tổng số vốn đầu tư mảng này là hơn 3 triệu USD, cho khả năng vận chuyển hàng chục tấn hàng mỗi chuyến, giúp rút ngắn thời gian giao hàng đáng kể.
Năm 2022, với kỳ vọng mở thêm hơn 1.500 bưu cục trên toàn quốc, BEST cho biết sẽ đầu tư thêm để tối ưu dây chuyền xử lý hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng rót hơn hai triệu USD sắm thêm 30 phương tiện vận tải, nâng cao khả năng chuyên chở. Việc tăng cường đầu tư toàn diện cả về công nghệ, hạ tầng vận tải giúp mang đến cho khách hàng và đối tác trong nước dịch vụ chất lượng, nhanh chóng hơn.
"Thị trường logistics Việt trong tương lai rất có thể sẽ bị chia nhỏ do ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường màu mỡ này. Theo đó, công ty nào có nền tảng công nghệ, hạ tầng giao thông hiện đại hơn sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh, mang lại nhiều kết quả kinh doanh tích cực hơn", đại diện BEST Express nhận định.
Nguyệt Di