- Là người điều hành quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam VESAF tại với tổng tài sản gần 500 tỷ đồng, bà nhận thấy phụ nữ có ưu thế gì so với nam giới trong quản lý quỹ?
- Tôi nghĩ, nam giới hay phụ nữ đều có thuận lợi và rào cản nhất định. Nam giới thường có tính quyết đoán, chịu đựng được nhiều rủi ro hơn. Tuy nhiên, phụ nữ có ưu thế về sự kiên nhẫn, suy nghĩ thấu đáo, linh hoạt trong quyết định đầu tư và bền bỉ hơn khi gặp khó khăn.
Thị trường chứng khoán luôn ẩn chứa nhiều biến động và các yếu tố bất ngờ. Công việc đầu tư và lựa chọn cổ phiếu không chỉ là khoa học, mà còn là nghệ thuật và đòi hỏi ứng biến linh hoạt. Sự mềm mại trong giao tiếp cũng là lợi thế giúp phụ nữ tiếp cận và giữ các mối quan hệ tốt đẹp với các công ty mình đầu tư.
Phụ nữ có xu hướng chờ đợi cơ hội tốt hơn nam giới, nên có khả năng tìm được các điểm mua tối ưu hoặc nắm giữ các khoản đầu tư lâu hơn để tối đa hóa lợi nhuận.
- Cách quản lý danh mục đầu tư của phụ nữ có khác biệt gì so với nam giới, thưa bà?
- Mục tiêu chung trong quản lý các danh mục đầu tư là tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro tối đa cho khách hàng. Còn phong cách và chiến lược đầu tư tùy thuộc vào chiến lược đặt ra cho từng quỹ như đã cam kết với khách hàng từ đầu.
Chiến lược đầu tư của quỹ VESAF tập trung vào các công ty có quy mô vừa và nhỏ, bởi tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận cao hơn so với các công ty bluechip. Nếu chịu khó tiếp cận, tìm kiếm thông và kiên nhẫn chờ đợi sẽ có khả năng hiện thực hóa lợi nhuận vượt trội hơn. Ngoài ra, các công ty bị giới hạn sở hữu nước ngoài cũng nhận được quan tâm đặc biệt của chúng tôi.
Mục tiêu cuối cùng của quỹ VESAF là mong muốn mang lại mức lợi nhuận vượt trội trong dài hạn cho các nhà đầu tư. Để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro, việc giữ được kỷ luật cao trong các quyết định mua bán rất quan trọng. Theo tôi, phụ nữ có lợi thế hơn nam giới ở chỗ biết tiết chế và kiểm soát cảm xúc tốt hơn, tránh lao theo các con sóng hay bán tháo khi thị trường chứng khoán sụt giảm.
- Bà có chia sẻ gì về kết quả quản lý danh mục của quỹ VESAF thời gian qua?
- Năm 2020, VESAF tăng 26%, dẫn đầu các quỹ đầu tư cổ phiếu mở trong nước. 6 tháng đầu năm 2021, mức tăng trưởng của quỹ cũng đứng thứ hai trong các quỹ mở nội địa, đạt 45%. Nếu tham gia quỹ VESAF từ khi thành lập (tháng 4/2017) nhà đầu tư đã có mức lợi nhuận tích lũy 127%, tương đương lợi nhuận trung bình hàng năm là 22%.
Tôi đánh giá đây là kết quả tích cực trong bối cảnh trồi sụt của thị trường chứng khoán 4 năm qua. Dù vậy, chúng tôi không chủ quan và luôn cẩn trọng với các rủi ro trong quá trình đầu tư, bên cạnh nắm bắt cơ hội thị trường. Chúng tôi kỳ vọng với nội lực, vị thế của nền kinh tế Việt Nam và sự phát triển chiều sâu của thị trường chứng khoán sẽ còn nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.
- Các nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán nên lưu ý gì để đảm bảo lợi nhuận trong năm nay?
- Nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp nên có một kế hoạch đầu tư định kỳ, phân bổ danh mục đa dạng để phân tán rủi ro. Đặc biệt, không theo đuổi những mã cổ phiếu tăng nóng mà không phân tích đến các yếu tố nội tại và định giá của doanh nghiệp. Một khi đã chọn cổ phiếu dựa trên phân tích cơ bản và định giá kỹ càng thì cần kiên nhẫn với lựa chọn của mình.
Ngoài ra, nhà đầu tư mới sẽ luôn đặt câu hỏi, đâu là thời điểm thích hợp để giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt, gần đây khi thị trường có xu hướng tăng mạnh trong thời gian ngắn. Câu hỏi này cũng luôn tồn tại trong những giai đoạn thị trường giảm điểm, vì khó để tìm được điểm mua tối ưu. Cách tốt nhất là lên kế hoạch đầu tư dài hạn và đầu tư đều đặn để lợi dụng sức mạnh của lãi kép.
Do đầu tư chứng khoán tiềm ẩn rủi ro cao, nhà đầu tư cá nhân nên cân nhắc đầu tư một phần tiền nhàn rỗi vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, vì chúng tôi sẽ giúp họ thực hiện các đánh giá trên một cách sâu sắc và toàn diện hơn.
- Là phụ nữ lại đảm nhận vai trò quản lý, chị làm cách nào để cân bằng giữa công việc và gia đình?
- Thời gian đầu khi mới tham gia quản lý quỹ, việc cân bằng giữa công việc và gia đình với tôi gần như không thể. Một phần, tôi thuộc tuýp người nghiện công việc và cầu toàn. Công việc đầu tư lại đòi hỏi sự sát sao, đầu óc tôi luôn chứa đầy thông tin thị trường, ý tưởng đầu tư và những kế hoạch triển khai cho danh mục của mình. Đối với gia đình, tôi cũng muốn tự tay chăm sóc và dạy dỗ các con.
Về sau, để cân bằng hơn, tôi buộc phải thay đổi: tập bớt cầu toàn, tìm cách tối ưu thời gian, lên danh sách ưu tiên những việc quan trọng hơn. Với công việc, tôi suy nghĩ theo hướng toàn cảnh hơn, và may mắn có sự hỗ trợ của đồng nghiệp. Với gia đình, tôi quan niệm thời gian dành cho con cái thì chất lượng quan trọng hơn số lượng.
Tuệ Minh