Ngày 21/11, tại Diễn đàn Đầu tư nông nghiệp thời TPP do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Kênh thông tin Kinh tế Tài chính CafeF phối tổ chức tại TP HCM, các chuyên gia đã chỉ ra những con số đáng báo động của ngành này.
Chuyên gia Bùi Trinh trích dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong những năm 2000-2014, tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng của nhóm ngành nông nghiệp (nông, lâm nghiệp và thủy sản) đang giảm dần đều. Tốc độ giảm càng về sau càng mạnh. Giai đoạn 2000-2005, tỷ trọng này trượt từ 24,53% xuống 19,3% nhưng đến năm 2014 đã lùi sâu về mức 17,7%.
Không chỉ đóng góp giá trị gia tăng ngày càng ít, các nhóm ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng chậm, thậm chí là đi xuống. Tỷ trọng đầu tư cũng thấp dần đều, từ 15% năm 2005 về 9% năm 2014, trong khi tỷ lệ này đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế phải là trên 30%. "Điều này cho thấy đầu tư nông nghiệp của Việt Nam đang ở mức quá thấp", ông nói.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đến từ Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, vẫn còn vài chỉ số đáng lưu tâm nếu so sánh ngành này với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, một nghiên cứu mới của OECD trong năm 2015, tỷ trọng hỗ trợ nông dân của Nhà nước trong tổng nguồn thu của người sản xuất giai đoạn 2011-2013 tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ... chiếm 55 - 60%. Riêng ở Việt Nam, mức hỗ trợ của Nhà nước chưa đến 10%. Như vậy 10 triệu hộ nông dân trong nước đang phải tự nỗ lực chiến đấu với nhiều thách thức trong thời gian tới.
Ông Tuấn trích dẫn thêm xếp hạng của FAOSTAT, xét về số lượng xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam ở top dẫn đầu thế giới, xếp hạng 1-5. Thế nhưng xét về giá bán, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí từ thứ 5 trở xuống. Điều này cho thấy giá bán của nông sản trong nước ra thị trường bên ngoài còn thấp, có thể bắt nguồn từ áp lực cạnh tranh về giá do nông sản thô, hoặc chưa có thương hiệu.
Theo chuyên gia này, sự suy giảm tăng trưởng nông nghiệp gần đây đi kèm với suy giảm lượng đầu tư trên mỗi ha đất nông nghiệp. Đây là thách thức vì hiện Việt Nam đã tận dụng gần hết quỹ đất cũng như lao động dành cho ngành này.
Đánh giá hiệu quả đầu tư các doanh nghiệp nông nghiệp niêm yết của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt cho thấy số lượng công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực này rất khiêm tốn. Cả 2 sàn với 700 doanh nghiệp nhưng chỉ có 20 công ty nông nghiệp với quy mô vốn hóa thị trường 3%. Những công ty vốn hóa lớn cũng không nhiều, đa phần hoạt động với quy mô manh mún, nhỏ lẻ, tiềm lực tài chính ở mức thấp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Vũ Văn Tám thẳng thắn nhìn nhận ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức trong quá trinh hội nhập toàn cầu. Chất lượng tăng trưởng gần đây giảm sút. Khả năng cạnh tranh thấp và hiệu quả của sản xuất chưa cao. Thêm vào đó là tình trạng sản phẩm nông nghiệp mất an toàn khiến tâm lý người tiêu dùng lo ngại.
Đặc biệt, ông Tám thừa nhận tổng vốn đầu tư xã hội vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 5,4-5,6%, trong đó tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% trong toàn nền kinh tế là mức rất thấp.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp nhận xét, ở thị trường xuất khẩu, nông sản Việt Nam đạt được tiêu chuẩn cao, đáp ứng được những đòi hỏi khó tính của nhiều nước phát triển. Song nông sản trong nước lại chính là thị trường không đạt được tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Với thực trạng này, khi TPP đi vào cuộc sống, nông sản Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà.
Ông Tám cho biết, Bộ đang từng bước tìm giải pháp khắc phục tình trạng này. Trước mắt là cùng nhiều địa phương trên địa bàn cả nước hướng tới việc thông báo những địa chỉ bán nông sản an toàn (có kiểm định của cơ quan chức năng chuyên môn). "Khi đã hội nhập sâu rộng, cơ chế sắp tới là làm tốt, chất lượng đạt tiêu chuẩn thì được thị trường ủng hộ. Ngược lại, làm không tốt, chất lượng thấp, gây mất an toàn sẽ bị thị trường tẩy chay", ông nói.
Trước những chỉ số cho thấy nông nghiệp Việt Nam vẫn còn mong manh so với sân chơi toàn cầu hóa TPP - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, nguyên cố vấn đàm phán thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh cơ hội và thách thức là 50-50.
Ông Tuyển cho rằng trong giai đoạn mới, nông nghiệp cần được định vị lại là ngành công nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm. Phát triển nền công - nông nghiệp theo hướng đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh, tập trung quy mô lớn và áp dụng công nghệ kỹ thuật cao mới tận dụng được cơ hội của TPP.
Thách thức sắp tới chính là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo đảm môi trường sống. Theo ông Tuyển, các tiêu chuẩn này chính là hàng rào kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm đã từng có từ giai đoạn gia nhập WTO. Nếu không vượt qua được điều kiện này thì dù có vượt qua hàng rào thuế quan vẫn dễ dàng thất bại.
Vũ Lê