Dường như mọi người đều nghĩ rằng, nếu chỉ trong một thời gian ngắn mà Việt Nam từ một vị trí khiêm tốn đã tiến lên nắm chức vô địch thể thao trong vùng thì chắc hẳn rồi đây chúng ta cũng có thể tạo được nhiều “phép lạ” khác. Điển hình nhất là có vài người bạn Singapore lúc ấy đã hỏi tôi rằng: “Liệu trong vòng 10 năm nữa Việt Nam có thể vượt qua Thái Lan được không?”.
Khi so sánh mức độ phát triển kinh tế thì thước đo thường được dùng nhất là con số “Thu nhập bình quân đầu người” (lấy tổng sản lượng quốc nội GDP, chia cho dân số một nước). Theo thống kê của The Economist thì trong vòng 7 năm từ 1995 đến 2002, Việt Nam là nước đã tiến nhanh nhất khi từ vị trí 151 lên đến 128 (tăng 23 bậc), trong khi Thái Lan lại tụt từ 69 xuống 84 (giảm 15 bậc). Như vậy là trong vòng 7 năm từ 1995 đến 2002, khoảng cách giữa Việt Nam và Thái Lan đã thu ngắn 38 bậc và nếu tiếp tục cái đà rút ngắn 5 bậc mỗi năm này thì phải chăng chỉ cần 8 năm, nghĩa là đến 2010 thì kinh tế Việt Nam sẽ bắt kịp Thái Lan? Thực ra vấn đề không hề đơn giản như vậy vì nhiều lý do mà trước hết lúc bấy giờ Việt Nam và Trung Quốc chưa “nối mạng” với kinh tế thế giới nên đã không bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1999 như các nước khác.
Thấm thoắt mười năm đã trôi qua từ SEA Games 22 và hiện tại thì kết quả cuộc chạy đua kinh tế ấy ra sao rồi? Theo thống kê của IMF năm 2013 thì VN được xếp hạng 134 và Thái Lan 92. Như thế có nghĩa là trong vòng 10 năm qua thì cả hai nước đều… đi thụt lùi: VN từ 128 xuống 134 (giảm 6 bậc) và Thái Lan từ 84 xuống 92 (giảm 8 bậc).
Trong bối cảnh hội nhập hiện tại, khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng gắn liền hơn với kinh tế toàn cầu, quả thật là chúng ta đã và sẽ không thể tránh được ảnh hưởng của những cú “sốc” kinh tế toàn cầu, như cuộc khủng hoảng 2008 vừa qua mà ảnh hưởng vẫn còn dai dẳng cho đến hôm nay.
Đổ lỗi cho những biến chuyển bên ngoài cũng đúng phần nào, nhưng việc phát triển kinh tế một quốc gia còn tùy thuộc rất nhiều vào những yếu tố nội bộ mà quan trọng nhất là “yếu tố con người”. Vẫn biết rằng hai yếu tố chính thúc đẩy việc tăng trưởng kinh tế là đồng vốn và con người, tuy nhiên không có tài trí của con người thì đồng vốn sẽ không được sử dụng tốt mà lại có thể mất mát, tiêu tán. Vấn đề quản lý con người cũng có nghĩa là quản lý chất xám. Các nước đang phát triển nào cũng tìm cách tận dụng nhân tài, thế nhưng tại sao vẫn còn hiện tượng “chảy máu chất xám”?
Trong thập niên 1960, Philippines là quốc gia mà mọi người đều tin tưởng là sẽ cất cánh nhanh nhất so với các nước trong vùng. Lý do chính là vì dân Philippines có trình độ học vấn khá cao, nói tiếng Anh thông thạo và lại được Hoa Kỳ hết lòng giúp đỡ. Vậy mà dường như lúc bấy giờ đa số dân Phi trẻ tuổi chỉ có một ước mơ lớn là bỏ xứ qua Mỹ lập nghiệp.
Ngay ở Singapore vào thập niên 1980, khi đất nước đã phồn thịnh dưới sự lãnh đạo khôn ngoan của Thủ tướng Lý Quang Diệu, một người bạn cao cấp trong chính quyền lúc ấy đã có lần tâm sự với tôi rằng, đa số thành phần trí thức của họ dường như đều "chân trong chân ngoài” cả. Nếu như chẳng may đất nước họ có vướng vào chiến tranh thì chính những chất xám này sẽ bị “tuôn“ ra nước ngoài.
Nghĩ cho cùng thì ta không thể đổ lỗi cho giới trẻ của cả Philippines lẫn Singapore. Trách sao được khi họ lớn lên trong một môi trường ngoại lai, tai chỉ quen nghe nhạc ngoại, mắt chỉ nhìn phim ảnh ngoại và mỗi khi muốn diễn tả những ý tưởng của mình thì họ chỉ biết thốt ra bằng tiếng Anh. Họ nào có thấu hiểu gì về xứ mình mà đòi hỏi họ phải nặng lòng với đất nước.
Chính ông Lý Quang Diệu lúc bấy giờ cũng từng tỏ ý hối tiếc là ban đầu đã quá đẩy mạnh việc phát triển kinh tế và buộc lớp trẻ bỏ tiếng Hoa để chuyển sang dùng tiếng Anh. Thành công vật chất đã đến nhanh chóng nhưng cái giá phải trả là lớp trẻ đã đánh mất nhiều giá trị văn hóa cổ truyền. Người dân Singapore dường như không mấy ai biết từ “quê cha đất mẹ” (motherland) là gì. Do đó, chính phủ Singapore đã có những thay đổi chính sách, đặc biệt là những phong trào “về nguồn” như khuyến khích người dân nói tiếng Quan Thoại…
Trông người mà lại nghĩ đến ta, mỗi năm Việt Nam có hằng trăm nghìn sinh viên, học sinh rời ghế nhà trường hoặc lên đường xuất ngoại du học. Họ sẽ là những doanh nhân và chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực, nối tiếp thế hệ đàn anh tiếp tục gánh vác trách nhiệm phát triển đất nước. Với bản chất thông minh, hiếu học sẵn có, việc thu thập kiến thức kỹ thuật thật sự không khó đối với dân Việt. Sinh viên Việt Nam liên tục đạt được những giải thưởng quốc tế và người Việt được đánh giá là rất thông minh và nhẫn nại. Điều quan trọng là chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào lớp trẻ để giúp họ có được vốn văn hóa sâu dày, biết yêu quý và hãnh diện về văn chương, nghệ thuật và những giá trị cao đẹp của Việt Nam. Có như vậy họ mới cảm thấy gắn bó và quay về với quê hương đất nước. Những chương trình “về nguồn” và “mùa hè xanh” đều là những cố gắng đúng hướng và chắc chắn sẽ mang lại kết quả lâu dài.
Trước làn sóng văn hóa ngoại lai đầy sôi động và cám dỗ của thời hội nhập, tôi nghĩ chúng ta cần chú tâm nhiều hơn đến giới trẻ nếu muốn tránh những bước đi sai lầm của các nước bạn. Muốn thu ngắn cách biệt, muốn tạo dựng được một nền móng kinh tế vững chắc để có thể bắt kịp xứ người, vấn đề tăng cường chất lượng giáo dục đào tạo văn hóa cho lớp trẻ quả là một thách thức của Việt Nam hôm nay.
Võ Tá Hân