Khảo sát của Công ty Danh Khôi Việt (DKRV) cho biết, năm 2019 đánh dấu bước ngoặt lớn của bất động sản nghỉ dưỡng khi đây là thời điểm đồng loạt xuất hiện các "siêu dự án" ven biển và làn sóng đầu tư hướng biển mạnh mẽ nhất trong một thập kỷ qua.
Đơn vị này cho hay, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cho rổ hàng bất động sản nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh thành: Phú Quốc, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên... để mở rộng ra thị trường mới ven biển trong năm 2019. Trong số đó có khá nhiều dự án quy mô vốn lên đến hàng tỷ USD.
Thống kê cho thấy, song song với làn sóng đầu tư bất động sản biển mạnh nhất 10 năm, giá cả cũng biến động ở biên độ rất lớn trong vòng 3 năm gần đây. Giá đất ven biển các thị trường Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định không phải là thủ phủ du lịch cũng đã tăng hơn 50%.
Các thị trường nóng như Nha Trang tăng 150%, Đà Nẵng là thị trường biển đầu tiên tăng giá mạnh trong 2 quý đầu năm 2019, mức tăng khoảng 60%. Bà Rịa - Vũng Tàu giáp ranh TP HCM hai quý vừa qua thu hút nhà đầu tư đổ về khu vực này, đặc biệt là khu Hồ Tràm. Nhiều dự án quy mô tầm cỡ được ra mắt đã đẩy giá lên hơn 60%. Riêng thị trường Phú quốc không có nhiều biến động nên đi ngang.
Tổng giám đốc Công ty Danh Khôi Việt (DKRV) Trần Lê Thanh Hiển phân tích, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng đầu tư bất động sản ven biển tại Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ nhất trong một thập niên qua.
Đầu tiên là hạ tầng hỗ trợ cho sự phát triển bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ với nhiều dự án đường cao tốc, sân bay đua nhau lộ diện. Tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước vẫn đang tiếp tục được mở rộng, nối dài thêm trong vòng vài thập kỷ tới. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy du lịch nghỉ dưỡng ở các điểm đến mất vài giờ di chuyển bằng ôtô.
Mặt khác, việc sở hữu ôtô ngày nay khá dễ dàng đối với người Việt giúp thay đổi thói quen du lịch và tiếp cận các kỳ nghỉ nhanh chóng, dễ dàng hơn. Đây là những trợ lực tích cực cho sự bùng nổ làn sóng đầu tư vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam.
Tiếp đến, thị trường nghỉ dưỡng đang được hưởng lợi do tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như sự tăng trưởng về số lượng đường bay thẳng quốc tế. Xu hướng du lịch và đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng của tầng lớp trung lưu và người giàu có tại Việt Nam cũng có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, ngày càng có nhiều thương hiệu, nhà đầu tư phân khúc khách sạn toàn cầu đang đổ vào thị trường Việt Nam như một điểm nóng trong tương lai ở khu vực.
Cuối cùng là hành lang pháp lý hứa hẹn sẽ được hoàn thiện dần theo thời gian. Trong thời gian tới hành lang pháp lý của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng lai (condotel, biệt thự biển, nhà phố biển...) sẽ từng bước được điều chỉnh, bổ sung, hướng tới sự hoàn chỉnh. Xét về tiềm năng lâu dài, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam hứa hẹn đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư: dùng để nghỉ dưỡng, khai thác cho thuê và tích lũy tài sản.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, làn sóng đầu tư bất động sản biển quá mạnh mẽ cùng quy mô của các dự án biển cực lớn mang lại 2 điều cần cần lưu ý. Đầu tiên là khả năng về đích của các dự án. Nếu dự án được bảo chứng về đích tốt sẽ tạo nên sức hút lớn, tạo cú hích giúp thị trường phát triển bền vững. Nếu các siêu dự án này gặp khó khăn có thể tạo nên chướng ngại và sức ỳ cho thị trường.
Một lưu ý nữa là các cam kết lợi nhuận khủng kéo dài trong cả thập niên rất phổ biến. Hiện nay không có cơ sở nào đảm bảo các cam kết này. Pháp lý và thời hạn sở hữu giới hạn cũng là rủi ro. Tuy nhiên trong thời gian tới nếu hành lang pháp lý được hoàn thiện thì kênh đầu tư này sẽ tiến thêm một bước nữa, hướng tới sự phát triển toàn diện cũng là một tín hiệu lạc quan cho tương lai của thị trường này.
Vũ Lê