Đấu trường 1.800 năm tuổi nằm trên sườn đồi thoải ở thành phố cổ đại Mastaura thuộc tỉnh Aydın phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực trung tâm rộng lớn bị đất đá và cây cối vùi lấp sau nhiều thế kỷ. "Phần lớn đấu trường nằm dưới đất, phần có thể nhìn thấy bị cây bụi và các loài cây dại che vùi", Mehmet Umut Tuncer, giám đốc Cơ quan Văn hóa và Du lịch tỉnh Aydın, cho biết.
Nhóm khảo cổ tìm thấy đấu trường vào mùa hè năm 2020 sau khi được Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ cấp phép tiến hành nghiên cứu khảo cổ ở thành phố cổ đại. Sau khi công trình bằng đá khổng lồ nhô ra từ nền đất, các nhà nghiên cứu bắt đầu phát quang và khảo sát khu vực. Từ tháng 10 đến tháng 12/2020, họ chặt hết mọi bụi cây và cây dại, bắt đầu bảo vệ đấu trường khỏi sự tàn phá của thiên nhiên. Đấu trường có niên đại từ năm 200, có nghĩa nó được xây dưới triều đại Severan (năm 193 - 235). Dưới triều đại này, thành phố Mastaura rất phát triển và trù phú.
Phần lớn cấu trúc dưới lòng đất của đấu trường được bảo quản nguyên vẹn như vừa xây. Dù phần nhô ra bên trên mặt đất đã đổ nát theo năm tháng, vẫn có thể tìm thấy một số hàng ghế, khu vực chiến đấu của các võ sĩ cũng như tường bao phía ngoài công trình.
Khoảng 15.000 - 20.000 người có thể tập trung trong đấu trường. Công trình nhỏ hơn so với đấu trường La Mã Colosseum ở Rome với sức chứa khoảng 50.000 người. Colosseum được xây vào khoảng năm 70 vẫn còn giữ được những bức tường bao cao 48 m, lớn hơn so với bức tường ở đấu trường Mastaura (25 m). Khu vực trung tâm của Colosseum rộng 87 x 55 m trong khi nơi thi đấu ở Mastaura chỉ rộng 40 x 30 m. Tuy nhiên, những trận chiến giữa các võ sĩ giác đấu và động vật hoang dã nhiều khả năng cũng quyết liệt không kém ở Colosseum.
Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ làm việc với Bảo tàng Khảo cổ Aydın và tỉnh Nazilli bao quanh Mastaura để làm sạch và bảo tồn đấu trường. Họ đang lên kế hoạch xử lý những vết nứt trên tường đấu trường và đá rơi ra từ công trình cổ đại. Nhóm nghiên cứu cũng bắt tay vào khảo sát công trình bằng tia laser để lập hình ảnh 3D.
An Khang (Theo Live Science)