Thứ sáu, 19/4/2024
Chủ nhật, 6/11/2022, 02:21 (GMT+7)

Dấu tích trận địa pháo ở toạ độ lửa cầu Hàm Rồng

Thanh HóaTrận địa pháo trên điểm cao C4, nơi bị bắn phá ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ, là điểm đến lịch sử nổi tiếng và nơi thư giãn của người dân.

Đồi C4 thuộc dãy núi Rồng (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hoá ngày nay) cách bờ sông Mã - nơi có cây cầu Hàm Rồng khoảng 500 m. Những năm chiến tranh chống Mỹ, C4 là điểm cao mà quân giặc bắn phá ác liệt nhất và cũng là nơi chứng kiến những cuộc đụng độ ngoan cường cũng như sự hy sinh của quân và dân ta.

Trận địa pháo cao xạ trên đồi C4 được hình thành ngày 31/5/1965 với lực lượng chủ lực là Đại đội 4 thuộc Trung đoàn 228, Quân chủng Phòng không Không quân. Đây là lực lượng chủ yếu trong suốt thời kỳ chống chiến tranh phá loại lần thứ nhất của Đế quốc Mỹ tại "toạ độ lửa Hàm Rồng".

Trên diện tích khoảng 120.000 m2 bộ đội bố trí trận địa pháo bao gồm một hầm chỉ huy ở khu vực trung tâm, hai trung đội pháo B1, B2, 6 khẩu đội, một hầm câu lạc bộ và hai hầm đạn.

Trên nóc hầm chỉ huy có hai vị trí rộng chưa đầy một mét vuông, sâu khoảng 1,2 m dành cho đại đội phó, chính trị viên phó và khí tài.

Tại đài ra đa quan sát (đặt ở đồi C5 cách đó không xa), đại đội trưởng và chính trị viên trưởng khi thấy máy bay địch bay vào tầm ngắm thì hạ lệnh cho hầm chỉ huy phất cờ để các khẩu đội nhằm thẳng hướng quân thù mà bắn.

Xung quanh hầm chỉ huy là lô cốt, cũng là vị trí chiến đấu chính của 6 khẩu đội pháo được đánh số từ một đến 6. Các khẩu đội 1-3 nằm ở phía Đông, ba khẩu đội còn lại án ngữ phía Tây. Lô cốt trước đây được đắp chủ yếu bằng đất sét và dùng thân cây hoặc vỏ thùng đạn gia cố. Mỗi lô cốt có đường kính khoảng 8 m, sâu gần 1,5 m.

Trong lòng mỗi lô cốt sẽ có hai hầm chữ A nhỏ, mỗi hầm vừa đủ cho khoảng hai người chui vào bên trong. Hầm chữ A có chức năng dành cho bộ đội ẩn náu khi quân địch ném bom.

Năm 2013, các lô cốt trên trận địa pháo cao xạ C4 năm xưa được chính quyền địa phương trùng tu mô phỏng theo trí nhớ của những chiến sĩ từng chiến đấu tại đây. Vật liệu cũ được thay thế bằng bê tông, sơn giả gỗ và màu đất nâu.

Trận địa đồi C4 trở thành nỗi kinh hoàng của phi công Mỹ trong suốt 9 năm bắn phá Hàm Rồng song cũng chứng kiến nhiều hy sinh của quân ta.

Vị trí chiến đấu của Khẩu đội 4 - cũng gọi là "khẩu đội tử". Theo tài liệu lịch sử, trận đánh với không quân Mỹ ngày 3/9/1967, cả khẩu đội 11 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Trong những năm tháng kiên cường bám trụ cùng với quân dân Hàm Rồng bảo vệ mục tiêu, Đại đội 4 đã đánh hơn 400 trận, góp phần bắn rơi 117 máy bay phản lực hiện đại, trong đó hai chiếc B52 và một máy bay không người lái.

Ngay cạnh vị trí Khẩu đội 4 chiến đấu năm xưa hiện nay còn những hố bom lớn, vết tích của bom đạn quân thù trút xuống quả đồi này.

Cách hầm chỉ huy không xa, chếch về phía Tây là hầm câu lạc bộ dành làm nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của các chiến sỹ sau các trận đánh.

Hầm rộng khoảng 30 m2, có hai lối lên xuống nhỏ hẹp, bên trong được kê bàn ghế và một số vật dụng cần thiết được sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ.

Ngày 4/4/1975, Đại đội 4 rời cao điểm C4 hành quân vào Nha Trang bảo vệ vùng giải phóng, chính thức hoàn thành sứ mệnh lịch sử bảo vệ cầu Hàm Rồng. Năm 1969, Đại đội 4 là đơn vị đầu tiên của Trung đoàn 228 được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồi C4 được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1975. Hai tấm bia lớn mới được dựng lên nhằm ghi lại dấu tích lịch sử và danh sách 20 liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống trên trận địa đồi C4.

Do đỉnh đồi C4 không quá cao nên hàng ngày người dân địa phương thường đi bộ hoặc đạp xe lên đây vãn cảnh, đi thể dục. Xung quanh trận địa pháo năm xưa giờ đã được phủ một màu xanh ngát bằng cánh rừng thông và các loài thực vật thân gỗ lớn khác.

Theo đại diện Ban quản lý Di tích lịch sử văn hoá Hàm Rồng, hàng năm cùng với các di tích phụ cận như cầu Hàm Rồng, động Long Quang, nhà máy điện, làng cổ Đông Sơn... trận địa pháo trên đồi C4 đón hàng vạn du khách và người dân địa phương đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Cầu Hàm Rồng hiện nay.

Dấu tích trận địa pháo trên đồi C4
 
 

Dấu tích trận địa pháo trên điểm cao C4. Video: Lê Hoàng

Lê Hoàng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net