Vùng Gia Miêu xưa thuộc tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa, nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, cách TP Thanh Hóa hơn 40 km về hướng bắc. Tổ tiên nhà Nguyễn định cư ở đây rồi sinh cơ lập nghiệp. Vùng đất này về sau là nơi an táng Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim, bố Nguyễn Hoàng, người mở mang bờ cõi về phương nam.
Gia Miêu từng được các nhà sử học đánh giá là "kinh thành Huế thu nhỏ" ở xứ Thanh bởi kiến trúc bề thế do các vua nhà Nguyễn xây dựng đầu thế kỷ 19.
Sử sách chép, năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh (hậu duệ đời thứ 11 của Nguyễn Kim) đã thống nhất hai xứ Đàng trong và Đàng ngoài, lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long, lấy quốc hiệu là Việt Nam. Nhân chuyến tuần thú Bắc Hà, vua Gia Long tìm về đất tổ Gia Miêu yết bái tổ tiên, truy tôn Nguyễn Kim là Triệu tổ Tĩnh hoàng đế. Nhà vua cho đắp nền Phương Cơ, dựng lăng Trường Nguyên (lăng Triệu Tường) thờ Triệu tổ ngay dưới chân núi Thiên Tôn.
Với các vua nhà Nguyễn, có lăng (nơi chôn) luôn có miếu kèm theo làm nơi thờ tự. Đã có lăng Triệu Tường thì phải có Miếu Triệu Tường, theo truyền thống thường được xây dựng gần nhau. Tuy nhiên, lăng Triệu Tường ở vùng núi Triệu Tường, còn miếu lại xây dựng ở cánh đồng cách đó hơn một km.
Sách Niên giám Đông Dương chép: "Làng Quý Hương, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung có tiếng là cái nôi của triều đại đương thời. Các miếu tháp thờ cúng các vị tiên vương được xây dựng ở đây, có tường gạch bao quanh, tường được giữ phòng bằng lũy, làm đúng như một tòa thành nhỏ, đó là Tôn Thanh hay còn gọi là Triệu Tường".
Miếu Triệu Tường xưa chu vi khoảng 182 trượng (tương đương 50.000 m2), có tường thành xây kín, bao quanh là hào nước, cầu gạch bắc qua, lại có hai lớp lũy bao bọc nên được ví như tòa thành nhỏ. Cửa nam có một vọng lâu, cổng tam quan, phía sau là hồ sen hình bán nguyệt.
Miếu được chia làm ba khu vực. Khu chính giữa là Nguyên miếu thờ Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim và Thái tổ Gia dụ hoàng đế Nguyễn Hoàng. Khu phía đông thờ Trừng quốc công Nguyễn Văn Lựu (thân phụ của Nguyễn Kim) và Lỵ nhân công Nguyễn Hán (con trai Nguyễn Hoàng). Khu phía tây là trại lính và nhà ở của gia nhân các quan trông coi lăng miếu. Nơi đây được coi là công trình văn hóa tâm linh đặc biệt của nhà Nguyễn.
Theo ông Nguyễn Văn Lợi (69 tuổi, hậu duệ đời thứ 27 của Bình Ngô khai quốc công thần Nguyễn Công Duẩn), Gia Miêu được triều đình nhà Nguyễn kiến thiết gồm nhiều công trình, có giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc mang dáng dấp kinh đô Huế xưa. Ông Lợi hàng ngày được giao trông coi, quét dọn và lo việc hương khói lăng Triệu Tường nằm trên lưng chừng ngọn núi Thiên Tôn. Phần lăng mộ của tổ tiên nhà Nguyễn cũng nằm chính trong khu vườn trồng cây lưu niên của gia đình ông Lợi nên hầu như ngày nào ông cũng có mặt ở đây.
Ông Lợi thuật lại lời ông cha thời các vua Nguyễn, Gia Miêu là khu rừng cấm, được quân lính canh phòng nghiêm ngặt, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Mỗi lần nhà vua về bái yết tổ tiên, chỉ có trưởng tộc mới được phép tháp tùng, rước vua lên nền Phương Cơ dưới núi Triệu Tường để tế cáo trời đất tổ tiên. "Phải bảo vệ nghiêm ngặt vì triều đình luôn thận trọng đề phòng kẻ gian lên núi yểm bùa, cắt đứt long mạch, mất thế vượng phát của vương triều...", ông Lợi giải thích.
Dịp xây miếu Triệu Tường, vua Gia Long cũng vinh phong Gia Miêu là đất quý hương, huyện Tống Sơn là quý huyện để con cháu đời đời nhớ về nguồn cội tổ tông dòng tộc.
Ngoài lăng miếu Triệu Tường, năm 1806 vua Gia Long còn cho xây dựng đình Gia Miêu làm nơi thờ thành hoàng Nguyễn Công Duẩn và những người có công trạng trong dòng tộc. Đình được kiến trúc bằng gỗ với mặt bằng xây dựng gần 375 m2. Dưới thời Nguyễn, ngôi đình này được cho là công trình mang kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu ở Thanh Hóa.
Theo các ghi chép còn lại của dòng họ Nguyễn Hữu, tổng cộng đã có 5 vua triều Nguyễn từng về Gia Miêu tế bái tổ tiên, gồm Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái và Bảo Đại. Năm 1822, vua Minh Mạng trong lần về bái yết đã làm bài minh, mở đầu với những câu: "Đất chứa khí thiêng sinh ra Triệu tổ/Vun đắp cương thường tỏ rõ thánh võ...", ca ngợi công đức của Nguyễn Kim, tri ân mảnh đất linh thiêng, rồi dựng bia ngay dưới chân núi Thiên Tôn. Vua Bảo Đại năm 1936 cũng đã đề đôi câu đối ở nhà thờ họ Nguyễn Hữu để ghi nhớ tổ tiên.
Bức ảnh do một nhiếp ảnh gia người Pháp chụp từ trên cao trước năm 1945 cho thấy lăng miếu Triệu Tường quy mô rất bề thế với nhiều công trình lớn nhỏ được kiến thiết quy củ như "kinh thành Huế thu nhỏ". Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố lịch sử, những lăng miếu dựng trên mảnh "đất quý hương" đã bị hủy hoại, chỉ còn ngôi đình cổ và những dấu tích nền móng...
Năm 2000, lăng miếu Triệu Tường và đình Gia Miêu được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện dự án trùng tu tôn tạo lăng miếu Triệu Tường và các di tích phụ cận trên quy mô gần 28 ha với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Giai đoạn một dự án (triển khai năm 2013) đã phục dựng xong Nguyên miếu và Trừng quốc công miếu, song giai đoạn hai đang phải tạm dừng do thiếu vốn và vướng các thủ tục đầu tư công.
Vùng đất phát tích triều Nguyễn
Sử cũ chép, năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập nên triều Mạc. Một số cận thần thân tín của nhà Lê đã bàn bạc, tập hợp hào kiệt bốn phương lánh lên Sầm Châu - vùng Thanh Hóa giáp Lào lập bản doanh phò Lê diệt Mạc, trong số đó có An Thành hầu Nguyễn Kim (hậu duệ đời thứ tư của Bình Ngô khai quốc công thần Nguyễn Công Duẩn, quê ở Gia Miêu).
Về sau, Nguyễn Kim tìm được con trai vua Lê Chiêu Tông là Lê Duy Ninh ở Thanh Hóa mang sang Ai Lao lập làm vua, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa (vua Lê Trang Tông, tại vị 1533-1548), khởi đầu sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Nguyễn Kim được vua tin dùng, phong cho làm Thượng phụ Thái sư hưng quốc công Trưởng nội ngoại sự để phò giúp diệt Mạc, lấy lại cơ nghiệp.
Sự nghiệp của Nguyễn Kim bị dừng lại vào năm Ất Tỵ (1545), khi ông bị tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất trá hàng đầu độc giết chết, thọ 78 tuổi. Vua Lê thương tiếc, truy ban tước Chiêu huân Tĩnh công, dùng lễ hậu đưa thi hài về táng ở núi Thiên Tôn. Để tránh bị các thế lực thù địch quật phá trừ diệt, họ hàng nhà Nguyễn đã giữ bí mật nơi táng ông suốt thời gian dài.
Hơn 300 năm sau, khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế (1802), thống nhất nước nhà, nhà Nguyễn mới công khai lăng mộ của Nguyễn Kim và vợ ông là bà chánh hậu Nguyễn Thị Mai (Triệu tổ Tĩnh Hoàng hậu) ở vùng Thiên Tôn. Tuy nhiên, vị trí chính xác không được tiết lộ. Mỗi lần tế bái Triệu Tổ, các vua nhà Nguyễn chỉ biết trông lên núi Thiên Tôn bái vọng.