Ngân hàng trung ương Saudi Arabia đã tiêu tới hơn 100 tỷ riyal (27 tỷ USD) dự trữ ngoại hối trong tháng 3. Đây là con số lớn nhất kể từ năm 2000, cho thấy tài chính công nước này đang chịu tác động mạnh. Thâm hụt ngân sách đang ngày càng lớn do giá dầu lao dốc và kinh tế đi xuống vì đại dịch.
Theo Bloomberg, dự trữ ngoại hối của vương quốc này hiện chỉ còn 464 tỷ USD - thấp nhất kể từ năm 2011. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Saudi Arabia Mohammed Al-Jadaan cho biết họ sẽ chỉ rút tối đa 120 tỷ riyal dự trữ trong năm nay.
Nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đang phải dùng đến dự trữ ngoại hối, bất chấp đã thu hẹp quy mô sản xuất và dựa vào vay nợ nhiều hơn để chống chọi với đợt lao dốc chưa từng có trên thị trường dầu. Dầu thô đóng góp phần lớn nguồn thu của chính phủ Saudi Arabia.
Giá dầu Brent đã giảm hơn 50% trong tháng 3 và vẫn đang đi xuống, hiện giao dịch quanh 20 USD một thùng. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 76,1 USD mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Saudi Arabia cần để cân bằng ngân sách.
Saudi Arabia vốn đang áp dụng chính sách phong tỏa để ngăn đại dịch lây lan. Họ đang chuẩn bị cho cú sốc thứ hai, từ giá dầu lao dốc và hoạt động cắt giảm sản xuất kỷ lục của OPEC và các đồng minh.
Bộ trưởng Al-Jadaan cho biết chính phủ nước này sẽ không dùng dự trữ ngoại hối vượt mức dự kiến. Họ sẽ nâng số tiền vay năm nay lên 220 tỷ riyal để củng cố ngân sách. Năm nay, Saudi Arabia đã hai lần phát hành trái phiếu quốc tế, huy động tổng cộng 19 tỷ USD từ nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tháng trước, quốc gia này nâng trần nợ công từ 30% lên 50% GDP. Nước này muốn bù đắp phần lớn thâm hụt ngân sách bằng vay nợ. Saudi Arabia cũng sẽ giảm chi tiêu công. Tháng trước, nước này đã công bố giảm 5% ngân sách năm nay.
Hà Thu (theo Bloomberg, NYT)