Theo dự thảo quy hoạch hệ thống chế biến, bảo quản cà phê gắn với sản xuất và xuất khẩu đến năm 2020, định hướng 2030 của Phân viện quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) mới công bố, tổng công suất thiết kế chế biến cà phê nhân, cà phê bột, kho bảo quản cà phê đã vượt so với cầu. Cụ thể, tổng công suất thiết kế của 97 doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê nhân là 1,503 triệu tấn một năm, cao hơn so với nhu cầu chế biến năm 2011 (trên 1,2 triệu tấn).
Ở góc độ khác, lĩnh vực chế biến cà phê bột có tổng công suất thiết kế hơn 51.664 tấn sản phẩm một năm, nhưng công suất thực tế chỉ đạt 50,51%. Năm 2011, dây chuyền chế biến cà phê bột của Công ty cổ phần VinaCafe Biên Hòa chỉ vận hành 2,63% công suất thiết kế và không ít xưởng chế biến cà phê bột của các công ty thành viên thuộc Tổng Công ty cà phê Việt Nam chỉ hoạt động 1 ca trong khoảng 30 ngày một năm do cung sản phẩm cà phê bột đã vượt so với cầu tiêu dùng ở thị trường trong nước, trong khi xuất khẩu cà phê bột là rất khó.
Từ thực tế trên, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp không nên xây dựng mới, hoặc nâng cấp công suất thiết kế đối với cà phê nhân, cũng như kho bảo quản cà phê kể từ năm 2012 đến năm 2020. Thay vào đó, nên tiếp tục đầu tư chế biến cà phê hòa tan, bởi lĩnh vực này đang có dư địa phát triển rất lớn khi vừa tận dụng khai thác lợi thế về nguồn nguyên liệu cà phê nhân có sản lượng lớn thứ hai thế giới (trên 1,1 triệu tấn); đồng thời tận dụng cơ hội thị trường tiêu thụ cà phê hòa tan trong nước và các nước mới nổi tăng cao. Hơn thế, phát triển cà phê hòa tan còn giúp tăng tổng giá trị các sản phẩm cà phê qua chế biến trong chuỗi giá trị gia tăng của ngành cà phê Việt Nam.
Mặc dù vậy, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty cà phê Thắng Lợi cho biết, đầu tư một nhà máy chế biến cà phê hòa tan đòi hỏi lượng vốn rất lớn (300 - 400 tỷ đồng), nên doanh nghiệp không dám đầu tư. Ngay như cà phê Thắng Lợi, hiện có thể lo được khoảng 30% vốn để đầu tư nhà máy, nhưng vì đầu ra của sản phẩm cà phê hòa tan hiện vẫn khá “mờ mịt”, cùng lãi suất ngân hàng còn quá cao, nên công ty chưa mạnh tay đầu tư. Trường hợp của Thắng Lợi cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp ngành cà phê hiện nay.
Thực tế trên cho thấy, nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước, chiến lược phát triển ngành cà phê chuyển dần theo hướng đầu tư vào chế biến cà phê hòa tan nhằm nâng cao giá trị cho ngành cà phê sẽ mãi chỉ là lý thuyết.
(Theo Báo đầu tư)