Ngày 19/2, BS.CK2 Dương Duy Trang, Phó giám đốc khối Nội, Bệnh viện Gia An 115, cho biết động mạch vành phải của bệnh nhân hẹp đến 99%, nhánh liên thất trước của động mạch vành trái hẹp 90%, động mạch mũ hẹp 80%. Nếu không can thiệp kịp thời, nguy cơ rất cao sẽ xảy ra cơn nhồi máu cơ tim.
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, suy thận và nhồi máu não cách đây một tháng. Do nhiều bệnh nền, người bệnh phải thực hiện hai cuộc can thiệp trong ba ngày để tái thông các động mạch.

BS.CK2 Dương Duy Trang can thiệp cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
"Các bệnh lý tim mạch thường diễn tiến âm thầm trong thời gian dài, kể cả khi xuất hiện triệu chứng thì trong nhiều trường hợp triệu chứng cũng mơ hồ, thoáng qua", bác sĩ nói.
Do đó, mỗi người nên chủ động thăm khám sức khỏe tim mạch định kỳ, đặc biệt cần chú ý lắng nghe cơ thể để không bỏ qua bất kỳ triệu chứng nào, dù nhỏ nhất. Đi khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi... để được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, tránh rủi ro cho sức khỏe
Đặt stent là thủ thuật ít xâm lấn, tương đối an toàn và có hiệu quả cao trong điều trị bệnh mạch vành. Tuy nhiên, sau khi đặt stent vẫn có nguy cơ tái hẹp, với tỷ lệ khoảng 5-10%, chủ yếu trong 3-12 tháng đầu. Để hạn chế nguy cơ tái hẹp, người bệnh cần tuân thủ lịch tái khám, uống thuốc theo chỉ định bác sĩ, thực hiện chế độ dinh dưỡng có lợi cho tim mạch, thể dục thể thao đều đặn và phù hợp với thể trạng, kiểm soát tốt các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu...
Lê Phương