Ngoài lễ hội Đống Đa tái hiện phong trào Tây Sơn với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ xưa kia, mỗi dịp Tết đến, miền đất thượng võ Bình Định còn tổ chức rất nhiều hoạt động khác mừng xuân.
Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn
Lễ hội Đống Đa - Tây Sơn tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (năm 1789). Lễ hội được tổ chức hoành tráng vào ngày mùng 4-5 Tết tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn.
Chương trình tế lễ Đống Đa diễn ra từ trưa mùng 4 tết với nhiều nghi lễ cổ truyền, tại điện Tây Sơn. Lễ tế được tổ chức tôn nghiêm, cả khu vực rộng lớn cờ lọng, nghi trượng rợp trời, chiêng trống rền vang... Người dự lễ như hòa mình vào hồn thiêng sông núi địa linh nhân kiệt.
Lễ hội ngày mùng 5 Tết hàng năm có những thay đổi nhỏ nhưng vẫn giữ các tiết mục chính là ôn lại chiến công hiển hách lịch sử của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn và cuộc đại phá quân Thanh. Ngày nay, đi dự lễ hội Đống Đa đối với người dân đất võ đã trở thành niềm tự hào đầu xuân.
Lễ hội Chợ Gò
Lễ hội Chợ Gò diễn ra ngày mùng 1 Tết ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước. Ở đây chủ yếu là họp chợ, mua bán đầu năm lấy may mắn cho cả năm. Việc mua bán chỉ tượng trưng, đi hội vui xuân là chính. Phong tục họp chợ đã tồn tại hàng trăm năm từ thời Tây Sơn đến nay.
Tương truyền 300 năm trước hai vị tướng quân Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng khi chỉ huy quân đóng tại khu vực này đã cho mở hội Chợ Gò để quân sĩ cùng nhân dân vui chơi cho vơi đi nỗi nhớ nhà trong những ngày Tết. Ngày nay lễ hội Chợ Gò ngoài việc mua bán còn có các trò chơi dân gian, đánh bài chòi, biểu diễn võ thuật đặc trưng của Bình Định.
Lễ hội đua thuyền
Xong hội chợ Gò, ngày hôm sau (mùng 2 Tết) là hội đua thuyền trên sông Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, quê ngoại của nhà thơ Xuân Diệu.
Hàng năm, cứ vào ngày mùng 2 Tết Nguyên đán, trên sông Gò Bồi (vùng trung tâm chợ) lại nhộn nhịp, huyên náo hẳn lên bởi hàng nghìn khách thập phương và người dân bản địa tập trung trên cầu, dưới bến hò reo cổ vũ cho hội đua thuyền truyền thống.
Hội đua thuyền ở đây có từ xa xưa, khơi dậy truyền thống quê hương vùng sông nước trong đánh giặc ngoại xâm. Hoạt động này nhằm tôi luyện sức dẻo dai phục vụ đánh bắt cũng như nuôi trồng thủy sản của ngư dân trong vùng, thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân biển.
Lễ hội Chùa Ông Núi
Chùa Ông Núi (tên chữ là Linh Phong thiền tự) nằm lưng chừng đỉnh Chóp Vung - đỉnh cao nhất của dãy núi Bà, về phía đông nam xã Cát Tiến. Sách xưa chép lại, năm Nhâm Ngọ (1702), có một người tên gọi là Lê Ban (tức thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì) đến núi này tu hành. Nhà sư dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống thanh bần trên núi, dùng vỏ cây làm quần áo. Dân trong vùng gọi sư là Mộc Y Sơn Ông (tức “ông núi mặc áo vỏ cây”). Do vậy, ngôi chùa này có tên chùa Ông Núi. Sư mất năm Thái Đức thứ 8, đời vua Nguyễn Nhạc.
Hàng năm, cứ vào dịp 24, 25 tháng Giêng, lễ hội chùa Ông Núi lại bắt đầu. Khách khắp nơi tấp nập về đây du xuân, thưởng ngoạn cảnh chùa.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn
Trong ba ngày 30 tháng Giêng và mùng 1, 2 tháng 2 âm lịch, tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, diễn ra lễ hội “Đô thị Nước Mặn”. Đây là một trong những lễ hội cổ truyền có quy mô lớn, ra đời cách đây gần 4 thế kỷ kể từ khi Cảng thị Nước Mặn còn ở thời kỳ phồn vinh.
Trong những ngày lễ hội, người dân khắp nơi đổ về An Hòa dự lễ, thắp hương cầu xin một năm mới làm ăn tốt lành. Nhiều người hiếm muộn còn đến dự hội để cầu mong về đường con cái.
Đêm hội Tháp Đôi
Đêm hội Tháp Đôi tổ chức vào tối mùng 2 Tết, tại di tích Tháp Đôi (thành phố Quy Nhơn). Đêm hội có nhiều tiết mục đặc sắc như trống hội, múa lân, hát múa Chăm tôn vinh vẻ đẹp Tháp Đôi huyền ảo, quyến rũ.
Đến với Bình Định vào mùa lễ hội, du khách đắm mình trong không gian văn hóa lễ hội, tắm ở những bãi biển đẹp nổi tiếng, ăn hải sản miền đất võ.
Paka Jatrang