Dầu thô Mỹ WTI thường giao dịch với giá thấp hơn vài USD so với Brent. Nhưng hôm qua, giá WTI và Brent gần như tương đương, với 115 USD một thùng. Đến sáng nay, WTI thậm chí vượt lên, hiện có giá 113 USD - cao hơn Brent là 112 USD. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, WTI đắt đỏ hơn Brent.
Diễn biến này cho thấy thị trường đang hỗn loạn trong bối cảnh đại dịch và xung đột tại Ukraine, ngay trước mùa hè cao điểm lái xe. "Tôi cho rằng đây là việc đáng chú ý", Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết.
Giá dầu tuần trước tăng mạnh, khi cả WTI và Brent đều lên sát đỉnh 2 tháng. Giá xăng trung bình tại Mỹ cũng lập kỷ lục 4,52 USD một gallon (3,7 lít). Khoảng cách giữa hai loại dầu này đã thu hẹp từ đầu tháng.
Nguyên nhân chính khiến giá tăng tốc là châu Âu cân nhắc cấm nhập dầu Nga để trừng phạt nước này. Việc này khiến các nước trong EU ráo riết tìm nguồn cung thay thế. Giá năng lượng cũng tăng khi Trung Quốc ám chỉ có thể nới lỏng các lệnh phong tỏa trong vài tuần tới. Việc này sẽ kéo nhu cầu nhiên liệu lên cao.
Hôm 16/5, giới chức Thượng Hải thông báo kế hoạch 3 giai đoạn để "bình thường hóa" trong tháng 6. Họ cho biết việc lây nhiễm trong cộng đồng đã được kiểm soát và đây là bước ngoặt quan trọng.
Việc này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và châu Âu sắp bước vào mùa hè - thời điểm nhu cầu nhiên liệu lên cao khi mọi người đi du lịch bằng ôtô. Giá dầu thường tăng cao trong bối cảnh nguồn cung thị trường thắt chặt. Tuy nhiên, việc WTI và Brent tiến sát giá nhau như hiện tại là điều đáng ngạc nhiên.
Janiv Shah - nhà phân tích tại Rystad Energy cho biết vấn đề nằm ở chỗ châu Âu chuyển hướng không dùng dầu Urals của Nga nữa. Việc này khiến các nước đổ xô tìm nguồn cung khác. "Dầu thô Nga trong hệ thống lọc dầu châu Âu đang giảm đi. Các loại dầu khác thì đang tăng lên", ông nói.
Các nhà buôn dầu ở phương Tây hiện có ít lựa chọn hơn trước đây, do lo ngại vi phạm lệnh trừng phạt lên Moskva và việc logistics trên Biển Đen gặp khó. Điều này đồng nghĩa họ đang mua bất kỳ loại dầu nào có thể tiếp cận, từ đó gây xáo trộn thị trường.
Bên cạnh đó, các hãng lọc dầu Mỹ đang cố tăng hoạt động để đáp ứng nhu cầu. Việc này đã đẩy WTI lên cao.
Diễn biến này có thể kéo dài thêm một thời gian nữa. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman hôm 16/5 cho biết kể cả nếu các nước có thể tăng sản xuất theo đúng mục tiêu, các hãng lọc dầu cũng không theo kịp. "Năng lực lọc dầu không đáp ứng được nhu cầu hiện tại và cả nhu cầu dự báo trong mùa hè", ông nói.
Hà Thu (theo CNN)