![]() |
Việc thăm dò dầu khí hiện nay đều sử dụng cấu trúc của các phân tử sinh học để đối chứng. |
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi ông J.F. Kenney của Tập đoàn khí đốt ở Houston, Texas, đã mô phỏng điều kiện ở độ sâu hơn 100 km dưới bề mặt trái đất, bằng việc đốt hỗn hợp đá cẩm thạch, sắt ôxit và nước trong nhiệt độ 1.500 độ C và áp suất 50.000 atm. Sau phản ứng, họ thu được một chút methane (thành phần chính trong khí tự nhiên) và octane (phân tử hydrocarbon dùng để sản xuất xăng dầu).
Khi xem xét mô hình toán học của quá trình nén ép này, nhóm nghiên cứu nhận thấy ngoại trừ methane, không có thành phần nào của dầu lửa có thể được hình thành ở độ sâu nhỏ hơn 100 km. Họ khẳng định dầu lửa chỉ được sinh ra ở tầng đá sâu hơn 100 km mà thôi. Và ở tầng đá này, dầu lửa ắt phải là sản phẩm của quá trình "vắt kiệt" khoáng chất.
Tuy nhiên trong thực tế, dầu lửa lại được tìm thấy ở tầng trầm tích nông hơn thế rất nhiều. Vì thế, nhóm nghiên cứu cho rằng dầu lửa đã hình thành trong điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao ở gần lớp manti của trái đất. Sau đó, chúng bị nước đẩy lên gần bề mặt (vì nước nặng hơn) và ở đây, các lớp trầm tích không thấm đã chúng giữ lại, tạo nên những mỏ dầu.
Các nhà địa hóa học xưa nay vẫn cho rằng dầu thô được hình thành ở độ sâu vài km dưới bề mặt đất, trong nhiệt độ từ 50 đến 150 độ C. Và quả thật họ cũng đã tái tạo được quá trình tương tự trong phòng thí nghiệm. Chính vì vậy, kết luận mới của Kenney vấp phải sự chỉ trích gay gắt của các nhà địa hóa học.
Họ cho biết có rất nhiều bằng chứng chỉ ra nguồn gốc sinh vật của dầu lửa. Chẳng hạn, dầu lửa và các phân tử sinh học đều chứa cùng một loại carbon và có cùng cấu trúc phân tử. Mặt khác, những dấu hiệu hóa học này cũng đang phát huy hiệu quả trong việc thăm dò giếng dầu. "Nếu dầu được hình thành từ khoáng chất, sẽ không thể có các công cụ thăm dò tốt như vậy được", McCaffery, một nhà địa hóa học tại công ty OilTracers LLC ở Dallas, Texas, nhận định. Tuy nhiên, Kenney và cộng sự vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về vấn đề này.
B.H. (theo Nature)