Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thuộc Liên Hợp Quốc đêm 21/12 ra thông cáo cho biết lò phản ứng nước nhẹ tại nhà máy hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên dường như đã bắt đầu hoạt động. "Dữ liệu quan trắc cho thấy cơ sở này bắt đầu xả nước ấm, dấu hiệu thể hiện lò phản ứng đã đạt trạng thái tới hạn", giám đốc IAEA Rafael Grossi cho hay.
Tới hạn là trạng thái cần có của lò phản ứng hạt nhân khi hoạt động bình thường, trong đó phản ứng phân hạch dây chuyền có khả năng tự duy trì.
"Chúng tôi không thể xác định tình trạng hoạt động của nhà máy hạt nhân Yongbyon nếu không được đến cơ sở này. Xây dựng và vận hành lò phản ứng nước nhẹ là động thái đáng tiếc, vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Lò phản ứng nước nhẹ có khả năng tạo ra plutonium và đó là lý do gây lo ngại", ông Grossi cho hay.
Giới chức Triều Tiên chưa bình luận về thông tin.
IAEA không thể tiếp cận Triều Tiên từ năm 2009, sau khi Bình Nhưỡng trục xuất các thanh sát viên của tổ chức, buộc họ dựa vào dữ liệu vệ tinh để giám sát hoạt động hạt nhân của quốc gia này.
Plutonium là thành phần chính trong vũ khí hạt nhân, có thể được chiết xuất trong quá trình xử lý các thanh nhiên liệu phân hạch đã qua sử dụng. Triều Tiên được cho là tích lũy đủ plutonium để chế tạo hàng chục đầu đạn hạt nhân nhờ vận hành lò phản ứng đầu tiên có công suất 5 MW tại nhà máy Yongbyon.
Nhà máy Yongbyon được coi là "viên ngọc quý" của chương trình hạt nhân Triều Tiên. Được xây dựng vào năm 1979, cơ sở này sản xuất plutonium và những vật liệu cần thiết để Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử bom nguyên tử đầu tiên hồi năm 2006.
Ảnh vệ tinh thương mại được công ty Maxar của Mỹ công bố giữa năm 2022 cho thấy hoạt động thi công ở lò phản ứng thứ hai, vốn ngừng xây dựng suốt nhiều năm qua tại tổ hợp Yongbyon. Lò phản ứng này có công suất 50 MW, gấp 10 lần lò phản ứng đầu tiên. Bình Nhưỡng đình chỉ dự án xây dựng lò phản ứng thứ hai hồi năm 1994 trong khuôn khổ thỏa thuận với Washington.
Vũ Anh (Theo AFP)