1. Tự tin thái quá
Một đứa trẻ tự tin thái quá luôn cảm thấy có thể làm mọi việc tốt hơn người khác và quan trọng hóa vấn đề so với mọi người xung quanh. Lấy ví dụ, trẻ tự tin sẽ cảm thấy mình có thể làm tốt nhiệm vụ được giao, nhưng trẻ kiêu ngạo lại cho rằng không ai có thể làm giỏi hơn mình. Ở mọi nhiệm vụ, các em luôn coi đó là cuộc thi và cần giành vị trí đứng đầu.
2. Khoe khoang
Trẻ kiêu ngạo thường hay khoe khoang thành tích, khả năng của bản thân hoặc gia thế của gia đình. Một đứa trẻ tự tin rất tự hào về thành tích cá nhân nhưng thường không có ý khoe mẽ trong khi trẻ kiêu ngạo có thể không hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng rất thích thể hiện trước mặt mọi người xung quanh.
3. Che giấu nhược điểm
Nhược điểm, sai lầm thường khiến mọi người tự ti nhưng nhiều người sẵn sàng đối mặt và chấp nhận. Trong khi đó, trẻ kiêu ngạo thường che giấu, đổ lỗi cho người khác hoặc không dám đối diện. So sánh với trẻ tự tin, các em sẵn sàng bộc lộ sai sót của bản thân với hy vọng nhận được hướng dẫn sửa đổi và nỗ lực hoàn thiện bản thân.
4. Cạnh tranh
Đối với những đứa trẻ kiêu ngạo, mọi hoạt động đều mang tính cạnh tranh, ngay cả trò chơi đơn giản với bạn bè. Các em luôn cố gắng trở thành người chiến thắng dù có thể chỉ do các em tưởng tượng ra bảng xếp hạng. Với mọi người, các em có thể thể hiện thái độ khinh thường, phán xét nhưng hiếm khi nhìn nhận lại sai sót của bản thân.
5. Tâm lý bất an
Nhiều đứa trẻ kiêu ngạo đóng vai là kẻ bắt nạt. Các em coi người khác như mối đe dọa, từ đó nảy sinh hành động bắt nạt tinh thần hoặc thể xác để "hạ bệ" họ. Thậm chí các em không sẵn sàng bao dung cho lỗi lầm của người khác. Trong khi đó những đứa trẻ tự tin đối xử với mọi người rất công bằng.
6. Không có tinh thần đồng đội
Trẻ kiêu ngạo luôn khao khát giành được sự chú ý và trở thành tâm điểm. Các em không thích làm việc nhóm hoặc phải chia sẻ thành quả với mọi người xung quanh. Trẻ có xu hướng làm việc một mình để gây ấn tượng hoặc tự tạo áp lực phải trở nên hoàn hảo, không ai sánh bằng.
7. Thiếu sự tôn trọng
Đối với trẻ kiêu ngạo, tất cả lời nói, suy nghĩ của các em luôn luôn đúng. Khi mọi người không đồng tình, trẻ sẽ tỏ thái độ coi thường. Ngoài ra, chúng hầu như không quan tâm đến suy nghĩ, ý tưởng của mọi người xung quanh.
8. Coi bản thân là trung tâm của vũ trụ
Trẻ kiêu ngạo thường coi bản thân là "cái rốn của vũ trụ", ám chỉ những người có quyền đặc biệt, được mọi người tôn vinh, quan tâm hết mực. Các em cho rằng việc được ưu ái là điều hiển nhiên, tự coi thành quả của bản thân là hơn người.
4 sai lầm của phụ huynh khiến trẻ trở nên kiêu ngạo
Khen ngợi liên tục: Việc công nhận thành công của trẻ rất hữu ích để thúc đẩy sự nỗ lực, tinh thần lạc quan ở trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn khen ngợi liên tục, dù là điều nhỏ nhặt nhất sẽ khiến trẻ nảy sinh thái độ kiêu ngạo. Bạn nên khen ngợi khi trẻ vượt qua những khó khăn đòi hỏi sự dốc sức đặc biệt, chẳng hạn khi lần đầu biết xúc cơm, lần đầu có thể tự thay quần áo. Khi khen, bạn hãy nhấn mạnh thành công này xuất phát từ sự nỗ lực, kiên trì của trẻ thay vì khen ngợi chung chung như "Con làm tốt lắm!", "Con giỏi quá!".
So sánh con: Giống như người lớn, trẻ em có những thế mạnh, tài năng khác nhau. Nếu con bạn giỏi múa và con người khác không như vậy, bạn không nên khen con rằng "Con múa đẹp hơn bạn này" hay "Bạn này múa xấu hơn con". Những sự so sánh nhằm đề cao trẻ sẽ khiến các em nảy sinh thói tự kiêu, coi bản thân là nhất và ngừng cố gắng. Khi phát hiện khuyết điểm của bản thân, các em sẽ che giấu chúng thay vì đối mặt.
Nuông chiều: Cha mẹ luôn muốn dành cho con cái những điều tốt đẹp, quý giá nhất nhưng vô tình sự nuông chiều quá mức sẽ khiến con nảy sinh tâm lý kiêu ngạo hoặc thói quen ỷ lại. Khi con làm sai, bạn không nên dung túng mà nên chỉ ra sai lầm để con học cách thay đổi hoặc giúp con hiểu và đối mặt với những bất công trong xã hội.
Tấm gương xấu: Trong nhiều trường hợp, trẻ mô phỏng lại hành động, thái độ của cha mẹ hoặc người lớn thân cận. Nếu phụ huynh có tính cách kiêu căng, ngạo mạn, trẻ có thể lấy đó làm gương, hình thành tính cách xấu.
Tú Anh (Theo Mama Lette)