Huawei vừa bắt tay hãng viễn thông MTS để triển khai 5G tại Nga. Theo CNN, hợp đồng này mang ý nghĩa không chỉ với công ty Trung Quốc trước lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Donald Trump, mà còn là tín hiệu cho thấy sắp có một liên minh Internet Nga - Trung nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ, thậm chí vượt Mỹ trong tương lai.
Trong nhiều năm, Mỹ không đánh giá cao Nga và Trung Quốc. Nhà Trắng cho rằng đây là các quốc gia tụt hậu về mặt công nghệ, ăn cắp, sao chép thành quả của Mỹ, không thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon do sự kiểm duyệt và can thiệp của chính phủ.
Nhưng khi Huawei - công ty viễn thông lớn nhất thế giới - tăng tốc phát triển 5G, Mỹ lập tức có động thái ngăn chặn. Giữa tháng 5, chính quyền Trump đã cấm công ty Trung Quốc tham gia xây dựng hạ tầng mạng 5G tại Mỹ, cũng như kêu gọi đồng minh hạn chế hoặc cấm sử dụng thiết bị Huawei với lý do Bắc Kinh có thể sử dụng cơ sở hạ tầng để khai thác dữ liệu nhạy cảm cho hoạt động gián điệp. Tất nhiên, hãng điện tử Trung Quốc nhiều lần phủ nhận sản phẩm của họ có rủi ro như cáo buộc.
Tác động của lệnh cấm với Huawei không hề nhỏ. Theo Xinhuanet, công ty đang có hơn 45 hợp đồng 5G thương mại ký với 30 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, sau khi bị Mỹ đưa vào danh sách tiềm ẩn nguy cơ an ninh quốc gia, số đơn hàng đã giảm hẳn. Nokia của Phần Lan nhận 12 hợp đồng 5G mới trong hai tháng qua, trong khi công ty Trung Quốc chỉ dừng lại ở con số 3.
Nhưng Huawei đã đạt được một hợp đồng cực kỳ quan trọng trong số đó, sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva ngày 5/6: bắt tay MTS để triển khai 5G. Một số nhà quan sát cho rằng ký kết này không chỉ liên quan đến kinh tế, mà còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn.
Trên thực tế, sự phân chia các phe đồng minh bắt đầu từ khi mạng 5G bắt đầu manh nha. Một bên nghiêng về Trung Quốc, cho rằng sản phẩm của Huawei không có vấn đề gì, Nga là trường hợp mới nhất. Một bên nghiêng về Mỹ, đặc biệt là các đồng minh thân cận, lo ngại công ty Trung Quốc có hoạt động gián điệp, đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, cũng có những quốc gia trước đây luôn thân Mỹ nhưng không muốn bị chậm trễ 5G, chấp nhận hợp tác với Huawei để triển khai sớm nhằm tránh bị tụt hậu.
Theo một số nhà quan sát, sự phân chia đó phải đưa ra sự lựa chọn phải đứng về bên nào, đồng nghĩa với nguy cơ Internet thế hệ tiếp theo có nguy cơ phân chia theo hai cực Mỹ - Trung. "Các lĩnh vực công nghệ sẽ loại trừ lẫn nhau, không còn đơn giản là sự phản chiếu giữa các lục địa. Đối với các nước trên thế giới, điều đó có nghĩa là mọi quyết định đầu tư và kinh doanh đều mang yếu tố chính trị", nhà phân tích công nghệ Tim Culpan đánh giá.
Về cơ bản, Internet là một nền tảng mở và chia sẻ xuyên biên giới dựa trên một quy tắc đồng nhất. Theo Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (CIGI), Internet là một cấu trúc mỏng manh, kết hợp giữa phần cứng, phần mềm, tiêu chuẩn và cơ sở dữ liệu, được điều hành bởi một loạt tác nhân tư nhân. Tuy vậy, sự mong manh đó trở nên rõ ràng hơn.
Trung Quốc từng bị lên án khi kiểm soát Internet bằng "tường lửa", áp dụng chủ quyền không gian mạng, ưu tiên thúc đẩy sản phẩm công nghệ trong nước, buộc bên ngoài phải bản địa hóa dữ liệu bằng cách đặt máy chủ tại nước mình... Tuy nhiên gần đây không ít quốc gia bắt đầu có động thái tương tự, Nga là một trong số đó. Năm ngoái, cựu Giám đốc điều hành Google, Eric Schmidt, cũng từng cảnh báo thế giới sẽ bị chia rẽ giữa "một mạng Internet do Trung Quốc lãnh đạo và một mạng không phải của Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu".
Các chuyên gia cũng có chung đánh giá rằng, việc kiểm duyệt sẽ phân chia Internet thành hai hoặc nhiều thái cực, từ đó các quốc gia sẽ hình thành tiêu chuẩn và quy định khác nhau, khiến việc giao tiếp quốc tế trở nên khó khăn hơn. "Thế giới đang phân cực Internet và sự phát triển của mạng 5G sẽ làm điều đó trở nên rõ nét hơn", James Griffiths, nhà phân tích của CNN, nhận định.
Bảo Lâm tổng hợp