Chanel
Ngay từ khi mới ra đời cách đây hơn 100 năm, sản phẩm của Chanel đã được thiết kế theo tiêu chí giản dị, thanh lịch, thực tế nhưng dựa trên triết lý nổi loạn. Từ những năm đầu thế chiến thứ nhất, khi phụ nữ bị bó buộc bởi những chiếc áo corset chật chội và đường chít eo nhỏ xíu, Gabrielle Bonheur Chanel đã xuất hiện và làm đảo lộn hoàn toàn quan niệm về cái đẹp. Bà là người đầu tiên ứng dụng cách cắt may trang phục nam để tạo ra điểm nhấn trong các trong thiết kế dành cho phái nữ mà tiêu biểu là quần tây.
Từng gặp vô vàn chỉ trích, kỳ thị do định kiến xã hội thời bấy giờ, tuy nhiên, lịch sử đã ghi công Chanel như một nhân vật làm nên cuộc cách mạng giải phóng cơ thể phụ nữ. Thương hiệu này đã biến chất liệu thô ráp, rẻ tiền vốn chỉ dành cho tầng lớp lao động như vải tweed thành những chiếc áo khoác cổ tròn hiện đại với những đường may tinh tế. Đến năm 1950 - thời điểm đánh dấu sự thay đổi vai trò của nữ giới trong xã hội - vải tweed nhanh chóng được chị em yêu thích và trở thành chất liệu cao cấp, với cái giá chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Ngày nay, khi nhắc đến chất liệu này, những người sành thời trang không thể không nghĩ ngay đến Chanel, và ngược lại.
Triết lý nổi loạn của Coco Chanel luôn được những người kế thừa tôn trọng và phát huy xuất sắc, đặc biệt là Karl Lagerfeld. Những sàn catwalk xa xỉ và đặc sắc của Karl Lagerfeld mỗi lần ra mắt bộ sưu tập mới luôn làm cho cả thế giới phải kinh ngạc và ngả mũ chào. Sự sáng tạo vô tận nhưng vẫn dựa trên nền tảng giá trị truyền thống của Karl đã góp phần đưa thương hiệu này trở lại thời kỳ hoàng kim của thời trang cao cấp.
Dior
Nếu như Chanel chấp nhận sự sáng tạo vượt qua mọi khuôn mẫu, thì Dior lại chọn con đường phát huy và làm mới những giá trị cốt lõi. Từ chiếc áo chít eo và đầm New Look quyến rũ do người sáng lập Christian Dior tạo ra cách đây hơn nửa thế kỷ, đến nay, những kiểu váy nữ tính vẫn mang phom dáng đặc trưng nhưng được phối màu sắc sinh động cùng kỹ thuật cắt may tinh xảo hơn. Tôn vinh tối đa vóc dáng người mặc đã trở thành đặc trưng của nhà mốt Christian Dior.
Bằng cách này hay cách khác, những người tiêu biểu tiếp nối sự nghiệp của Dior sau này như Yves Saint Laurent, Galliano hay Raf Simon đều để lại dấu ấn của bản thân nhưng vẫn kế thừa tinh thần thiết kế sang trọng, quý phái của Dior. Tiêu biểu nhất, trong bộ sưu tập cao cấp Thu Đông 2012-2013, những thiết kế đơn giản nhưng tinh tế đến từng chi tiết của Simon đã cho thấy sự tiếp nối rất thành công của thế hệ trẻ, mang đến cho thương hiệu này một diện mạo trẻ trung, mới mẻ nhưng vẫn đầy quyền lực. Là một trong những thương hiệu Pháp vẫn duy trì dòng sản phẩm xa xỉ Haute Couture dù kinh tế ngày càng khó khăn, Dior xem đó là cách khẳng định đẳng cấp trong kỹ thuật mà họ đang nắm giữ bản quyền.
Louis Vuitton
Trải qua lịch sử hơn 150 năm, từ một cửa hiệu đóng vali, Louis Vuitton đã có nhiều bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu. Những thay đổi lớn nhất của Louis Vuitton phải kể đến việc mở rộng các mặt hàng từ vali hành lý (1854) đến túi xách cầm tay (1901), thời trang may sẵn (1997) và đồ trang sức (2001). Phong cách đặc trưng của Louis Vuitton cực kỳ phổ biến với những chất liệu, họa tiết rất cơ bản như canvas Damier (vải bố chống thấm), Monogram, hoa anh đào cùng logo chữ L và V được lồng vào nhau. Trải qua hàng trăm năm, chúng vẫn chưa có dấu hiệu lỗi mốt, vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của giới yêu thời trang. Một sự thật không mấy dễ chịu cho nhà mốt này: túi của LV được xếp vào mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất thế giới.
Dù vẫn giữ nguyên những giá trị chuẩn mực của mình, Louis Vuitton liên tục thực hiện những bước thay đổi linh hoạt. Với những giám đốc sáng tạo mới như Marc Jacobs hay mới đây là Nicolas Ghesquiere, Louis Vuitton cho thấy sự táo bạo và không ngần ngại với những thử nghiệm, dù chúng có thể mạo hiểm. Cùng tuyên ngôn: "Đừng bao giờ quên rằng những gì kinh điển và bất biến theo thời gian từng là những thử nghiệm mới", Nicolas Ghesquiere mang đến cho bộ sưu tập Louis Vuitton Thu Đông 2014 - 2015 một diện mạo mới mẻ, đáng chờ đợi trên nền chất vải canvas kinh điển.
Bên cạnh đó, với tôn chỉ kinh doanh không chạy theo số đông, Louis Vuitton vẫn giữ vững đẳng cấp thương hiệu của mình dù gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của những thương hiệu trẻ mới lên. LV là nhãn hiệu duy nhất chưa từng treo biển giảm giá, vì sản phẩm của họ luôn được bán với số lượng rất có hạn. Mỗi năm, hãng chỉ cho ra vài kiểu dáng đặc biệt. Chẳng hạn như với phiên bản túi Theda năm 2004 có giá 5500 USD, Louis Vuitton chỉ để cho tất cả phụ nữ trên đất nước Anh có 12 chiếc.
Hermès
Ra đời năm 1837 tại một xưởng làm yên ngựa tại Paris, những chiếc túi Hermès với chất liệu da cao cấp từng bước đưa tên tuổi thương hiệu Hermès nổi bật giữa những thương hiệu xa xỉ. Dù trải qua gần 200 năm phát triển, những chiếc túi Hermès vẫn không có nhiều thay đổi về thiết kế, chất liệu và phương pháp sản xuất. Đặc trưng của Hermès là thiết kế trang nhã, được làm hoàn toàn thủ công với chất liệu da quý hiếm như da cá sấu nước mặn, da báo, da đà điểu..., với chế độ bảo hành đặc biệt. Yếu tố làm nên giá trị huyền thoại của thương hiệu này là chúng được làm bởi các nghệ nhân cao tuổi và có tay nghề vô cùng tinh xảo.
Nếu dòng túi Hermès Kelly, lấy cảm hứng từ "biểu tượng thời trang" Grace Kelly của Monaco - là niềm khao khát của các quý bà giàu có, nhiều phụ nữ trẻ thành đạt lại ưa chuộng các sản phẩm dạo phố có màu sắc tươi tắn, thanh lịch thuộc dòng Birkin. Dù "giậm chân tại chỗ" về thiết kế nhưng sự phân chia này giúp Hermès tiếp cận được với phụ nữ ở nhiều độ tuổi, điều mà các sản phẩm của Louis Vuitton chưa hẳn đã làm tốt.
Một lý do khác tạo nên sức hút khó cưỡng của túi xách Hermès là chúng chỉ được sản xuất với số lượng rất hạn chế, được ưu tiên bán cho những nhân vật nổi tiếng với giá “trên trời”: từ 6.000 đến 150.000 USD, có phiên bản trị giá đến hàng triệu đô. Có lẽ, chính sự “bảo thủ” trong việc làm mới sản phẩm và thái độ “kiêu kỳ” của Hermès càng khiến cho phụ nữ không ngừng thèm khát chiếc túi này theo thời gian.
Chi Yên - An An