Luôn cảm thấy mình là người có lỗi
Nếu một người liên tục phải đấu tranh với mong muốn xin lỗi hoặc cảm giác có lỗi mỗi khi tương tác với người khác, rất có thể người đó đã trải qua tuổi thơ không dễ dàng.
Cảm giác tội lỗi nội tại và mãn tính không tự dưng xuất hiện mà do được dạy. Ví dụ, một người lớn lên trong gia đình nghiêm khắc hoặc cha mẹ có những tiêu chuẩn cao quá mức, trải nghiệm đó trong những năm tháng tuổi thơ đã có tác động lâu dài, nuôi dưỡng lòng tự trọng thấp và xu hướng làm hài lòng mọi người khi người đó trưởng thành.
Luôn cố làm hài lòng đám đông
Một số người có đặc điểm tính cách luôn làm hài lòng mọi người, đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình, cảm thấy day dứt khi nói "không". Hành vi này vượt xa những hành động tử tế đơn thuần. Tính cách này của họ bắt nguồn từ việc thiếu được quan tâm khi còn nhỏ. Khi đã trưởng thành, mong muốn được chấp thuận, được người khác tán dương khiến người đó cảm thấy bất an khi không làm hài lòng người khác.
Không dám nhận lời khen
Lời khen là cách để chúng ta trao một phản hồi tích cực tới ai đó. Nó cho bạn biết rằng bạn đã làm tốt công việc và được đánh giá cao. Tuy nhiên, đối với một số người, việc chấp nhận lời khen không phải là điều dễ dàng. Nguyên nhân là họ thiếu nhận thức về giá trị bản thân. Điều này có thể liên quan đến việc bố mẹ họ là người tự ái cao, khiến họ lớn lên với suy nghĩ rằng những lời khen ngợi là có điều kiện. Đối với họ, lời khen ngợi dưới bất kỳ hình thức nào đều có động cơ ẩn giấu hoặc kèm theo những ràng buộc. Điều này không chỉ khiến họ gặp vấn đề về lòng tin khi trưởng thành, thậm chí gặp khó khăn trong việc chấp nhận lời khen, ngay cả khi xứng đáng.
Không bao giờ dám đối đầu
Bạn sợ xung đột và sẽ làm mọi cách để tránh nó. Trên thực tế, bạn thường im lặng, không muốn nói hay làm bất cứ điều gì có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Hành vi này bắt nguồn từ quá trình giáo dục của bạn, khi những trải nghiệm ban đầu với những nhân vật quyền lực không ổn định có thể khiến bạn nảy sinh tâm lý sợ hãi, không dám đối đầu. Kết quả là bạn khó có thể đứng lên bảo vệ bản thân hoặc khẳng định ý kiến của mình do e sợ sự trừng phạt.
Trên thực tế, kiểu hành vi này không hề tốt cho sức khỏe tinh thần của bạn. Việc dồn nén và kìm nén cảm xúc sẽ khiến bạn có lúc bộc phát theo những cách không lành mạnh khác.
Gặp khó khăn khi thể hiện bản thân
Nếu việc bày tỏ cảm xúc hoặc thậm chí hiểu cảm xúc của bản thân trở nên khó khăn như giải mã một ngôn ngữ bí mật thì tuổi thơ của bạn dường như không dễ dàng.
Điều chỉnh cảm xúc và hành vi là một kỹ năng phát triển quan trọng. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta được dạy cách xác định cảm giác của mình và hiểu được những gì chúng ta cần. Đổi lại, chúng ta học cách quản lý và kiểm soát những cảm xúc đó một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu bạn chưa bao giờ được cung cấp những công cụ chính xác hoặc vốn từ vựng đầy đủ khi còn nhỏ, điều này sẽ khiến bạn gặp bất lợi về mặt xã hội khi trưởng thành. Thậm chí, bạn được khuyên rằng nên giảm bớt, kìm nén hoặc gạt bỏ cảm xúc. Việc bạn không có khả năng xác định, xử lý và thể hiện cảm xúc khiến bạn khó đưa ra quyết định sáng suốt.
Kỹ năng ra quyết định tệ hại
Kết quả của một nghiên cứu từ Đại học Harvard cho thấy, trung bình một người Mỹ trưởng thành đưa ra 35.000 quyết định mỗi ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng ra quyết định. Một số người thích vai trò thụ động hơn. Ý nghĩ đưa ra quyết định khiến họ hoảng sợ.
Các nghiên cứu chỉ ra, nếu bạn thiếu lòng tự trọng, điều đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kỹ năng ra quyết định của bạn. Bạn lo lắng về hậu quả của quyết định của mình hoặc bạn sẽ bị người khác đánh giá. Điều này có nghĩa bạn chỉ đơn giản là đang nuôi dưỡng sự nghi ngờ bản thân một cách không lành mạnh. Vì vậy, bạn cần có sự chấp thuận của người khác trước khi cam kết, một cách giải phóng bản thân khỏi mọi trách nhiệm.
Thấy mình không xứng đáng với tình yêu
Khi còn nhỏ, nếu trẻ liên tục bị chỉ trích hoặc rơi vào cảm giác không xứng đáng, không được yêu mến bởi một nhân vật có thẩm quyền nào đó, điều đó sẽ để lại hậu quả lâu dài. Trẻ sẽ lớn lên với sự thiếu niềm tin vào tình yêu. Không chỉ vậy, sự tin tưởng và chấp nhận bản thân cũng là một cuộc đấu tranh thực sự. Thậm chí, người trưởng thành từ môi trường này không biết thế nào là một mối quan hệ lành mạnh, không có điểm tham chiếu, từ đó có ý thức suy giảm về bản thân và trí tuệ cảm xúc kém phát triển.
Thùy Linh (Theo Hackspirit)