Theo chuyên gia tâm lý Rachel Goldberg, người sáng lập tổ chức Rachel Goldberg Therapy (California, Mỹ) có một số dấu hiệu để nhận diện những người là anh chị em độc hại.
Họ liên tục chỉ trích bạn
Anh chị em của bạn có thường nhận xét chê bai về ngoại hình, sự nghiệp, tình hình tài chính hay những lựa chọn trong cuộc sống của bạn không? Nếu họ luôn tìm thấy những điều "không tốt" trong cuộc sống của bạn để chỉ trích, chuyên gia cho rằng đó là một dấu hiệu "đỏ".
Luôn có thái độ cạnh tranh (kèn cựa)
Một chút ganh đua giữa anh chị em ruột là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu anh chị em kèn cựa quá mức với bạn về mọi thứ, điều đó có thể khiến bạn mệt mỏi và bực bội.
Giả sử bạn được thăng chức, thay vì chúc mừng, người anh chị em của bạn lại khoe họ làm việc tốt như thế nào đồng thời nêu bật những sự kiện tiêu cực trong cuộc sống của bạn. Thậm chí, một số trường hợp, anh chị em lan truyền tin đồn để làm tổn hại đến danh tiếng của bạn và khiến họ trông tử tế, tốt đẹp hơn.
Thường xuyên thao túng và vi phạm các ranh giới
Anh chị em độc hại có cách để khiến bạn cảm thấy tội lỗi, liên tục đóng vai nạn nhân để đạt được điều họ muốn hoặc im lặng đối xử với bạn trong một cuộc tranh cãi để duy trì lập trường quyền lực.
Trường hợp khác, họ không tôn trọng các quy tắc, ranh giới bạn đặt ra. Ví dụ, người đó liên tục xâm phạm quyền riêng tư của bạn hoặc lấy đồ của bạn mà không hỏi, điều đó đồng nghĩa với việc họ không tôn trọng quyền tự chủ hoặc lựa chọn của bạn.
Bạn luôn phải dè chừng họ
Anh chị em ruột thịt là những người bạn tìm được cảm giác thân thuộc, tin cậy, không dè chừng. Tuy nhiên, nếu bạn thấy mình luôn trong tình trạng phải cảnh giác, cẩn thận những cơn giận bùng nổ của đối phương hoặc không thể xây dựng mối quan hệ lành mạnh với họ, điều đó cho thấy bạn và anh chị em ruột đang không có mối quan hệ tốt.
Thiếu sự đồng cảm
Lòng nhân ái, sự đồng cảm là con đường hai chiều trong các mối quan hệ, kể cả giữa anh chị em ruột. Giống như việc bạn thể hiện sự đồng cảm với anh chị em mình khi họ gặp khó khăn, bạn xứng đáng nhận được điều tương tự. Trong khi đó, anh chị em độc hại có thể thiếu sự đồng cảm và không thừa nhận hoặc xác nhận cảm xúc của các anh chị em mình.
Khi họ không thừa nhận hoặc thẳng thừng gạt bỏ cảm xúc của bạn, từ chối đưa ra những hỗ trợ cần thiết trong thời điểm khó khăn, điều đó có thể khiến mối quan hệ của bạn trở nên thiếu tích cực. Hành vi này có thể bắt nguồn từ xu hướng tự ái - nghĩa là anh chị em của bạn mong muốn nhu cầu của họ được đặt lên hàng đầu.
Thùy Linh (Theo Bestlife)