Chia sẻ với VnExpress, ông Ezuka Mitsuhiro, Trưởng ban Quan hệ công chúng Hiệp Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM (JCCH) cho biết, rau quả của Việt Nam thời gian qua xuất sang Nhật rất được ưa chuộng. Điển hình như thanh long, xoài, vải thiều, lá tía tô, mùi tây, chuối...
Cùng với nông sản, dầu dừa, phở gói của Việt Nam dù mới vào thị trường nhưng bán khá chạy. Vị này cũng cho biết, sắp tới sẽ còn nhiều nông sản Việt được xuất sang đây.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả cả nước ước đạt 2,33 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2017. Xét về giá trị xuất khẩu, Nhật Bản vẫn là một trong 4 thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc.
Ông Ezuka Mitsuhiro cho biết, bên cạnh nông sản, những sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia sản xuất tại Việt Nam cũng được bán nhiều ở Nhật.
“Tôi chủ yếu làm việc tại Việt Nam nhưng mỗi lần về thăm quê hương và mua đồ dùng thì khá bất ngờ trước nhiều món hàng được gắn mác "made in Vietnam". Nếu trước đây các sản phẩm như giày dép, quần áo, thiết bị điện tử gắn mác "made in China, Ấn Độ", thì nay nơi sản xuất là Việt Nam đang ngày càng áp đảo”, ông Ezuka Mitsuhiro nói và cho biết thêm, Việt Nam đang là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư Nhật. Hiện, số lượng công ty Nhật tại TP HCM tăng nhanh với 980 doanh nghiệp. Xếp thứ 3 thế giới về quy mô hội viên trong số các Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài, sau Thượng Hải và Bangkok.
Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa công bố, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong 8 tháng là 24,35 tỷ USD, tăng hơn 4% so với cùng kỳ. 97 quốc gia, vùng lãnh thổ đã rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Vượt qua Hàn Quốc, Nhật Bản vươn lên vị trí đứng đầu khi có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong 8 tháng qua, đạt 7 tỷ USD (chiếm gần 29% tổng vốn đầu tư).
Thi Hà