Người bệnh thường chỉ đau ở một bên, trái hoặc phải; đau từ trước ngực (xương ức) lan theo "mạng sườn" ra phía sau ở cạnh cột sống. Có thể có điểm đau và hiện tượng tăng cảm giác ở vùng đau khi thầy thuốc khám thăm dò...
Đau dây thần kinh liên sườn thường xuất hiện khi có các bệnh nhiễm khuẩn (cúm, lao, thấp khớp), các bệnh bên trong (phổi, màng phổi, tim, gan) hay tổn thương ở đốt sống lưng (lao, ung thư nguyên phát hay di căn, thoái hóa, u tủy).
Nhiều trường hợp bệnh nhân đau từ ngoại vi (vùng ngực, xương ức) trở vào cột sống, cảm giác này tăng khi ho, hắt hơi hay thay đổi tư thế. Nhiều trường hợp đau do zona liên sườn (virus tấn công vào dây thần kinh). Biểu hiện ban đầu là đau, sau đó phát ban đỏ, mụn nước ở vùng da có dây thần kinh liên sườn đi qua. Cuối cùng xuất hiện ban da hình dãy từ cột sống tới xương ức. Bệnh nhân cần chú ý không để vỡ mụn nước vì sẽ làm dải ban đỏ-mụn nước lan rộng, gây chèn ép nhiều nơi.
Đau dây thần kinh liên sườn là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau, do đó cần phải theo một trình tự chẩn đoán:
- Phát hiện sớm chứng đau của bệnh tim, phổi và bệnh nhiễm khuẩn.
- Theo dõi kỹ, kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng.
- Đối với zona liên sườn, nên cho người bệnh bôi acyclovir (vacrax) mỗi ngày 2-3 lần vào dải mụn nước. Để xử lý chung cho chứng đau, có thể dùng các thuốc giảm đau, nếu cần cho thêm một ít thuốc an thần.
TS Nguyễn Chương, Sức Khỏe & Đời Sống