Nhưng hàng xóm đã quá quen với cuộc náo loạn này. Họ biết rõ Guoguo nổi cơn tam bành là vì bố mẹ vừa lấy điện thoại khỏi tay nó.
Guoguo sinh ra trong gia đình thuộc tầng lớp lao động. Fang, mẹ cậu bé 35 tuổi, làm nội trợ, bố tên Liang, là một tài xế xe tải. Cậu có người chị sinh đôi tên Tangtang và chị gái 12 tuổi tên Panpan.
Người mẹ cho biết, cặp song sinh nghiện điện thoại từ lúc chưa biết đọc. Guoguo chưa biết gõ bàn phím nhưng biết dùng điện thoại bằng cách nhập liệu qua giọng nói.
Ở Trung Quốc, lệnh tìm kiếm "Phải làm gì nếu con nghiện điện thoại di động" cho hàng triệu kết quả. Một cuộc khảo sát năm 2019, cho thấy hơn 93% phụ huynh quốc gia này cho con sử dụng điện thoại di động hàng ngày. Hơn 30% những người được khảo sát cho biết họ đã thất bại trong việc hướng dẫn con cái sử dụng các thiết bị một cách hợp lý.
Hiện tại, quốc gia tỷ dân đang khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Nhưng nghĩ đến cảnh vật lộn đối phó với cơn nghiện điện thoại, nhiều cha mẹ trẻ e dè.
Nhiều năm nay, chị Fang đã phải trải qua một cuộc chiến lâu dài, vất vả và cô đơn vì điện thoại thông minh.
Cứ khi nào không nghe thấy tiếng ồn của hai đứa trẻ song sinh, Fang biết chắc con đã trộm được điện thoại. Liên tục phải đấu trí để giành lại thiết bị này từ tay lũ nhỏ, chị chuyển sang giấu và định kỳ thay đổi mật khẩu. Giấu kỹ quá, đôi khi Fang không thể tìm thấy. Hơn nữa, đổi mật khẩu, các con của chị Fang luôn dò ra một cách dễ dàng
Một ngày trước khi Guoguo quấy khóc, Fang đưa cậu nhóc về nhà ngoại để dự đám cưới. Trước khi đi, chị hứa mua cho con khẩu súng đồ chơi mới và dặn bố đẻ không được cho cháu nghịch điện thoại.
Ông ngoại hứa đưa thằng bé đi công viên, rồi xem TV trước khi ngủ. Khi tỉnh dậy lúc 5 giờ sáng hôm sau, ông thấy cháu trai đang nằm thu lu một góc trên ghế sofa, tay lướt điện thoại, vẻ mặt vô hồn. Bằng cách nào đó, Guoguo lẻn qua người ông, rút điện thoại khỏi bộ sạc và dò được mật khẩu.
Fang tức điên khi biết chuyện. Chồng chị bắt con trai ở yên trong phòng suy ngẫm về những gì đã làm. "Cấm con đụng vào điện thoại cho đến khi làm hết bài tập hè", ông bố tuyên bố. Hành động này đã kích hoạt cơn giận giữ của Guoguo.
Thằng bé ám ảnh điện thoại đến mức, khi được hỏi ba điều yêu thích nhất, nó đáp "Thứ nhất là chơi điện thoại, thứ hai là nhìn người khác chơi". Sau đó, Guoguo vắt óc nghĩ đến điều thứ ba, nhưng không thể đưa ra câu trả lời. Được cô giáo gợi ý, nó miễn cưỡng nói thích đọc.
Mối lo của chị Fang với hai đứa con song sinh gần giống hệt nhau. Khi Tangtang còn là trẻ sơ sinh, người mẹ đã cho xem phim hoạt hình giáo dục sớm. Chẳng bao lâu, cô bé bắt đầu ngấu nghiến xem các video về búp bê Barbie, đồ chơi trang trí nhà cửa, đồ vật bằng đất sét tự làm và hướng dẫn làm đồ chơi.
Ban đầu, Fang nghĩ rằng điều này là bình thường. Nhưng sau đó, chị thấy Tangtang giả vờ lấy nắp chai nước làm phấn phủ và thường nhấc gót chân như đi giày cao gót. Cuối cùng, người mẹ cũng tìm ra được nguyên nhân. Con gái chị đang nghiện các video ngắn về trang điểm và làm móng trên mạng.
Sợ con ám ảnh ngoại hình mà lơ là việc học, chị nói chuyện với nó. Tangtang khẳng định muốn trở thành một blogger về làm đẹp. Dịp sinh nhật, được người cô tặng quà, Tangtang không vội mở ra. Nó mượn điện thoại của bố quay video mở hộp. Năm nay, khi con gái vào tiểu học, chị Fang lo con sẽ hẹn hò quá sớm. Theo giáo viên của cô bé, có lần ở lớp, hai cậu bé tranh nhau xem ai sẽ nắm tay Tangtang, trong khi em trai Guoguo cổ vũ chúng.
Không chỉ cặp song sinh, con gái lớn của chị Fang là Fanpan đã phải khám mắt từ lúc lên năm tuổi. Các bác sĩ phát hiện cô bị lác nặng. Vợ chồng Fang choáng váng.
Người mẹ tin con bắt đầu nghiện điện thoại khi chị gửi chúng ở nhà cho bố mẹ chồng chăm sóc, để đi làm. Lo lắng bọn trẻ có thể gặp nguy hiểm khi chơi bên ngoài, ông bà đã đưa cho chúng một chiếc điện thoại. Đó cũng là cách duy nhất để lũ trẻ im lặng. Sách giáo dục, đồ chơi chị Fang mua cho con phủ bụi vì ông bà không biết cách chơi với cháu.
Khi Fang nhận ra các con mình nghiện điện thoại, chị bày tỏ thái độ với bố mẹ, nhưng nhận ra nó làm phức tạp thêm mối quan hệ. Cả bố mẹ chồng và Fang đều ít đi học. Suy nghĩ về chăm sóc trẻ em của họ rất đơn giản: "Chỉ cần lũ trẻ không khóc, không gây rắc rối hoặc bị thương là ổn".
Quyết nuôi con đúng cách, người mẹ bỏ công việc kế toán để ở nhà. Fang không cho phép bọn trẻ nghịch điện thoại hoặc xem TV trước khi hoàn thành bài tập về nhà.
Sun Hongyan, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên và Trẻ em Trung Quốc, cho rằng các bậc cha mẹ nên làm gương trước và không để con nghiện điện thoại. "Nên xây dựng quy tắc sử dụng điện thoại và dạy con cách xác định nội dung", ông Sun, nói.
Nhưng việc làm gương không đơn giản, chồng chị Fang cứ đi làm về lại nằm dài trên ghế sofa xem video ngắn. Hai vợ chồng tranh cãi khiến gia đình căng thẳng.
Người dì gợi ý Fang đăng ký cho Gougou học một khóa MC. Không ngờ, cậu con trai tập trung vào thứ gì thường không quá hai phút đã say mê môn học này. Cậu bé còn dẫn chương trình thiếu nhi tại trường. Về nhà, Guoguo lại say sưa tập những câu rất dài. Người mẹ giật mình, tự hỏi có phải trước đó chưa đủ kiên nhẫn và tình yêu để dạy dỗ con.
Con gái lớn của Fang đã được đưa đến lớp học khiêu vũ và piano, con gái út học các lớp học nghệ thuật, sau đó là học khiêu vũ và con trai học các lớp học taekwondo, thư pháp và MC. Mỗi năm, các lớp học cho cả ba đứa trẻ có học phí gần 100.000 tệ (16.000 USD).
"Cuối cùng, nhu cầu chủ yếu của con tôi chính là tình cảm. Bố mẹ ít quan tâm, điện thoại chính là nguồn hạnh phúc rẻ tiền chúng có thể bám lấy", chị đúc rút.
Nhật Minh (Theo Sixthtone)